Vì sao người Việt xưa đi chân đất không mang giầy dép

Nếu xem lại những hình chụp người Việt (người Pháp gọi là Annamite) thời cuối thế kỷ 19 hoặc nửa đầu thế kỷ 20, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc là hầu hết “dân thường” đều đi chân đất (không mang giày dép).

Có phải do thời điểm đó giày dép quá mắc tiền nên người dân nghèo không có điều kiện để mua? Điều đó cũng có thể đúng, nhưng lý do cốt yếu là trước khi Pháp tới chiếm Việt Nam, người Việt dưới chế độ quân chủ bị cấm mang giày, vì đó là đặc quyền của vua quan thời đó.

Vì sao người Việt xưa đi chân đất không mang giầy dép

Theo ghi chép của bác sĩ người Pháp Baurac năm 1894, điều này được ghi rõ như sau: Người An Nam thường không đi giày, và trước khi người Pháp tới Nam kỳ, giày bị cấm hoàn toàn với dân thường.

Lễ nghi của người An Nam không cho phép người ta đi giày xuất hiện trước kẻ bề trên, phải để dép ở cửa và đi chân trần.

Thói quen này có từ thời thơ ấu, khiến lòng bàn chân ai nấy đều chai sạn, đến mức người An Nam có thể đi trên đá và xuyên qua các cánh rừng đầy bụi rậm và bụi gai mà không hề đau đớn.

Trong một thời gian rất dài, người mang giày và người đi chân đất cũng là thể hiện sự khác biệt về giai cấp trong chế độ phong kiến.

Tuy nhiên do thói quen lâu đời đã ăn sâu vào lối sống của người dân, nên dù không còn bị cấm nữa nhưng vẫn còn nhiều người ái ngại mang giày dép, và việc đi chân đất vẫn còn kéo dài qua quá nửa thế kỷ 20.

Thậm chí sang tới thập niên 1970-1980, trong các hình cũ sau đây vẫn thấy có nhiều người dân lao động đi chân đất.