Myanmar đang loạn lạc, ai cũng biết điều đó. Khoan hãy bàn về việc phe nào đúng phe nào sai. Nhiều người đang nghĩ nếu thay đổi chính quyền hiện tại thì ngay lập tức có “tự do dân chủ”, cuộc sống của người dân sẽ tốt hơn, đất nước sẽ giàu mạnh hơn? Thực tế không đơn giản, dễ dàng như thế…
Với đất nước có cả trăm đảng phái hoạt động độc lập, tình hình chia rẽ dân tộc vẫn tồn tại thì dù bất kể lực lượng nào đứng lên lãnh đạo Myanmar, tình hình không bao giờ tốt đẹp được.
Người ta vẫn quan niệm rằng đa đảng thì sẽ dân chủ, sẽ có đảng này giám sát đảng kia. Như vậy có tốt không? Hên xui, không hẳn lúc nào nó cũng đúng. Lấy ví dụ, có hai người và cả hai tự vỗ ngực mình tài giỏi, mình hiểu biết cãi nhau.
Ai cũng cho mình đúng, người này làm thì người kia chê bai đả phá, chọc ngoáy thì kết quả sẽ chẳng đi đến đâu cả…
Vậy mục đích của Mỹ và phương Tây luôn muốn các nước khác đa đảng, họ luôn rao giảng về tự do, dân chủ, nhân quyền, liệu có phải họ yêu thương, quan tâm và lo cho cuộc sống người dân ở những nước xa xôi nào đó ngoài họ? Đừng mộng mơ thế, họ không vĩ đại thế đâu!
Các nước lớn luôn muốn đặt ảnh hưởng của mình lên phần còn lại của thế giới. Dù muốn dù không, thì những nước nghèo hơn và nhỏ hơn khó thoát ra được, nếu không vì cái này thì vì cái khác. Các nước lớn dùng kinh tế thậm chí cả bom đạn để áp đặt ảnh hưởng của mình.
Thử hỏi có nước nào mà không phải dùng đồng đô-la để thanh toán quốc tế, và có nước nào mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế mà không có yếu tố Trung Quốc trong đó không? Kể cả Mỹ cũng không thể không liên quan đến Trung Quốc về kinh tế được.
Lan man thế để hiểu rằng các nước lớn luôn tìm cách áp đặt nhằm có lợi cho họ. Họ luôn tạo ra và nuôi dưỡng các tổ chức dưới quyền họ. Họ lên án hết cái này đến cái khác (tất nhiên không phải tất cả đều sai, nhưng đôi khi lại chỉ đúng với họ).
Rồi khi ký kết bất cứ một thỏa thuận kinh tế nào thì những nước nhỏ luôn chịu thua thiệt vì những vấn đề nội tại mà các nước lớn họ đã trải qua trước đó.
Đất nước nào cũng vậy. Muốn phát triển thì đôi khi phải đánh đổi. Càng muốn phát triển nhanh thì sự đánh đổi càng lớn. Những nước phát triển giờ quay lại chê bai áp đặt về những vấn đề mà chính họ gặp trong quá khứ phát triển của họ liệu có trơ trẽn quá không? Nó giống kiểu bắt đứa bé làm những việc nặng nhọc của người lớn vậy…
Về Myanmar, họ có gần một trăm đảng phái chính trị. Họ đa đảng đấy, nhưng tự do, dân chủ, nhân quyền ư, giàu mạnh ư? Sẽ còn cả một quá trình dài. Cuộc sống của nhân dân nếu có thay đổi chính quyền đi nữa, sẽ không được bằng hiện tại là điều chắc chắn.
Ai đó sẽ nói: “Ừ trước mắt là thế sau này con cháu sẽ hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.” Liệu có không khi mỗi cuộc đấu tranh nổ ra thì mâu thuẫn sẽ còn lâu mới hàn gắn được, và ở thì tương lai sẽ còn lặp đi lặp lại những sự việc đang diễn ra. Nhất là vấn đề đoàn kết các dân tộc còn chưa làm nổi…
Ở đời phải biết mình là ai. Đừng tưởng phá ngôi nhà cũ đi thì sẽ có ngay nhà mới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Mà khả năng ở túp lều rách là khả năng cao hơn rất nhiều.