Kinh Lễ hay còn gọi là Lễ ký là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước.
Nho giáo rất xem trọng Lễ nghi vì nó là biểu hiện của một xã hội văn minh và có trật tự "Lễ" là những quy tắc mang tính hình thức được xã hội thừa nhận để bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác, với cộng đồng hoặc với những định chế xã hội và để nhận được sự tôn trọng của xã hội.
Lễ nghi sẽ tạo ra một xã hội hài hòa trong đó mọi người đều tự tiết chế trong mối quan hệ giữa người với người, không để những cảm xúc tiêu cực biến thành hành động mạo phạm, bất kính với người khác.
Ở đây chỉ đề cập tới một phần rất nhỏ trong Lễ Ký đó là những chỉ dẫn con người ta nên có lời ăn tiếng nói như thế nào cho chuẩn mực trong việc đối nhân sử thế.
Câu cú nghiêm cẩn, văn từ uyển chuyển, tiền hậu hô ứng nhịp nhàng, ngôn ngữ linh hoạt, được coi là những lời chỉ dẫn con người trong việc nói năng được ghi chép trong Lễ Ký.
1. Quân tử bất thất túc ư nhân, bất thất sắc ư nhân, bất thất khẩu ư nhân. Thị cố quân tử mạo túc uý dã, sắc túc đạn dã, ngôn túc tín dã. (Lễ Ký – Biểu Ký)
Dịch nghĩa: Cử chỉ của người quân tử không mất thể thống, diện mạo luôn giữ gìn sự tôn kính, nói năng phải cẩn trọng, không lỡ lời, không nói những lời không nên nói.
Cho nên, diện mạo của người quân tử đủ khiến người khác phải kính sợ, dáng vẻ đủ khiến người khác cảm thấy uy nghiêm, ngôn từ đủ khiến người khác tín phục.
2. Nhất xuất ngôn nhi bất cảm vong phụ mẫu, thị cố ác ngôn bất xuất ư khẩu, phẫn ngôn bất phản ư thân, bất nhục kỳ thân, bất tu kỳ thân, khả vị hiếu dĩ. (Lễ Ký – Tế Nghĩa)
Dịch nghĩa: Hễ mở miệng nói thì không dám quên cha mẹ, do vậy mà không nói lời độc ác làm tổn thương người khác, cũng không có người nói lại mình bằng những lời phẫn nộ, oán hận.
Sau đó mới có thể khiến thân thể không bị nhục, không khiến cha mẹ phải tủi hổ, như vậy có thể nói là hiếu rồi.
Tằng Tử nói “đối đãi với người khác như thế nào, thì họ cũng sẽ đối đãi với mình như vậy”. Nói lời ác với người khác, thì người khác cũng sẽ đối xử với mình như vậy. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng bất lợi tới bản thân, mà còn là biểu hiện của sự “bất hiếu”.
Cổ nhân cho rằng khinh thường bản thân là khinh thường cha mẹ, khinh thường nhân luân, làm nhục bản thân chính là làm nhục cha mẹ, làm nhục tổ tiên. Do vậy trước khi mở miệng nói nếu nghĩ tới cha mẹ thì sẽ không nói những lời thị phi.
3. Ngôn tất tiên tín, hành tất trung chính. (Lễ Ký – Nho Hành)
Dịch nghĩa: Lời nói trước tiên phải thể hiện sự thành tín, hành vi nhất định phải giữ gìn sự đoan chính.
Lời nói trung thực thành tín, hành vi chính trực, cung kính, thì dẫu ở nơi đất khách lạc hậu cũng vẫn thông thuận.
Lời không trung tín, hành vi không chính trực, cung kính thì dẫu ở ngay trên mảnh đất quê hương mình, nơi nào cũng gặp trở ngại.
Uy tín là tiêu chí bên ngoài về sự thành thực trong nội tâm một người, cũng là phẩm chất quan trọng mà những người muốn thành đại sự cần kiên trì giữ vững.
4. Thị ư quân tử, bất cố vọng nhi đối, phi lễ dã. (Lễ Ký – Khúc Lễ Hạ)
Dịch nghĩa: Khi hầu hạ người quân tử, không nhìn trước ngó sau để đối đáp, là không có lễ.
Lễ tôn sùng sự khiêm nhường. Lời xuất tự tâm, người trí nói năng cẩn trọng, khi cần nói mới mở miệng, đợi đến lúc thích hợp mới mở lời.
Khi nói chuyện với bậc trưởng bối, nếu chưa đến lượt mình, thì không nên vội vàng nói trước. Đây là hành vi vô cùng thất lễ, không cung kính, cũng là biểu hiện của sự nóng vội và khinh suất.
5. Thị tọa ư tiên sinh, tiên sinh vấn yên, chung tắc đối. (Lễ Ký – Khúc Lễ Thượng)
Dịch nghĩa: Hầu hạ tiên sinh, nếu tiên sinh hỏi, thì nhất định phải đợi tiên sinh hỏi xong, mới trả lời.
Khi giao tiếp với người khác, xuất phát từ sự tôn trọng với đối phương, tốt nhất là không nên chủ động ngắt lời.
Trong giao tiếp, người ta thường phạm phải 3 lỗi lầm sau: Một là đối phương chưa nói xong đã cắt ngang hay cướp lời, là nóng vội.
Hai là khi bản thân cần nói nhưng lại không nói, là có ý đồ che giấu. Ba là không nhìn sắc mặt đối phương mà nói, là “mù quáng” vậy.
6. Cư kỳ vị, vô kỳ ngôn, quân tử sỉ chi; hữu kỳ ngôn, vô kỳ hành, quân tử sỉ chi. (Lễ Ký – Tạp Ký Hạ)
Dịch nghĩa: Ở một chức vị nhất định, mà không thể đưa ra ý kiến tương ứng với chức vị đó, thì người quân tử nên cảm thấy xấu hổ.
Đưa ra những lời đàm luận như vậy, nhưng lại không có hành vi như vậy, người quân tử cũng nên biết xấu hổ.
7. Tại quan ngôn quan, tại phủ ngôn phủ, tại khố ngôn khố, tại triều ngôn triều. (Lễ Ký – Khúc Lễ Hạ)
Dịch nghĩa: Trên triều đình, lời nói hành vi đều cần phù hợp. Quan, phủ, khố, triều đều là những nơi bàn việc công. Tại những nơi bàn công vụ tương ứng cũng cần bàn luận cách giải quyết các sự vụ tương ứng.
Làm người không nên xảo trá, nhưng cần viên dung, lời nói nên đúng lúc, đúng chỗ. Một người có tu dưỡng, khi nói chuyện với những người khác nhau, thì chủ đề sẽ thay đổi tuỳ theo thân phận và công việc.
Họ đều nói những việc phù hợp với đạo lý, phù hợp với hoàn cảnh, giúp ích cho đối phương, giúp ích cho công việc.
8. Công sự bất tư nghị. (Lễ Ký – Khúc Lễ Hạ)
Dịch nghĩa: Việc công không bàn riêng.
Về việc công nếu có ý kiến cũng không nên bàn luận riêng, mà cần bàn bạc và tiến hành công khai. Nếu bàn luận riêng thì sẽ bị nghi ngờ là có mưu đồ gian tà. Lén lút làm việc công thì việc chẳng thể thành, cũng không phải hành vi của bậc trí giả.
9. Ngôn hữu vật nhi hành hữu cách dã, thị dĩ sinh tắc bất khả đoạt chí, tử tắc bất khả đoạt danh. (Lễ Ký – Truy Y)
Dịch nghĩa: Lời nói thực tại, hành vi có chừng mực, nên khi sống chí hướng không đổi, sau khi chết cũng không ảnh hưởng tới danh tiếng tốt của bản thân.
10. Quân tử ước ngôn, tiểu nhân tiên ngôn. (Lễ Ký – Phường Ký)
Dịch nghĩa: Người quân tử ước thúc lời nói của mình, kẻ tiểu nhân tranh giành nói trước.
Người có đức hạnh thường nói năng cẩn trọng, chú trọng làm việc một cách thiết thực, nói được làm được.
Người có phẩm hạnh thấp hèn thích nói nhăng nói cuội, cướp lời người khác mà nói lời huyênh hoang, khoác lác, nói được mà làm chẳng đặng.
Lời nói như mũi tên đã bắn, như bát nước đã hắt đi; tên đã bắn, chẳng thể thu về, bát nước đã đổ chẳng thể vớt lại cho đầy.
Lời nói cần song hành với việc làm, nếu không chỉ khiến thiên hạ cười chê. Lời có thể nói, mà việc chẳng thể làm, thì chi bằng không nói còn hơn.
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, lời nói và hành vi của một người thể hiện hàm dưỡng của bản thân người ấy.
Theo Aboluowang