Đường lên đỉnh Olympia hay chương trình tuyển chọn nhân tài cho Australia?

Đến hẹn lại lên, mỗi khi kết thúc trận chung kết năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia, lại có không ít người cho rằng đấy là chương trình chọn nhân tài cho Australia, là chảy máu chất xám ...

Trước tiên, cần phải hiểu về thuật ngữ "chảy máu chất xám" là gì. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ vấn đề di cư quy mô lớn của nguồn nhân lực có kiến thức và kĩ thuật từ một nước qua những nước khác, gây tổn thất/thiệt hại lớn đến sự phát triển của đất nước.

Một cuộc thi, dĩ nhiên đều chỉ có 1 người chiến thắng, tức là chỉ 1/144 người đạt được học bổng du học sang Úc, trong số 143 người còn lại vẫn có rất nhiều người giỏi nữa kia mà.

Gọi các nhà vô địch Olympia là nhân tài thì hơi “bốc” quá

Không thể phủ nhận, những quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia đều giỏi, thậm chí có người rất giỏi. Nhưng tôi tin chắc rằng có nhiều người ở lại cũng giỏi không kém, thậm chí có thể giỏi hơn (trên lĩnh vực nghiên cứu học thuật).

Vậy thì mỗi năm Australia có được một vài nhân tài của Việt Nam sang đó du học, và định cư ở lại thì có gì là to tát? Có gì là chảy máu chất xám để thổn thức thương đau?

Đã là số ít, vậy nói xem, các Quán quân chọn định cư ở Australia, họ đã có những phát kiến vĩ đại gì khiến thế giới rung chuyển? Nếu nước Úc được hưởng lợi lớn từ họ, thay vì Việt Nam, khi đó mới gọi là chảy máu chất xám. Hay là chỉ mấy năm sau cuộc thi, thậm chí có nhiều người chẳng nhớ nổi họ là ai?

Đường lên đỉnh Olympia hay chương trình tuyển chọn nhân tài cho Australia

Có nhiều người thậm chí còn suy nghĩ rằng: Quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia đều là những người giỏi nhất trong cùng thế hệ. Quan điểm ấy chưa thực sự chuẩn lắm. Vì giỏi nhất là như thế nào, còn chưa mấy ai định nghĩa cụ thể.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, mỗi chương trình truyền hình đều có giá trị riêng của nó về sứ mệnh, tệp người chơi, tệp khán giả và độ phủ sóng riêng. Hát hay là một loại giỏi, siêu toán cũng là một loại giỏi - và chẳng có loại giỏi nào sang hơn loại giỏi nào.

Tức là quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia cũng chỉ là một người giỏi, thậm chí rất giỏi, nhưng họ chưa đạt đến tầm thiên tài kiệt xuất và lỗi lạc, có những phát minh làm rung chuyển thế giới.

Nên nhớ, về bản chất Đường lên đỉnh Olympia chỉ là 1 game show về kiến thức dành cho học sinh cấp III. Nội dung câu hỏi của chương trình gồm: 40% là hiểu biết xã hội, 40% là kiến thức THPT và 20% là tư duy logic. Nó có thiên hướng nghiêng về tìm ra người có hiểu biết rộng nhất về nhiều lĩnh vực (uyên bác), chứ không hẳn là cuộc thi tìm ra người có tư duy xuất sắc nhất (trí tuệ).

Và thậm chí, kể cả họ không trở về Việt Nam song một khi trái tim họ hướng về tổ quốc, vậy cũng không thể nói đó là chảy máu chất xám được.

Hãy để cho họ được chọn nơi làm việc mà họ mong muốn

Đi du học và chọn ở lại cũng chỉ là sự lựa chọn một nơi thực sự phù hợp với bản thân mình mà thôi. Nên nhớ, bạn ở đâu không quan trọng, quan trọng quê hương Việt Nam ở đâu trong bạn.

Nhiều cựu quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, sau khi định cư bên Úc nhưng vẫn luôn quan tâm đến quê hương. Họ hết lòng tạo điều kiện giúp đỡ các du học sinh Việt Nam bên Úc có cơ hội việc làm và học tập tốt hơn, vẫn có những đóng góp nhất định cho quê hương đất nước, vậy có gì là chảy máu chất xám.

Đường lên đỉnh Olympia hấp dẫn, đơn giản là bởi người chơi đều là học sinh giỏi, thông minh. Nhưng một người thi được 200 điểm, chỉ số tư duy/trí tuệ chưa chắc cao hơn người được 150, 100 điểm.

Học bổng sang Úc của chương trình Đường lên đỉnh Olympia chỉ có một hàng năm, nhưng lại có hàng chục thí sinh đi du học theo nhiều hình thức học bổng khác nhau của nhiều nước.

Vậy câu hỏi thật sự cần đặt ra ở đây là: Tại sao các Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia lại không chọn trở về nước? Câu trả lời đơn giản, đó là một sự lựa chọn phù hợp với năng lực của họ.

Nó tương tự như những sinh viên giỏi, sau khi lên thành phố học Đại học - họ chọn định cư ở lại và không muốn trở về quê hương. Nhưng không thể nói rằng những người này họ không có đóng góp cho quê hương.

Theo thống kê từ 10 năm trước cho thấy có 70% số du học sinh sau khi tốt nghiệp đã chọn làm việc ở nước ngoài chứ không về nước. Đó là thực trạng khá buồn, nhưng nguyên nhân không phải ở chương trình Đường lên Đỉnh Olympa.

Nguyên nhân bởi vì một phần Việt Nam chưa phải là môi trường nghiên cứu học thuật tốt nhất. Tuy nhiên, chục năm gần đây Việt Nam chúng ta đang không ngừng đổi mới, tạo điều kiện hơn nữa cho nghiên cứu học thuật để lưu giữ nhân tài. Đó là một tín hiệu tích cực.

"Việc làm ở nước ngoài sau này sẽ mang lại lợi ích cho quê hương. Một sinh viên Việt Nam nếu làm ở nước ngoài 10 năm khi trở về thành đạt từ kỹ năng, kiến thức, mối quan hệ thực sự có giá trị. Chỉ cần trong số 10 người, có 1 người thành công trở về vậy cũng là tín hiệu tốt".

nguồn facebook.