Tìm hiểu mối liên hệ giữa hiện tượng và bản chất

Thời gian gần đây trên mạng xã hội Weibo có một câu hỏi như thế này: “Tại sao những đứa trẻ lúc nhỏ biểu hiện càng ngoan, càng hiểu chuyện thì sau khi lớn lên lại càng có vấn đề về tâm lý.

Câu hỏi này cũng được nhiều các Fanpage trên mạng facebook của Việt Nam đưa ra luận bàn và cũng có nhiều nhận định nhưng cơ bản cho rằng:"Bởi những đứa trẻ ngoan ngoan, vâng lời và hiểu chuyện đều bị đè nén sự tự do phát triển cá nhân."

Câu trả lời khá thú vị, vấn đề là ở chỗ trước khi đặt ra câu hỏi “tại sao lại thế này, vì sao lại thế kia?” có bao giờ bạn tự hỏi: “liệu thế này đã đúng, thế kia đã chính xác hay chưa?”.

1. Cần phân biệt giữa Hiện tượng - Bản chất.

Chúng ta cần phân biệt:

- Bản chất: Giá trị cốt lõi (nguyên nhân chính của vấn đề)
- Hiện tượng: Một mặt chúng ta quan sát được.

Chúng ta cần phân biệt được bản chất – giá trị cốt lõi (nguyên nhân chính của vấn đề) nó khác biệt với hiện tượng – một mặt chúng ta quan sát được. Một kết luận đúng phải xuất phát từ nguyên nhân đúng và đủ, nếu không kết luận sẽ trở thành không đúng. Nếu không xuất phát từ giá trị cốt lõi, chúng ta sẽ rất dễ “quy nạp sai”, và quy nạp sai là một lỗi ngụy biện thường thấy.

Tìm hiểu mối liên hệ giữa hiện tượng và bản chất

Trong ngụy biện, nó còn được gọi là “Khái quát hóa vội vã”. Tức là khi chúng ta đi từ những quan sát sự vật - hiện tượng đơn lẻ (chưa đủ mức đại diện cho số đông) rồi đi đến những kết luận chung cho cả nhóm sự vật - hiện tượng đó, tức chúng ta đang khái quát hóa vội vã.

Ví dụ, anh Lê Quang Tèo được gặp Angela Phương Trinh, Elly Trần, Mai Thỏ, Linh Zuto, Bà Tưng … ai nấy đều có vòng một vĩ đại, Tèo lập tức kết luận: Các nữ hotgirl Việt Nam đều có ngực khủng.

Ồ, kết luận này không đúng, vì Tèo chưa được gặp nhiều hotgirl khác có ngực nhỏ. Tất nhiên, vì lý do tế nhị nên không tiện nêu đích danh các cô ấy ra đây, nhưng các bạn nên tin, dẫu rằng to hay nhỏ nó đều là cảm tính. Biết đâu nhỏ với bạn song là to với người khác chẳng hạn.

Phân tích thêm vấn đề của một vài tỷ phú khác nữa, ví dụ như Mark Zuckerberg cũng là một tỷ phú, từng bỏ học Harvard, có điểm chung với Bill Gates. Và nếu ai đó đưa ra câu hỏi: Bill Gates, Mark Zuckerberg ... trở thành tỷ phú được là do đâu, có phải là do bỏ học ở Harvard không? À, hình như là không. Trước tiên họ đều là những người có trí tuệ xuất sắc, có tư duy nhạy bén nắm bắt xu thế thời đại, sau là họ có điều kiện gia cảnh tốt hỗ trợ và 1 chút may mắn, cố gắng cùng nỗ lực. Kết hợp tất cả các yếu tố (điều kiện đủ), họ mới trở thành tỷ phú.

Vậy nên, việc bỏ học Harvard chỉ là biểu hiện, và việc này nó không liên quan hoặc là liên quan khá ít tới việc Bill Gates trở thành tỷ phú. Theo tôi, chính gia cảnh khủng, trí thông minh và tư duy nhạy bén mới là giá trị cốt lõi đưa Bill Gates thành một trong những người giầu nhất hành tinh.

Hay như việc Newton, Einstein ... trở thành những nhà khoa học vĩ đại có phải là do hồi nhỏ họ trầm cảm, tự kỷ hay không? Không, xin thưa đó đều là những biểu hiện. Họ trở thành những nhà khoa học vĩ đại là do họ có trí tuệ siêu việt, tập trung toàn bộ tâm sức tinh lực và nghiên cứu khoa học ...

2. Bớt mổ xẻ, phân tích trước những vấn đề chưa được kiểm chứng, trừ khi nó là cần thiết.

Chúng ta đừng nên tốn thời gian để suy xét về một mệnh đề sai, vì nó khá là vô nghĩa. Ví dụ như ta đặt ra câu hỏi: “Tại sao mặt trời quay quanh trái đất và ảnh hưởng ra sao tới sự phát triển của loài người? Vì sao Chúa lại tạo ra Adam trước mà không phải là Eva?” ... Tất nhiên, thừa thời gian thì tự suy xét cũng là 1 ý hay, nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng chỉ nên đặt vấn đề kiểu hoài nghi, thay vì việc phán xét về các trường hợp giả định, chưa xảy ra ở thực tại.

Ví dụ bạn đọc một luận văn khoa học xã hội, kiểu: Hãy giải thích tại sao những người càng giầu thì càng cảm thấy bất hạnh? Những ai càng đẹp trai lại càng dễ ế vợ? – Haha, trước khi tốn thời gian lý giải những nhận định kiểu này, phải xác định xem nó có đúng không đã. Nếu đó không phải là hiện trạng xã hội, vậy thì việc tốn hàng đống thời gian lý giải “Vì sao lại thế” nó rất là vô nghĩa.

Thế nên, trước khi phân tích về “lý do tại sao những đứa trẻ lúc nhỏ biểu hiện càng ngoan, càng hiểu chuyện thì sau khi lớn lên lại càng có vấn đề về tâm lý”, việc chúng ta cần làm đó là “liệu có phải những đứa trẻ lúc nhỏ biểu hiện càng ngoan, càng hiểu chuyện thì lớn lên càng có nhiều vấn đề về tâm lý” hay không?

Kết luận đưa ra gồm 2 vế dạng A => B (có A thường xảy ra B). Mệnh đề A, chính là trẻ biểu hiện càng ngoan, càng hiểu chuyện, mệnh đề B là lớn lên thường gặp vấn đề về tâm lý.

Điều này liệu có đúng không?

Thật ra, trong toán học, một khi muốn kết luận điều gì chúng ta đều phải chứng minh: Điều kiện cần và đủ. Ví dụ như hình vuông phải là tứ giác có bốn cạnh bằng nhau và bốn góc bằng nhau. Không thể hình thoi có 4 cạnh bằng nhau, hay hình chữ nhật có 4 góc bằng nhau mà ta dám kết luận nó là hình vuông được.

Trong tư duy logic cũng vậy. Mọi sự vật, hiện tượng tồn tại đều có thể trả lời nó từ đâu mà ra. Mọi kết quả đều phải có nguyên nhân. Có thể là 1 nguyên nhân hoặc tập hợp nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn phải có nguyên nhân.

3. Có thật những đứa trẻ lúc nhỏ biểu hiện càng ngoan, càng hiểu chuyện thì sau khi lớn lên lại càng có vấn đề về tâm lý?

Trở lại câu chuyện của chúng ta là đi xem xét xem kết luận này là đúng hay sai.Mệnh đề A: (Những đứa trẻ càng ngoan ngoãn, càng hiểu chuyện vâng lời) Suy ra Mệnh đề B: (Khi lớn lên càng có vấn đề về tâm lý)

Phân tích: Ngoan ngoan, hiểu chuyện và vâng lời người lớn đó là biểu hiện của một đứa trẻ ngoan, được giáo dục tử tế. Nó là biểu hiện. Còn “lớn lên gặp vấn đề về tâm lý” thì nó là đặc điểm tính cách, nó phụ thuộc nhiều vào bản chất con người và hoàn cảnh sống. Tôi thấy, 2 điều này có vẻ không liên quan đến nhau cho lắm.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người lại có suy nghĩ như thế này? Phải chăng đã có một cuộc khảo sát uy tín, chỉ ra rằng phần lớn những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện … khi lớn lên sẽ gặp vấn đề về tâm lý?

Không đúng! Cái này do chúng ta bị ngộ độc truyền thông, khi báo chí liên tục đưa ra những trường hợp cá biệt rồi “khái quát hóa vội vã”, kết luận rằng “thói quen vâng lời sẽ làm thui chột sự phát triển/sáng tạo của trẻ”, và đề cao và lăng xê các phương pháp “giáo dục tự do, giáo dục khai phóng” … theo kiểu chủ nghĩa Tây học.

Dẫu sao đây cũng chỉ là suy nghĩ của cá nhân, chưa hẳn đã đúng nhưng chuyện này nó không liên quan nhiều đến vấn đề ta xét. Điều ta cần làm là tìm ra các lý do có thể khiến một người gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Có thể liệt kê ra như sau.

- Do bẩm sinh, thế giới quan của trẻ con sinh ra đã không phù hợp với đám đông và tiêu chuẩn xã hội.

- Do sự giáo dục sai từ bé, khiến trẻ nhỏ nhận thức sai lệch. Từ đó lớn lên thế giới quan méo mó nên sẽ gặp nhiều vấn đề về tư duy, nhận thức.

- Do đặc thù hoàn cảnh sống thay đổi đột ngột. Có thể gặp vấn đề bất ổn khó lòng giải quyết. Cũng có thể do ý thức sai lệch với môi trường, hoặc việc thay đổi đột ngột môi trường sống trong khi tư duy cá nhân chưa xây dựng nên thế giới quan phù hợp.

Vậy nên, việc một người gặp các vấn đề về tâm lý (gặp vấn đề khi hòa hợp xã hội) nó không liên quan mấy đến việc hồi nhỏ sống ngoan ngoãn, hiểu chuyện và vâng lời. Nó phụ thuộc rất nhiều vào bản chất của người giáo dục và định hướng lẫn hoàn cảnh sống.

Nếu một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời và sống dưới chế độ giáo dục khoa học, bố mẹ là những người hiểu biết, trí tuệ … thì đứa trẻ đó lớn lên thường có phẩm chất tốt, được nhiều người yêu mến và quý trọng.

Ngược lại, nếu một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời nhưng theo kiểu thụ động, là kết quả của chế độ giáo dục gia trưởng hà khắc, bố mẹ bắt sống theo “kiểu của họ”, mai này lớn lên không được là chính mình. Những người này lớn lên rất dễ gặp vấn đề tâm lý.

4. Còn trẻ, nên ngoan ngoãn vâng lời và không ngừng tích lũy kiến thức để nâng cao năng lực phán đoán.

Ở một số page đã từng đăng nhận định:"Những đứa trẻ hư, ngỗ ngược, học dốt lại dễ thành công hơn những đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi, nề nếp". Để lý giải cho nhận định này, họ có đưa ra lập luận:

Đứa trẻ ngoan sau này lớn lên lại gặp những vấn đề rất lớn trong cuộc sống trưởng thành, thường thường liên quan đến việc vâng lời quá mức, khô cứng, thiếu sáng tạo, hiếm khi được làm sếp và thành công tài chính và rất hay dằn vặt lương tâm, một sự tự đầy đọa bản thân có thể kích thích những suy nghĩ tự tử.

Và đứa trẻ hư thường đang bước trên con đường hướng đến sự trưởng thành lành mạnh, bao gồm khả năng chấp nhận thất bại, sẵn sàng thừa nhận những khuyết điểm của bản thân, dám làm phật lòng người khác, rất hay được làm ở những vị trí quản lý, thành công hơn nhiều những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình quá nề nếp, quy củ.


Đấy rõ ràng là kết luận hàm hồ, không một nghiên cứu, phân tích nào chỉ ra rằng: Trẻ ngoan sẽ khô cứng, trẻ hư sẽ sáng tạo cả. Cũng như không phải sự nguyên tắc - khô cứng nào cũng không tốt, hay như sự đột phá, sáng tạo nào cũng tốt đẹp đâu.

Cuộc sống trăm phương vạn nẻo, cuộc đời ngàn lối rẽ, thành công được hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cần nâng cao học vấn để dự đoán được chính - phụ hay tầm quan trọng của từng yếu tố đó. Nhưng không hẳn khả năng dự báo tương lai của bạn càng tốt (tầm nhìn càng tốt) thì bạn sẽ đánh giá tốt hơn vì một cái đúng trở nên sai bị chi phối bởi rất nhiều các khách quan khác mà bạn không thể kiểm soát nổi.

Ví dụ, người giỏi, nghị lực ... thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn người bình thường. Những không phải người giỏi nào cũng sẽ thành công, cũng như không phải người bình thường sẽ không thành công. Cha ông ta có câu “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” hàm ý việc đôi khi tính toán quá lại là bất lợi, và nó đã được nghiệm chứng bằng nhiều ví dụ thực tế.

Muốn kết luận điều gì chúng ta cần soi xét kỹ lưỡng tính 2 chiều của sự việc (cần và đủ). Cần nhìn cả vào bản chất sự việc (óc suy luận, phán đoán) thay vì nhìn vào hiện tượng (mắt thấy, tai nghe). Và học vấn, kiến thức mới là cơ sở để chúng ta kết luận. Nên nhớ, thứ giúp ta có nhận thức rằng câu hỏi “Tại sao có cái này?” luôn có câu trả lời. Ta trả lời được hay không là do năng lực của chúng ta chứ không phải là nó không có.

Các bạn thấy không, cùng một thông tin được tiếp cận, mỗi người có một cách nhìn nhận đánh giá và nhận xét vấn đề. Tuy nhiên, một khi thông tin không đủ, những kết luận đưa ra đều rất thiếu chính xác. Và những ví dụ mà ta vừa xét, nó thuộc dạng “QUY NẠP SAI”, trong ngụy biện nó sẽ là: Khái quát hóa vội vã kết hợp với lợi dụng trường hợp cá biệt để đưa ra kết luận hàm hồ.

Thực ra, nhận dạng một kết luận hàm hồ không phải là một việc làm khó khăn với người có tri thức. Nhưng khổ nỗi, phần đông cộng đồng mạng đều thích thể hiện và nhanh nhảu quá, nói cách khác là cảm tính và phi logic. Đã cảm tính rồi, thì họ chỉ thích tin thứ họ muốn tin. Bởi vậy, họ rất dễ bị đám lều báo, đám kền kền dắt mũi bằng lý lẽ ngụy biện. Những dạng kết luận phi logic nhưng đánh đúng vào “cảm tính số đông” này không dễ nhận dạng nếu người đọc thiếu kiến thức về logic học hay thờ ơ với lý lẽ.

Hãy cứ ngoan ngoãn, hiểu chuyện và vâng lời người lớn, tất nhiên trên chừng mực nào đấy thôi các bạn trẻ ạ. Nhưng cần không ngừng học tập để tích lũy kiến thức, tìm ra điều gì là phù hợp với bản thân mình thay vì máy móc nghe lời người lớn. Các bạn trẻ ơi, kiến thức chính là cơ sở/nền tàng của tư duy, chỉ có không ngừng nâng cao học thức mới là biện pháp đúng đắn nuôi dưỡng năng lực phán đoán.

Hãy tự tạo cho mình nền tảng kiến thức đúng đắn và khoa học, và tự học cách nhận thức/đánh giá trước bất cứ vấn đề nào được tiếp cận. Cần học, học nữa, học mãi. Và học theo lời Darwin: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”.

tổng hợp.