Vì sao một số loài vật lại lột xác đơn giản là khi bạn có một lớp áo cứng, cách duy nhất để lớn lên là phải lột bỏ nó ra.
Chân khớp, nhóm động vật đông đảo nhất trên Trái Đất, tất cả đều sở hữu một lớp vỏ ngoài cứng gọi là xương ngoài. Bộ xương ngoài ấy bảo vệ chúng khỏi kẻ săn mồi và nâng đỡ cơ thể. Từ vỏ cua đến tấm lưng lấp lánh của bọ rùa, xương ngoài xuất hiện dưới nhiều hình dáng và kích cỡ, nhưng hầu hết đều được cấu tạo từ cùng một chất liệu dạng sợi, đó là chitin hay còn có tên khác là kitin.
Khi một con non loài chân khớp sẵn sàng phát triển, hoocmon sẽ kích thích lớp da của nó để bắt đầu quá trình lột xác, hay còn gọi là sự thoái bì (ecdysis). Lớp ngoài của bộ xương (mô sừng) và lớp bên dưới (biểu bì) sẽ bắt đầu hình thành nên một lớp mô sừng mới thay thế. Sau đó con vật sẽ hớp thật nhiều không khí, di chuyển dịch lỏng quanh cơ thể để làm rách đường khớp nối, là vùng điểm yếu trên bộ xương ngoài.
Lấy gián làm ví dụ, chúng “tách ra ngay dưới phần giữa lưng” và “chui ra trong chưa tới 20 phút”, nhà côn trùng học Andrine Shufran tại Đại học bang Oklahoma cho biết.
Giáp xác thuỷ sinh như cua sẽ hớp nước, tạo áp lực lên đường nối chạy quanh cơ thể. Cách làm này sẽ đẩy chúng thoát ra khỏi lớp vỏ cũ, giống như những lá thư trồi lên từ phong bao vừa vặn.
Do giáp xác lột xác toàn thân, nên “bạn có thể nhìn thấy những lớp vỏ cua và cua móng ngựa rỗng hoàn chỉnh đủ mọi kích cỡ rải rác dọc bờ biển”, nhà sinh vật học tiến hoá Christine Simon tại Đại học Connecticut cho biết.
Động vật hình nhện, như tarantula và bọ cạp, ít linh hoạt hơn, nên “chúng chui đầu ra trước, rồi mới kéo phần thân còn lại ra khỏi cái lỗ đó,” Shufran nói.
Chỉ trong những bộ phim hoạt hình thời xưa rùa mới ra khỏi mai của nó. Ngoài đời thực, mai rùa là một phần của bộ xương và chứa “khoảng 50 chiếc xương được sắp xếp như một thiết kế hình học tinh xảo,” nhà sinh thái học Jeffrey E. Lovich của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết.
Trên lớp vỏ xương ấy là những phiến mai xếp chồng cấu tạo từ keratin. Rùa lột những phiến mai khi chúng lột xác, giúp loài bò sát này loại bỏ tảo tích tụ trên mai hoặc cho phép mai phát triển lớn hơn.
Thế nhưng không phải mọi loài rùa đều lột xác, thời điểm lột xác cũng khác nhau, nhà sinh thái học Whit Gibbons cho biết.
Ví dụ, rùa hoa lột phiến mai trong vòng một tuần, trong khi rùa trượt lột phiến mai hơn một năm.
Khi thằn lằn chuẩn bị lột xác, ngoại hình của nó thường xỉn màu, mắt kéo mây và bắt đầu ngọ nguậy. Để tạo vết rách đầu tiên trên da, thằn lằn sẽ cọ xát vào đá hoặc bề mặt xù xì. Cuối cùng nó sẽ tự chui ra, để lại lớp da chết trông giống như một chiếc bít tất ni lông, Lovich cho biết.
Dù lớp da vứt đi không màu, bạn vẫn có thể phân biệt được loài rắn hoặc thằn lằn nào từ hoa văn trên da, Gibbon cho biết.
“Da lột như một bản sao trắng đen”, Gibbon nói. Ví dụ như rắn vua đỏ, có những sọc đỏ, vàng và đen bắt mắt đến mức vẫn hiện hữu trên lớp da lột của nó trong nhiều sắc độ xám. Các yếu tố khác như kích thước hoặc loại vảy của da lột cũng có thể tiết lộ đó là loài rắn gì.
Da lột thậm chí còn chỉ ra địa điểm của chủ cũ. Nhìn vào chiếc đuôi này, Gibbon bảo: “Nó cho thấy nơi con rắn này từng đi qua.”
Những lợi ích khác của việc lột xác
Lột da cũng loại bỏ được ngoại ký sinh, là những sinh vật sống trên da của vật chủ. Chẳng hạn như khi một số con tắc kè Úc lột da, chúng cũng lột ra luôn những con ve có hại.
Một số loài thằn lằn và ếch ăn lại da lột. Hiện tượng đó được gọi là bì thực. Côn trùng, như gián Madagascar, cũng ăn bộ xương ngoài cũ của mình.
“Xoá dấu vết bạn từng quanh quẩn ở đó là một việc nên làm”, Shufran cho biết, “nhưng đó cũng là cách để bảo tồn tất cả nguồn năng lượng mà bạn đã tiêu hao vào sự tồn tại trước kia.”
Sau khi lột xác, cần từ nửa giờ đến vài giờ để lớp da mới cứng lại, khoảng thời gian này động vật rất dễ bị thương hoặc bị săn. Những con tôm hùm Mỹ cái sẽ di chuyển sang hang của con đực, lột xác và sau đó giao phối với con đực, con đực sau đó sẽ bảo vệ những con cái dễ bị tổn thương trong vài ngày.
Đó là chuyện thường thấy khi bạn bước ra khỏi vỏ bọc của mình.