Nín thở 13 phút dưới độ sâu 60m không cần bình dưỡng khí

Thật khó để tin rằng có một nhóm người có thể nín thở được tới 13 phút dưới 60m đại dương mà không cần bình dưỡng khí. Đó chính là bộ tộc ‘người cá’ cuối cùng trên thế giới có tên Bajau.

Người Bajau là nhóm người du mục trên biển sinh sống nhờ việc đánh bắt hải sản. Theo ước tính, khoảng 1 triệu người Bajau sống ở Đông Nam Á, tập trung ở phía nam Philippines, Indonesia và Malaysia. Họ thường sống theo lối sống du cư trên biển và sử dụng những chiếc xuồng bằng gỗ nhỏ gọi là perahu.

Một số nhóm Sama-Bajau có nguồn gốc ở Sabah cũng được biết đến với văn hóa truyền thống của họ. Người Bajau nổi tiếng là những thợ lặn siêu đẳng với khả năng nín thở đặc biệt. Bộ tộc người Bajau có thể sống hàng tháng trời lênh đênh trên biển chỉ với một con xuồng perahu.

Lối sống của họ gây tranh cãi về việc đi lại trên biển nên họ đã xây nhà sàn và tập trung thành một làng nổi trên biển.

Mực nước dưới chân nhà của họ có độ cao từ vài chục cm cho tới vài mét, tùy theo thời điểm thủy triều lên xuống.

Ngôi làng của người Bajau chỉ cách thế giới văn minh khoảng 1 giờ đi biển, thế nhưng cuộc sống của họ vẫn mang tính hoang dã và du mục.

Người Bajau được mệnh danh là “Người cá” vì họ là những thợ lặn và bơi lội tài ba nhất thế giới. Người bình thường chỉ có thể nín thở dưới nước trong vài giây tới vài phút.

Nhưng người Bajau có thể lặn rất sâu, duy trì dưới nước tới 13 phút và ở độ sâu khoảng 60m dưới biển.

Họ lặn nhiều lần trong vòng 8 giờ mỗi ngày, tức là họ dành khoảng 60% thời gian ở dưới nước. Họ thường lặn để bắt hải sản, tìm kiếm những nguyên liệu tự nhiên để làm đồ thủ công.

Nín thở 13 phút dưới độ sâu 60m không cần bình dưỡng khí

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell mới đây, quá trình tiến hóa giúp người Bajau có lá lách lớn hơn người bình thường.

Đây là yếu tố chính giúp họ tăng khả năng lặn sâu và nín thở so với người bình thường. "Lá lách có nhiều hồng cầu chứa oxy. Khi chúng ta lặn, nó co bóp và những hồng cầu này được giải phóng vào dòng máu.

Dưới nước, những hồng cầu này tiếp tục phân phối oxy đến nội tạng để duy trì các chức năng cơ bản của cơ thể.

Sở hữu lá lách lớn hơn đồng nghĩa người Bajau có nhiều hồng cầu chứa oxy hơn, từ đó có thể ở dưới nước lâu hơn." - chuyên gia Di truyền học dân số Rasmus Nielsen, đến từ Trường ĐH California (Mỹ), người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, giải thích.

Lá lách là cơ quan có kích cỡ bằng nắm tay nằm gần dạ dày, có chức năng loại bỏ tế bào cũ trong máu và hoạt động như một bình thở oxy trong cơ thể người khi lặn sâu. Lá lách lớn hơn tức là có nhiều oxy hơn trong máu khi lặn.

Tuy nhiên cả người Bajau hay lặn và không lặn đều có kích cỡ lá lách giống nhau, các nhà khoa học cho đây là kết quả của sự tiến hóa chứ không chỉ là sự phát triển cá nhân (do thường xuyên lặn dưới biển).

Các nhà khoa học chưa rõ người Bajau đã sống như vậy bao lâu, hoặc sự tiến hóa để thích nghi được bắt đầu từ lúc nào nhưng đây là một trường hợp kỳ diệu về cách con người tự phát triển khả năng thích nghi với môi trường sống xung quanh.

Mỗi ngày, những người nhận nhiệm vụ săn bắt sẽ xuống nước để bắt khoảng 1-8 kg cá, ốc và bạch tuộc… Họ chỉ sử dụng kính lặn tự chế và không cần bình dưỡng khí, nhưng có thể thoải mái lặn sâu xuống 20m dưới biển trong vòng 5 phút.

Thức ăn của người Bajau đơn giản là hải sản và chuối. Họ trộn tinh bột sắn với nước, lá khô rồi bôi lên mặt giống như một loại kem chống nắng.

Trẻ em Bajau không học văn hóa mà học cách săn bắt hải sản, thích nghi với môi trường sống hàng ngày. Từ nhỏ chúng đã biết tự chèo thuyền và tìm kiếm thực phẩm.

Rõ ràng cuộc sống của chúng chỉ xoay quanh việc sinh tồn bởi ở ngôi làng Sampela (Indonesia), người lớn còn chọc thủng màng nhĩ trẻ em để chúng bớt đau đớn khi lặn sâu.

Thế nhưng rất nhiều người Bajau đã phải kết thúc cuộc sống du mục của mình trong tình trạng bị liệt hoặc chết dưới nước.

Khu vực biển mà người Bajau sống là một phần của “Tam giác san hô” – một hệ sinh thái có giá trị, nằm giữa Papua New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon, Indonesia, Malaysia và Đông Timor.

Người Bajau dựa vào những sinh vật biển để duy trì cuộc sống. Sự đánh bắt quá mức đã khiến nhiều rặng san hô bị phá hủy.

Chính phủ Malaysia, Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) và WWF đã tạo ra những dự án khuyến khích người dân đánh bắt hải sản một cách bền vững và nuôi cá theo hình thức công nghiệp.

Điều này đồng nghĩa với việc bộ tộc Bajau chuẩn bị kết thúc cuộc sống du mục để hòa nhập với cuộc sống hiện đại.

Vấn đề là lối sống độc đáo của Bajau đang dần mai một vì nhiều lý do khác nhau. Theo bà Llardo, nhiều người không còn dành nhiều thời gian trong ngày để lặn và đang chuyển từ cách săn bắt hải sản truyền thống sang những phương thức khác do nguồn cung bị đe dọa bởi ngành công nghiệp đánh cá.

Thêm vào đó, không ít "người cá" Bajau dần rời biển để định cư hẳn trên bờ vì có nhiều định kiến và bất lợi xoay quanh cuộc sống du mục trên cánh sóng.

Sự thay đổi này giúp người Bajau được chấp nhận nhiều hơn tại các địa phương, nơi họ được hưởng những quyền lợi quyền lợi công dân, giáo dục và sự hỗ trợ từ chính quyền.

ST