Tại sao lại có 2 ngày nghỉ cuối tuần thần thánh

Xã hội ngày nay, hầu như tất cả các cơ quan, doanh nghiệp đều sẽ có hai ngày nghỉ cuối tuần dành cho nhân viên, nó là kế thừa quy tắc xã hội từ những năm của thế kỷ 19.

Bạn có biết tại sao lại có 2 ngày nghỉ này không? Đó có phải là sự nhân đạo? Hay các ông chủ thương xót cho nhân viên? Chắc hẳn không ít người sẽ suy nghĩ như vậy nhưng sự thật lại không như vậy mà có khi lại trái ngược.

Chủ nghĩa tư bản thế kỷ 19


Trái đất quay một vòng quanh Mặt trời hết 365 ngày 6h - đó là 1 năm. Chu kỳ Mặt trời lặn và mọc kéo dài 24h - ấy là 1 ngày. Những khoảng thời gian này được tạo hóa quy định khi tạo ra Trái đất - hành tinh duy nhất có tồn tại một nền văn minh.

Tuy nhiên, "tuần" lại là khái niệm do con người tạo ra. Thứ 2 là đầu tuần, Chủ Nhật (hay Chúa Nhật) là cuối tuần - tất cả đều là sản phẩm của con người. Điều này cho thấy con người trong quá trình phát triển đã tìm cách kiểm soát thời gian, và vô tình biến nó thành một cuộc chiến.

Chúng ta biến thời gian thành kẻ thù. Chúng ta tìm cách kiểm soát nó, vượt trên nó, thể hiện qua mọi hành động chúng ta làm hàng ngày. Bạn mua một chiếc điện thoại mới cũng vì nó nhanh hơn cái cũ; bạn bấm lia lịa vào nút "đóng" (Close) trong tháng máy để nó đóng vào nhanh hơn. Hay thậm chí là tăng tốc khi sắp đến đèn đỏ - cũng là cách để chiến thắng thời gian.

Trận chiến với thời gian khốc liệt dần theo sự phát triển của xã hội, và nó chỉ tạm dừng lại vào cuối tuần. Đối với nhiều người, 2 ngày nghỉ cuối tuần thực sự là một giờ giải lao, thoát khỏi gánh nặng của trận chiến không hồi kết kia.

Tại sao lại có 2 ngày nghỉ cuối tuần thần thánh

Nhưng bạn biết không, ý tưởng của 2 ngày nghỉ cuối tuần không được quá nhân văn như bạn tưởng tượng đâu! Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu ra điều này.

Trong giai đoạn thế kỷ 19 - 20, làm gì có ngày cuối tuần đâu. Thời gian rảnh khi đó thực sự là một vấn đề liên quan đến chính trị.

Những công nhân người Mỹ - tầng lớp lao động thu nhập thấp đã phải đứng lên đấu tranh - không phải vì điều kiện lao động, không phải vì nạn bóc lột lao động trẻ em - mà là giảm số giờ lao động xuống. Rất nhiều người đã đứng lên đấu tranh, và ngã xuống.

Khi cách mạng công nghiệp ra đời (1840), mọi chuyện trở nên kinh khủng hơn. Các loại máy móc đã khiến công nhân thay đổi hình thức làm việc - không ngừng nghỉ, để giảm tải chi phí.

Hai ngày nghỉ cuối tuần ra đời


Sự thật trong suốt giai đoạn thế kỉ thứ 19-20 khái niệm 2 ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật chưa từng tồn tại. Những người công nhân Mỹ phải làm việc cả tuần. Khi đó các tầng lớp công nhân luôn đấu tranh yêu cầu phải giảm giờ làm nhưng hầu như không có tác dụng.

Vậy khái niệm hai ngày nghỉ cuối tuần ra đời từ đâu? Thật bất ngờ người đưa ra khái niệm này lại là Henry Ford – Ông chủ của hãng xe hơi quá nổi tiếng mà chắc hẳn ai cũng biết, một kẻ cứng nhắc, luôn phản đối các cuộc đấu tranh của công nhân đến tận cùng. Vậy vì lí do gì mà ông ta lại đưa ra khái niệm này? Ông ta nổi lên lòng trắc ẩn ư? Thế thì bạn nhầm rồi.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1914, khi đó Henry Ford quyết định tăng lương cho công nhân của mình từ 2.34 $/ một ngày lên 5$/ngày. Henry Ford bị thuyết phục bởi vị phó chủ tịch của mình ông James Couzens về ý tưởng: Tăng lương không chỉ ổn định được lòng người mà còn khuyến khích công nhân chi tiêu nhiều hơn. Có tiền thì ham muốn tiêu xài, mua sắm sẽ trỗi dậy, và họ có thể bỏ tiền ra mua chính xe hơi của hãng.

Thật sự đây là một luận điểm vô cùng chính xác, không thể nào chối cãi. Có nhiều thì tiêu nhiều, một pha kích cầu hoàn hảo. Bạn có thể thử tưởng tượng một nhân viên Sam Sung bỏ 2 tháng tiền lương để mua một chiếc điện thoại Samsung đời mới, điều đó có nghĩa là nhân viên đó đã làm làm không công 2 tháng vì giá thành sản xuất chỉ là con số rất nhỏ so với giá bán. Cuối cùng số tiền bạn làm quần quật 2 tháng lại quay về túi của ông chủ. Đúng là không thể có sự “bóc lột” nào ngọt ngào hơn thế nữa.

Và để dễ dàng thêm cho sự “bóc lột” của mình Henry Ford đã đề ra chính sách làm việc 5 ngày và nghỉ 2 ngày cuối tuần. Vì sao? Vì có tiền là một chuyện bạn còn cần thời gian để tiêu tiền. Hãy nghĩ mà xem 2 ngày nghỉ cuối tuần luôn là khoảng thời gian tuyệt vời để mua sắm.

Henry Ford đã nói: “Có nhiều thời gian rảnh mọi người sẽ muốn mua thêm quần áo, họ sẽ ăn nhiều đồ ăn ngon hơn, và họ cần nhiều phương tiện di chuyển hơn”

Vậy là khái niệm ngày nghỉ cuối tuần ra đời. Những ông chủ lớn của tất cả các ngành nghề đều nhanh chóng nhận thấy được mánh khóe ở trong đó. Và khái niệm ngày nghỉ cuối tuần ngày càng được nhân rộng ra. Từ đó phát triển thành đạo luật ngày làm việc 8h tối đa 40h/tuần. Đó chính xác là những gì ngày nay chúng ta được hưởng. Còn gì hay hơn khi bạn tăng sức “bóc lột” mà người ta còn cảm ơn bạn?.

Thực chất, nó giống như một củ cà rốt treo lơ lửng trước mũi những con thỏ vậy: nó giúp các công nhân gắn bó với công việc hơn, làm việc hiệu quả hơn, để rồi tiếp tục thực hiện một công việc khác, đó là chi tiêu và mua sắm.

Một mánh khóe đầy ấn tượng, giống như nhà kính tế John Kennet Galbraith từng phát biểu: "Sản xuất và kinh doanh sẽ tạo ra ham muốn hướng đến sự thỏa mãn cho bản thân." Cuối tuần chính là thời gian để có được sự thỏa mãn ấy.

Khái niệm cuối tuần bắt đầu lan tỏa trong vài thập kỷ kế tiếp. Năm 1955, chính sách tuần 5 ngày làm việc trở nên phổ biến tại Anh, Canada, trong khi một số nước châu Âu áp dụng chính sách nghỉ thêm nửa ngày thứ 7. Đến thập niên 70, toàn bộ các nước châu Âu khống chế thời lượng làm việc của công nhân chỉ còn 40h/tuần, và đều được nghỉ thứ 7, Chủ Nhật.

Đây chính xác là những gì chúng ta được hưởng ngày nay: một tuần làm việc 5 ngày, kèm theo 2 ngày nghỉ. Xét về mặt kinh tế, đây là một chính sách hợp lý: con người được nghỉ ngơi sẽ chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đồng thời đẩy mạnh năng suất lao động.

Chỉ có điều, bạn không biết rằng mình đang phải cuốn theo một vòng xoáy khác: kiếm nhiều tiền hơn so với thời gian làm việc, và tích cực chi tiêu nhiều hơn. Nó sẽ không bao giờ chấm dứt, nhưng quan trọng là bạn cảm giác của bạn là như thế nào mà thôi.

Xét cho cùng, lao động và tận hưởng thành quả là những thứ làm nên xã hội ngày nay mà.