Tại sao McDonald’s (Fast foods) ít có khả năng thành công ở Việt Nam

Năm 2014, Mc Donald's được một người Mỹ gốc Việt tên là Henry Nguyễn đưa về Việt Nam, bắt đầu thời kỳ đồ ăn nhanh (Fast foods) xâm nhập thị trường Việt Nam.

Vào những ngày đầu Mc Donald ra mắt, VTV thậm chí đưa video về những người Việt xếp hàng dài để mong muốn thưởng thức hamburger, thứ đồ ăn nổi tiếng của Mỹ.

Chỉ trong tháng đầu tiên, hàng loạt tiệm mới đã được mở ra, hàng trăm ngàn thực khách chia sẻ thông tin về McDonald trong tháng khai trương. Tất cả đều như dự đoán về một tương lai tươi sáng của McDonald’s ở đất nước này.

Những tưởng McDonald's sẽ gây nên cơn sốt lớn trong thị trường dịch vụ đồ ăn nhanh ở đất nước chúng ta. Nhưng không, thực tế đôi khi tàn nhẫn hơn nhiều so với dự đoán.

Cho đến bây giờ Mc Donald's gần như chìm nghỉm trong thị trường đồ ăn Việt, thực tế đôi khi tàn nhẫn hơn nhiều so với dự đoán.

Hiện tại, McDonald’s mới chỉ mở vỏn vẹn tầm 20 cửa hàng trên khắp cả nước, thậm chí nhiều cơ sở phải sang nhượng hoặc đóng cửa.
Tại sao McDonald’s (Fast foods) ít có khả năng thành công ở Việt Nam
Đến ngay Mc Donald's – thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới còn như thế, vậy nên tình hình của KFC, Buger King … cũng chẳng mấy khả quan. Tuy không lụn như Mc Donald, nhưng còn lâu các thương hiệu đồ ăn nhanh Việt Nam mới đạt đến cái gọi là thành công, như những gì họ đạt được ở các quốc gia khác trên thế giới.

Vậy nguyên nhân do đâu? Có phải do Việt Nam chúng ta nghèo khó, như thanh niên người Philippines phát biểu?

Chắc chán là không. Nếu bảo bởi Việt Nam chúng ta nghèo, không đủ tiền mua đồ ăn đắt tiền ở McDonald's – vậy giải thích ra sao về chuyện gần nửa triệu thực khách Việt sử dụng và chia sẻ thông tin về hamburger chỉ trong một thời gian ngắn?

Đáp án: thứ Mc Donald's nói riêng, và đồ ăn nhanh nói chung khó có cửa thành công ở Việt Nam ấy là do “đối thủ” của chúng quá mạnh, và văn hóa người Việt không quen sử dụng đồ ăn nhanh.

Đầu tiên, thứ khiến cho đồ ăn nhanh phát triển ở nhiều nơi trên thế giới đó là bởi tính tiện dụng, tính nhanh của nó dành cho người công sở. Với guồng quay tất bật của cuộc sống, nhiều người – đặc biệt là người ở các nước tư bản, họ không có đủ thời gian để chuẩn bị bữa ăn (nhất là dân công sở).

Vậy nên, họ chọn đồ ăn nhanh là tất yếu, bất chấp đồ ăn nhanh chẳng những hàm lượng dinh dưỡng không cao, mà nó còn có hàng loạt tác dụng phụ nữa như gây béo phì, dễ tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn tiêu hóa.

Lấy ví dụ như ở Mỹ, thiên đường của đồ ăn nhanh. Một số đại diện fast food có thể kể tên ở Mỹ như: pizza, hot dog, gà rán, hamburger, khoai tây chiên cùng với nước ngọt có ga. Ngay từ những ngày đầu nước Mỹ gây dựng nền kinh tế, Fast food ra đời như một lẽ tự nhiên đáp ứng nhu cầu của người dân trong nhịp sống hối hả tất bật.

Để có thêm thời gian, để có thời gian dành cho công việc, thức ăn nhanh với họ là một giải pháp. Bởi vậy mà các cửa hàng rồi chuỗi nhà hàng cứ thế mọc lên khắp con phố, phục vụ nhu cầu người dân. Tất cả lôi cuốn ánh nhìn bởi các bảng hiệu, hình ảnh và dòng chữ hấp dẫn. Giá cả cũng phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân.

Theo như chia sẻ của một anh bạn người Mỹ gốc Việt, thì hầu như ai ở Mỹ cũng thích ăn đồ tươi sống, chả qua họ hoặc không có thời gian nấu nướng, đồng thời giá cả nó lại đắt hơn xa đồ ăn nhanh.

Và vì đa số mức thu nhập của Mỹ không đủ cao so với mức sinh hoạt phí, Vậy nên, lựa chọn đồ ăn nhanh là sự lựa chọn “bất đắc dĩ” đấy. Anh bạn tôi còn nói rất nhiều, người Mỹ mắc chứng béo phì do. họ phải sử dụng thức ăn nhanh như bữa ăn thông thường.

Ưu thế để đồ ăn nhanh có thể trở nên thông dụng ở nhiều nước, đó chính là ăn “fast food” giúp tiết kiệm chi phí (rẻ) và thời gian (tiện dụng). Nhưng ở Việt Nam thì khác, tất cả những ưu thế của đồ ăn nhanh khi đến Việt Nam thì lại trở thành nhược điểm trí mạng.

Sở dĩ thời gian đầu người Việt xếp hàng để ăn Hamburger, ấy là do tò mò, “ăn để trải nghiệm.” Theo thời gian, khi nhận thấy hamburger không ngon lành như hình dung, chẳng mấy người Việt còn thấy mặn mà với nó.

Theo tôi, tôi sẽ nêu những nguyên nhân cụ thể mà đồ ăn nhanh gần như mất tích trên bản đồ ẩm thực Việt.

1. Về mặt chi phí

Nếu như ở Mỹ một bữa ăn nhanh thông thường có giá 3$, nó là thấp so với mức thu nhập của người Mỹ. Tức là ở Mỹ chọn đồ ăn nhanh tuy dễ béo phì, nhưng tiết kiệm được tiền. Nhưng Việt Nam thì ngược lại, một suất ăn Mc Donald có giá từ 60k-160k, nó vượt trội so với giá một bữa ăn thông thường của người Việt là 20-40k.

Nhưng quan trọng không phải là vì giá, vì có những người Việt chọn dùng bữa ăn tới hàng trăm ngàn. Chả qua trong mắt người Việt, suất ăn nhanh ấy không đáng với cái giá của nó.

2. Về mặt tiện dụng

Văn hóa ẩm thực Việt Nam, dù không có khái niệm “Fast food” nhưng tất cả các món ăn đều rất nhanh. Dù là bún phở hay bánh mì, và hàng loạt các loại đồ ăn khác thì khách hàng đều có rất nhiều lựa chọn nhanh gọn lẹ cho các bữa ăn.

Bún, phở, bánh cuốn, hủ tíu … người bán chỉ cần vài phút chuẩn bị là có thể phục vụ khách hàng. Và ngay cả bánh mì cũng vậy, chỉ mất khoảng một khoảng thời gian ngắn người bán đã xẻ bánh mì, bỏ nhân xong vào bánh để đưa đến tay khách hàng. Vậy nên điểm độc đáo nhất trong chiến lược kinh doanh của Fast Food là “nhanh” đã “không còn đất dụng võ” tại thị trường Việt Nam.

Hơn nữa, việc có thể điều chỉnh một chút trong việc chế biến đồ ăn Việt, nó là ưu thế nổi trội hơn so với Fast food. Ví dụ như người ta có thể ăn phở ít bánh, không hành, nhiều thịt, không mỳ chính. Ăn bánh mỳ có thể ít trứng, nhiều rau, có pate hoặc không. Tức là đồ ăn Việt muôn hình vạn trạng, có thể chọn điều chỉnh món ăn theo khẩu vị và nhu cầu – đây là thứ mà Fast food mơ cũng không nổi.

3. Về đặc trưng văn hóa

Ăn uống vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng ở Việt Nam. Thức ăn đủ các kiểu đều có ở mọi nơi, dù trên các lề đường hay trên những con thuyền dưới sông. Và bất kỳ loại hình nào cũng có ưu thế vượt trội so với đồ ăn nhanh.

Chẳng những vậy, trong văn hóa người Việt Nam chúng ta thường có thói quen cả gia đình hoặc nhóm bạn ngồi ăn và cùng nhau chia sẻ đồ ăn là một việc rất bình thường. Khi ấy, phong cách ẩm thực của McDonald’s không hề phù hợp với nét văn hóa này. Ở phương Tây nhiều người có thể chọn sống độc thân, họ chấp nhận nó.

Nhưng người Việt chúng ta thì không thế. Thứ nhất, đồ ăn nhanh thường không phải là món để chia sẻ với người khác. Thứ hai, việc phải ăn nhanh để dành không gian cho những người đến sau không phù hợp cho thói quen ăn chuyện trò vui vẻ kéo dài của người Việt.

4. Về tác dụng phụ

Như đã nói, người Việt giờ đây không còn ngây thơ như trước kia. Ở nước ngoài nó là Fast food, về Việt Nam nó là fat food. Mà đối tượng khách hàng mục tiêu của đồ ăn nhanh là dân công sở ở các đô thị, nay họ cũng sợ béo.

Về nhiều nguy hại khác nữa của đồ ăn nhanh, các bạn từ từ tìm hiểu. Đừng có tin lời mấy báo lá ngón cũng như chiêu bài PR vớ vẩn.