Tư duy đa chiều và tầm quan trọng của nó

Tư duy đa chiều là cái gì đó mà học sinh không hề được dạy. Đa số họ như những cái máy chia làm 2 loại:
- Loại thứ nhất người ta nói gì nhồi vào cho thì mặc định nó là nhất, không thể thay đổi tư duy cố hữu.
- Loại thứ 2 có khá hơn chút thì có suy nghĩ, nhưng luôn nhìn nhận mọi thứ theo 1 chiều hướng xác định, khi được tác động theo hướng nào đó có thể sẽ thay đổi nhưng sau khi thay đổi sẽ nghiêng hoàn toàn về hướng suy nghĩ mới mà không tự định hình được nhiều khía cạnh song song mà vốn là bản chất của bất cứ sự việc nào dù là nhỏ nhất.

1- Tư duy đa chiều là gì?

Tư duy đa chiều được hiểu đơn giản là cách suy nghĩ/đánh giá sự vật/hiện tượng 1 cách bình tĩnh dưới nhiều góc độ, nhiều luồng tư duy để thấy được mọi tác động của nó cả về lý thuyết lẫn thực tế xã hội là đúng/sai, đẹp/xấu, hay/dở ... ra sao. Từ đó chúng ta mới có thể dùng năng lực của mình để phán đoán, đánh giá vấn đề một cách khách quan, cặn kẽ nhất.

Ngoài ra, tư duy đa chiều còn phải có sự phân luồng hợp lý, minh bạch để cái nhìn luôn được khách quan nhất có thể vì thực tế trên thế giới này không có con người nào là khách quan 100% cả, nếu có thì ta phải quay ngược lại câu hỏi "có đúng anh ta là người?" hay là 1 con robot?
Tư duy đa chiều và tầm quan trọng của nó
2. Tư duy đa chiều và tầm quan trọng của nó.

Ở Việt Nam, tư duy đa chiều là cái gì đó mà nhiều người còn thiếu. Thậm chí có một số người khi đã hình thành “hệ thống tư tưởng cá nhân” rồi thì khi đứng trước sự vật/hiện tượng họ khó lòng thay đổi tư duy cố hữu, thường nhìn nhận mọi thứ theo một chiều hướng xác định.

Những người có tính cách thế này, rất dễ trở thành nạn nhân của truyền thông kền kền, rất dễ bị chúng định hướng và dắt mũi. Tôi thì rất không mong muốn bạn bè, anh em của mình bị đính hướng, nên thật sự mong mọi người nên có tư duy đa chiều để đánh giá vấn đề.

Nhắc lại chuyện xưa. Ví như câu chuyện tuyết rơi trắng trời ở Sapa những mùa trước, phượt thủ thì sung sướng đê mê, dân ở đấy thì khổ, thậm chí có bạn nào đấy đã viết hẳn bài: Mẹ ơi chú ý đàn bò, “họ” còn cầu tuyết rơi nữa đấy. Nhưng cô nàng này không biết rằng, dân Sapa được hưởng lợi rất lớn từ tuyết rơi trắng trời, một mùa bội thu về Du lịch.

Chúng ta cần có cái nhìn đa chiều để đánh giá vấn đề cặn kẽ và nghiêm túc. Nên nhớ, đôi khi hạnh phúc của người này là tai họa của người khác. Cái quan trọng ta phải tỉnh táo, có cái nhìn cảm thông và bao dung hơn, đừng bao giờ khắc bạc với đời và cay nghiệt tới người thương yêu mình.

Hay lấy câu chuyện gần nhất, kiểu truyền thông kền kền như Bạch Huệ, Bạch Hoàn … hay dùng đó là nhìn vào mặt xấu nhất của sự việc rồi khái quát hóa vội vã, lên án xã hội bằng những lời lẽ vô tri.

Chuyện một ông hiệu trưởng dâm ô hàng chục trẻ em, đó là một câu chuyện hổ thẹn, nhưng tại sao lại chửi Bộ giáo dục và đất nước Việt Nam. Có phải họ dung túng, bao che cho điều này không?

Sao không nhìn vào mặt tích cực, cả nước đều biết chuyện này để cho những kẻ rắp tâm gây ác phải chùn tay, để cho học sinh các em hiểu được rằng mình phải lên tiếng để tự bảo vệ bản thân.

Trong khi vẫn chưa tìm ra được tư tưởng nào cần phải tin, thì nhiều người trở nên mất phương hướng, trở nên dao động tinh thần vội vã vất bỏ tư tưởng đã từng một thời tin tưởng.

Chỉ đáng tiếc, rất nhiều người trong chúng ta rất cảm tính, một khi họ đã nhận định sự việc như thế nào thì rất khó để họ thay đổi quan điểm (tư duy lối mòn). Họ có thể là nạn nhân của chế độ giáo dục nhồi sọ (nước chảy đá mòn), hoặc là liên tục được tiếp xúc với truyền thông kền kền (gần mực thì đen), dần dà đầu óc bị ảnh hưởng. Hoặc cũng có thể, do tố chất bản thân của họ chỉ có thế mà thôi.

Nhiều người Việt Nam rất thích tư duy lối mòn, vậy nên họ tin vào ca dao tục ngữ, tin vào sách vở sáo rỗng, tin vào lời nói của người khác, tin vào sự đồn đại vô căn cứ … và thậm chí tin cả một đám truyền thông kền kền. (Ps: Có nhiều thằng con tin cả Bách râu nữa)

Chúng ta nên nhìn vào bản chất vấn đề, tránh bị ảnh hưởng bởi các chi tiết hỏa mù, cũng chớ dùng cảm tính và lối mòn để đánh giá, nhận xét hiện tượng sự vật. Ví dụ đừng vì người ta đáng thương mà bênh vực, chúng ta bênh vực người đúng.

Một ông quan ngoại tình, đó là đời tư cá nhân đáng xấu hổ nhưng chưa chắc năng lực của ông ta kém. Hitler tuy là kẻ ác, nhưng năng lực hung biện và chính trị của ông ta rất đáng để ngưỡng mộ.

3. Tiến bộ xã hội bắt nguồn từ sự hoài nghi

Nếu con người tin tưởng sự vật một cách mù quáng thì sự giả dối, ngụy tạo sẽ tràn lan. Chân lý chỉ được khám phá khi con người ta có tư duy đa chiều, nó sinh ra từ sự hoài nghi và các câu hỏi giả định.

Mọi sự vật, hiện tượng tồn tại đều có thể trả lời nó từ đâu mà ra. Mọi kết quả đều phải có nguyên nhân. Có thể là 1 nguyên nhân hoặc tập hợp nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn phải có nguyên nhân.

Không tin vào Giáo hội, Nicolas Copernic đã chứng minh được trái đất không phải hình tròn mà là dạng hình cầu. Galileo Galilei tìm ra học thuyết Trái đất quay quanh mặt trời vì hoài nghi rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ. Newton nhìn táo rơi, đặt ra câu hỏi tại sao lại thế và ông ấy tìm ra thuyết Vạn vật hấp dẫn.

Nghi ngờ ánh sáng không đơn giản chỉ là dạng sóng mà còn là vật chất, người ta tìm ra lưỡng tính sóng hạt của ánh sáng. Những tiến bộ của khoa học đều ra đời từ sự phát hiện chân lý trong quá trình nghiên cứu thế giới quan này khi người ta hoài nghi và đặt ra câu hỏi tại sao lại thế.

Không phải chỉ có khoa học tự nhiên, những tiến bộ của văn minh xã hội cũng vậy. Từ chỗ hoài nghi sự hiển nhiên của chiếm hữu nô lệ, vậy nên sau này mới có đề xuất Luật cấm buôn bán nô lệ. Hoài nghi về Công giáo Roma, Martin Luther đã thực sự cải cách tôn giáo. Hoài nghi về vấn đề nam giới thượng đẳng hơn nữ giới của chế độ phong kiến, chúng ta có bình đẳng giới.

Đã bao giờ các bạn tự đặt ra câu hỏi và hoài nghi những gì mọi người vẫn thường cho là đúng chưa? Kiểu như: Ở hiền thì gặp lành, nghèo thì đáng thương, theo đuổi đam mê thì sẽ thành công. Ăn thịt chó là man rợ … Bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi tại sao lại thế chưa?

Xin lỗi, quan điểm của tôi là ở hiền mà lười và ngu, sống nghèo mà ác, gặp cái gì không chắc đâu. Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn ư? Nếu không có năng lực, lại cố chấp theo đuổi đam mê thì không dở hơi sẽ phí thời gian, cuộc đời chìm trong thất bại. Nên nhớ, tham vọng phải gắn liền với năng lực, không tự định vị được bản thân đang ở đâu thì cuộc đời sẽ chìm trong bế tắc.

Không phải ai bỏ học cũng thành Bill Gates, không phải ai kiên trì khởi nghiệp cũng thành Jack Ma. Không phải ai hết mình nỗ lực cũng được như Ronaldo... Một lời khuyên dành cho các bạn, đó là chúng ta cần tỉnh táo và định vị được bản thân, bởi “mỗi người là một thế giới quan khác biệt”. Đọc các sách Self-help chỉ để cho vui, có cái nhìn tích cực hơn với cuộc sống, chớ vội tin và học theo những gì trong đó viết.

4. Nên tôn trọng ý kiến của người khác.

Hầu hết chúng ta đều đã từng áp dụng một trong ba kiểu tư duy như sau.

– Tư duy theo kinh nghiệm: là việc dùng các kinh nghiệm mà cá nhân (hoặc người khác) đã tích lũy để xử lý vấn đề. Càng già, càng trải nghiệm nhiều thì kinh nghiệm càng nhiều.

Ví dụ như các kinh nghiệm về thời tiết, sản xuất của ông cha ta. Như: Bầu nắng, mướp đắng mưa, dưa đại hạn. Hay như “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa - Bay cao thì nắng bay vừa thì râm” …

– Tư duy logic: là kiểu tư duy từ A suy ra B. A và B có mối liên kết nào đó móc xích lại với nhau. Tư duy logic hình thành lên Tư duy phân tích và Tư duy tổng hợp.

Ví dụ như trông thấy khói bốc lên nghi ngút, chúng ta sẽ phán đoán là ở đấy đang có đám cháy. Một cô gái thì sẽ có ngực to hơn nam giới. Nên nhớ Logic học là khoa học về những quy luật và hình thức cấu tạo của tư duy chính xác.

– Tư duy sáng tạo: là kiểu tư duy từ A suy ra B. A và B không có mối liên kết nào trực tiếp. Nói chung, không phải ai trong chúng ta cũng có tố chất sáng tạo này.

Ví dụ kinh điển là Edison sáng tạo ra bóng đèn không phải từ việc cải tiến cái đèn dầu. Giữa đèn dầu và đèn điện đều có cùng mục đích nhưng khác hẳn nhau.

Mặc dù sở hữu cả 3 loại tư duy nhưng mỗi người sẽ có xu hướng thiên về một hình thức tư duy nào đó phụ thuộc vào tố chất và môi trường sống.

5. Tích lũy kiến thức để nuôi dưỡng năng lực phán đoán.

Trong cuốn Khuyến học của Fukuzawa Yukichi, ông có nói: Chỉ có học vấn mới nuôi dưỡng năng lực phán đoán.

Nói chung ở lớp trẻ hiện nay đó chính là chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây học, luôn cho rằng những thứ gì từ phương Tây là chuẩn mực trong khi không để ý tới hoàn cảnh, chủng tộc lẫn ưu/khuyết của nó.

Một khi không có tư duy đa chiều, lại không biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, vậy lập tức sa vào tư duy lối mòn. Chính cái sự tự tôn thái quá này của 1 bộ phận lớp trẻ thành sự huyễn hoặc sai lầm về bản thân, luôn tự cho rằng mình đúng và bắt đầu lên tiếng, chê bai quan điểm của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.

Rất nhiều người trong chúng ta tin tưởng mù quáng về Tây, Nhật … và cho rằng đó là chuẩn mực. Quan điểm cá nhân tôi, sự phù hợp mới là quan trọng. Không hẳn điều gì lúc nào cũng đúng trong mọi hoàn cảnh.

Trong xã hội đang hỗn loạn giữa cái mới và cái cũ, đang chứng kiến tư tưởng cùng văn vật phương Tây tràn vào thì việc lựa chọn đúng là rất cần thiết và cấp bách trên cơ sở so sánh văn mình Nhật Bản với phương Tây, phải du nhập cái gì, phải kiên quyết loại bỏ cái gì. Cần phải có năng lực lựa chọn: Tin cái gì và nghi ngờ cái gì. Kết quả của học vấn chính là ở chỗ nuôi dưỡng năng lực lựa chọn đó.

Học không bao giờ là đủ, lắng nghe không bao giờ là thừa. Nên tiếp xúc nhiều với người thông minh, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều hay từ họ. Tránh tiếp xúc nhiều với truyền thông kền kền, vì một khi bản tâm không vững kiến thức chưa sâu, bạn bị ngộ độc thông tin lúc nào không hay đấy.

tổng hợp.