Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ngày càng lan rộng, đã có nhiều bằng chứng khoa học cho biết đây là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người.
Giới khoa học đã khẳng định chắc chắn loài virus này có nguồn gốc từ động vật, tuy nhiên vẫn chưa thể biết cụ thể đó là loài nào. Dơi, tê tê hay cả hai?
Virus truyền nhiễm từ động vật sang người và sự vận hành của hệ miễn dịch con người
Mặc dù hầu hết các loại virus xâm nhập vào cơ thể đều bị hệ thống miễn dịch tiêu diệt hoặc bị đào thải qua hệ tiêu hóa, nhưng vẫn có một số loại không bị loại bỏ, thậm chí còn có thể nhân lên trong tế bào con người.
Thời điểm virus (có nguồn gốc động vật) có thể nhân lên trong cơ thể người đầu tiên mắc bệnh rất quan trọng. Vì đây là cột mốc mang tính quyết định chúng có thể đột biến, tiến hóa trong những điều kiện chọn lọc ngặt nghèo ở cơ thể người để lần đầu tiên thích nghi và cải thiện khả năng nhân lên ở vật chủ mới.
Khi virus xâm nhập, hệ thống miễn dịch của con người phản ứng lại, bắt kịp sự tiến hóa của virus và nhanh chóng tạo ra đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, do cơ thể chưa từng có miễn dịch với loại virus này nên cần phải nhanh chóng tạo ra miễn dịch mới.
Nhưng miễn dịch này thuộc loại miễn dịch thích ứng nên phải mất vài ngày hoặc lâu hơn để hình thành. Khoảng thời gian đó đủ để cho virus có thể nhân lên ồ ạt trong tế bào hoặc tiến hoá thêm để chống lại hệ miễn dịch.
Loài dơi làm thế nào để có thể sống, tồn tại và mang theo virus trong mình?
Thực tế các loại virus nguy hiểm như SARS, MERS và Ebola đều có nguồn gốc từ loài dơi nhưng không hề gây bệnh cho chúng. Vậy thì loài dơi có gì mà chúng ta không có? Làm thế nào dơi có thể sống, tồn tại và mang theo virus trong mình?
Trong một nghiên cứu mới do TS. BS. Cara Brook tại Đại học California Berkeley thực hiện, khả năng miễn dịch độc đáo duy nhất của loài dơi cho phép chúng duy trì trong cơ thể một lượng virus lớn mà không bị bệnh. Theo Brook và các cộng sự: "Một số con dơi đã kích hoạt liên tục phản ứng miễn dịch chống lại virus theo cơ chế interferon."
"Với hầu hết các loài động vật có vú khác, phản ứng miễn dịch quá mức như vậy sẽ gây ra phản ứng viêm có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, loài dơi đã hình thành được cơ chế chống viêm giúp chúng không bị ảnh hưởng gì"-nhóm nghiên cứu cho biết thêm.
Đây thực sự là một lợi điểm của loài dơi nhưng nó lại gây hại cho các loài động vật có vú khác. Loài dơi có khả năng phòng vệ tốt như vậy là động lực buộc virus phải nhân đôi nhanh hơn.
Khả năng miễn dịch độc nhất của loài dơi cuối cùng khiến cho virus trở lên mạnh hơn. Nó giống như quá trình cạnh tranh với một đối thủ xuất sắc và kết quả là giúp bản thân mạnh mẽ hơn.
Thực tế, Brook và cộng sự đã thực hiện thí nghiệm trên dòng tế bào từ hai loài dơi khác nhau. Kết quả cho thấy ở cả hai loài dơi, virus đã chống lại phản ứng kháng virus của dơi bằng cách lây lan nhanh hơn từ tế bào này sang tế bào khác.
Họ kết luận: "Điều này cho thấy phản ứng siêu miễn dịch của loài dơi có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình tiến hóa của virus. Trong khi dơi được bảo vệ và không bị ảnh hưởng gì thì các loài động vật khác, kể cả con người lại không được an toàn."
Brook nhận định: "Không giống như dơi, nếu hệ miễn dịch của người phản ứng quá mức và hàng loạt như vậy thì sẽ tạo ra phản ứng viêm lan tỏa. Trong khi dơi lại có khả năng thích nghi độc đáo để tránh được điều đó."
tổng hợp.