Kỹ thuật kinh nghiệm câu cá ở đầm nuôi tôm,cua đạt hiệu quả cao

Ở các tỉnh đồng bằng ven biển như Thái Bình, Nam Định...hầu như đều có loại hình kinh tế nuôi tôm, cua tại các đầm nước lợ.

Đầm là những vùng nước lợ rộng từ vài chục đến hơn trăm hecta. Đó là nơi người dân thuê mặt bằng của nhà nước để nuôi tôm sú hoặc cua...

Trong đầm, chủ đầm chỉ nuôi tôm sú hoặc cua tất cả các loài tôm, cá khác đều theo nước từ sông vào đầm mà sinh sôi nảy nở.

Những đầm tôm, cua này do lưu cữu nên có những con cá chẻm trên 10 kg, cá mú hàng 4 – 5 kg, cá hồng 2 – 3 kg, cá bống đục to bằng nửa cổ tay và rất nhiều cá rô phi.

Những loại cá này hầu như không được chủ đầm chào đón và muốn loại bớt đi cho đỡ tốn thức ăn của tôm cua nuôi.

Đi câu cá đầm bạn có thể tổ chức thành nhóm vài người bạn cùng đi vào những ngày nghỉ với phương tiện là xe máy hoặc ô tô con nếu nhà có điều kiện.
Kỹ thuật kinh nghiệm câu cá ở đầm nuôi tôm,cua đạt hiệu quả cao

Dưới đây là một số kỹ thuật cùng kinh nghiệm để buổi đi câu đầm đạt hiệu quả cao.

CHUẨN BỊ ĐỒ NGHỀ ĐI CÂU CÁ ĐẦM

1- Cần câu cá đầm.

Bạn có thể dùng cần máy hoặc cần câu tay đều được.Đối với cần câu tay nên chọn loại dài 5.5 – 6.0 m, nếu dùng cần máy thì có thể dùng cần ngắn hơn một chút cũng được.

Bạn nên chuẩn bị cho mình 2 loại cần vì những hôm cá đi ăn nhiều thì dùng cần câu tay hiệu quả hơn vì thao tác nhanh hơn cần máy.

Còn những hôm cá đi ăn thưa thì dùng cần máy sẽ hiệu quả hơn vì bạn có thể quăng mồi ra xa và xác xuất được cá cao hơn.

2- Lưỡi câu cá đầm

- Lưỡi tròn hiệu Tarado số 5 hay 6 (Megazone).
- Lưỡi trễ số 6 hay 7 (Megazone)
- Lưỡi gai lưng số 7 Hàn Quốc .

Lưỡi tròn Tarado rất sắc, chắc chắn, cá ăn là tự dính. Lưỡi trễ phải giật mới được cá.Lưỡi gai lưng có ưu điểm giữ mồi không bị tụt còn lại thì cũng giống lưỡi trễ.

Có nhiều cách buộc lưỡi câu cần tay, kiểu kết thẻo đôi hay thẻo ba phỏng theo cách buộc của người Hàn Quốc là câu hiệu quả nhất.

Dây kết kết nên dùng loại hơi cứng để dây buộc lưỡi không dính vào nhau còn dây tóm lưỡi nên dùng loại mềm, cỡ 28 – 30, tốt nhất là loại tàng hình dưới nước.

Chì câu cần tay nên chọn loại tròn hay hình nón có lỗ xuyên ở giữa nặng 10 – 20 – 30 gam tuỳ theo tốc độ nước vào đầm.

3- Mồi câu cá đầm

Câu đầm thì tùy tình hình nước nôi mà móc mồi (cá đục mồi hà đỏ, hà đước hay tôm chết lột vỏ, tráp mồi tôm sống móc đuôi, chẻm tôm sống to móc đuôi) ném ra, rê thật chậm trên mặt đáy, nếu bí quá thì xẻ luôn thịt cá làm mồi.

4- Lưu ý

Đi câu đầm là câu nơi thiên nhiên, bạn phải chuẩn bị đủ thứ nếu không muốn rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.

- Bộ đồ câu như:Cần, máy, dây, lưỡi, chì đều phải có đồ dự phòng vài bộ để đề phòng đứt rắt

- Những thứ cần thiết như là thùng đá đựng cá, dù che mưa nắng, ghế ngồi, túi hay ba lô đựng đồ, áo mưa, chống cần, kéo, khăn bắt cá, mũ rộng vành,…

- Và tất nhiên cần chuẩn bị đầy đủ mồi cho người bằng cách đem theo thức ăn sẵn hoặc góp gạo thổi cơm chung với chủ đầm với thực phẩm là cá câu tại đầm.

KỸ THUẬT CÂU MỘT SỐ LOẠI CÁ CÓ TRONG ĐẦM

1- Câu cá bống đục

Câu cá bống đục ở đầm bằng mồi hà đước là nhạy nhất, không có thì dùng tôm chết bóc bỏ cắt nhỏ vừa lưỡi câu cũng được.

Có thể câu bằng cần tay hay cần máy, có thể câu rê nhẹ cho mồi rà sát đáy (khi cá ăn thưa) cũng có thể để nguyên một chỗ (khi cá ăn dày). Câu máy nên dùng thẻo 3 còn câu tay nên dùng thẻo đôi.

Cá đục to hay nhỏ là tuỳ đầm. Có đầm cá rất to, cỡ chuôi dao hay nửa cổ tay, cũng có đầm cá bé xíu, cỡ ngón tay út.

Bống đục đầu nhọn, thân hình thuôn như viên đạn nên vượt ngược dòng nước rất hay.

Có hôm nước ở cửa cống xả vào đầm ầm ầm mà ngay giữa dòng chảy xiết ấy câu vẫn có cá, tất nhiên là chì phải cỡ 50g trở lên mới trụ được.

Vị trí câu bống đục hay nhất lúc nước vào đầm là hai bên mép cống, bên cạnh luồng nước xối vào đầm.

Tuy nhiên, người câu nên đặt mồi vào những vị trí khác nhau rồi so sánh, ở đâu cá ăn dầy nhất thì trụ ở đó.

Câu bống đục bằng cần tay không cần phao, thảy mồi ra xa, chờ cho mồi chạm đáy, kéo nhẹ cho đến khi đầu cần bắt đầu nhíu xuống là biết mồi đã chạm đáy.

Giữ đầu cần thẳng. Khi thấy đầu cần hơi cong xuống, tiếp theo sẽ rung nhẹ nhẹ, bật bật là biết cá đã ăn, chỉ cần đưa tay ngược đầu cần lên là được cá, không cần giật mạnh.

2- Câu cá tráp

Cá tráp là loài cá ngon nhất trong đầm. Có thể câu cá tráp bằng mồi tôm sống, tôm nõn bóc vỏ, hà được và nhạy nhất là mồi bột.

3- Câu rê bống cát, bống sao

Một cách câu đơn giản nhất, đảm bảo 100% lúc nào cũng thành công và không phụ thuộc vào nước vào hay ra là câu nhắp bống cát và bống sao ở ven đầm.

Chỉ cần một chiếc cần tay nhỏ, dây vừa phải, lưỡi Tarado số 7, một cục chì 5 gam là xong. Mồi hà hay tôm chết bóc vỏ đều nhạy.

Chỉ cần thả mồi sát cửa cống, gốc cây, cọc,… và nhấp lên nhấp xuống, bọn bống sẽ nhào ra chụp.

Đa phần là bống sao, thi thoảng được bống cát, có lúc còn được mao ếch hay cua hoặc cúm. Nếu chăm chỉ, cả ngày cũng câu được vài ký.

Chỉ có một yêu cầu duy nhất: kiên trì, chịu khó và đi liên tục, dò dẫm khắp nơi cả trong lẫn ngoài đầm.

4- Câu cá chẻm

Có nhiều cách câu cá chẻm trong đầm nhưng hiệu quả nhất thì có 2 cách: câu cắm lửng bằng mồi sống và câu rê bằng mồi giả.

Câu cắm lửng là cách đặt mồi còn sống lơ lửng trong nước cách đáy khoảng 80 cm hay 1 mét hoặc cách mặt nước cũng khoảng chừng đó.

Muốn căn từ mặt nước xuống người ta dùng nút chặn phao căn trước khoảng cách cần thiết đo từ lưỡi đến nút chặn phao, dùng phao to và chì neo giống kểu câu cá mè ở hồ.

Muốn căn từ đáy trở lên người ta nối dây neo chì vào thẻo câu và căn sao cho lưỡi phía trên cùng cách hòn chì neo khoảng cách cần thiết, phía trên dây trục gắn phao chỉ với tác dụng treo cho thẻo câu đứng thẳng.

Lưỡi câu chẻm là loại lưỡi to, sắc bén cột bằng cáp lụa hay dây sáp rồi gắn vào thẻo. Mồi câu chẻm là tôm sống hay cá sống.

Nếu câu bằng cá sống thì nhất hạng là cá đối, nhì mới đến bống sao, không có thì con cá loại nào cũng được miễn là còn sống khoẻ và to bằng ngón tay giữa trở lên.


Thẻo câu cá chẻm thông dụng có hai loại, tuỳ cách căn cho con mồi cách mặt nước hay cách đáy bao nhiêu.

Nếu căn từ mặt nước thì giữ nổi bằng phao to, chì dằn (cỡ 20g) nằm cuối dây trục dưới đó là thẻo cáp gắn lưỡi câu, chì neo cỡ 80g lắp y chang như kiểu câu cá mè.


Khoảng cách căn từ mặt nước là khoảng 80 cm đến 1 mét. Nếu căn từ đáy lên thì dùng chì neo lớn 80g – 120g ở cuối thẻo, đầu trên thẻo gắn chạc chữ T cách đáy 80 cm đến 1 mét và kết thẻo cáp vào chạc chữ T đó, thẻo móc vào dây trục bằng link, phao nằm trên dây trục chỉ có tác dụng giữ cho thẻo đứng thẳng.

Câu rê bằng mồi giả cần biết rõ chiều sâu của điểm câu để chọn lure có độ lặn sâu thích hợp, độ lặn sâu tối đa 80 cm đến 1,2 mét là vừa.

Câu rê phải chọn đúng luồng cá đi ăn, thường là ven bìa rừng đước, cửa cống hay kênh dẫn nước vào đầm. Câu mồi giả nên chọn loại mồi sáng màu, có phản quang sẽ nhạy hơn loại khác.

Lời kết

Đi câu đầm thường không mất tiền câu mà được thật nhiều thứ, ngoài những con cá câu được, người ta còn được hoà nhập vào thiên nhiên kỳ vĩ, được chia sẻ tiếng cười với bạn bè, con người như khoẻ ra, trẻ ra và vui vẻ hơn.