Khi kinh tế thế giới phát triển ổn định trên một khía cạnh nào đó thì các nước phương tây luôn phát huy được những thế mạnh của mình. Luôn có xu hướng áp đặt cuộc chơi có lợi cho họ và họ luôn nắm được thế thượng phong.
Khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như đại dịch Covid-19 thì phương tây mới bộc lộ những bất cập cũng như nhiều sơ hở trong lĩnh vực bố trí chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa thiết yếu. Mỹ chính là nước đang ở tình thế khó khăn khi đã góp phần giúp Trung Quốc "nắm đằng chuôi" trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng những mặt hàng mang tính trọng yếu đối với an ninh quốc gia.
Trung Quốc đang là nơi chủ yếu cung cấp thuốc kháng sinh, khẩu trang và thiết bị bảo hộ
Sau hàng thập kỷ thực hiện những chính sách ưu tiên lợi ích kinh tế, cũng như các chiến lược mà sự thiếu suy xét và thận trọng ở mức độ chưa từng có trong lịch sử chính trị quốc tệ, Mỹ đã trao cho Trung Quốc sức mạnh mà Bắc Kinh có thể sử dụng để đối phó lại Washington bất cứ khi nào họ muốn.
Đầu tiên, Mỹ đã tự đặt mình vào thế yếu trong nguồn cung về thuốc và thiết bị y tế bởi Washington cho phép các công ty dược phẩm của họ đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, bằng cách đó đã khiến Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Người Mỹ giờ đây đã nhận ra một cách sâu sắc và đau đớn, rằng các loại thuốc kháng sinh, chống viêm, mặt nạ hay thiết bị bảo hộ giành cho bác sỹ, y tá hay nhân viên y tế đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Điều này đã đặt ra 2 mối đe doạ trực diện đối với an ninh quốc gia Mỹ. Lý do đầu tiên là hiện Mỹ không còn sản xuất hầu hết các loại thuốc và thiết bị y tế mà nước này đang sử dụng, trong khi phần lớn số này được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc có thể đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, điều đã được Bắc Kinh đe doạ sẽ sử dụng trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Hệ quả từ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế này sẽ đe doạ trực tiếp lợi ích của người Mỹ.
Thứ hai, tại Trung Quốc, hệ thống kiểm soát chất lượng thường không đảm bảo và nằm ngoài sự quản lý của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất các loại thuốc và thiết bị y tế kém chất lượng.
Mỹ tự tạo ra "gót chân Asin" trước Trung Quốc
Trong khi đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự bị động của Mỹ ở tất cả các khâu, từ thuốc men cho đến quần áo bảo hộ, đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ gặp phải khó khăn từ Trung Quốc.
Năm 2008, nhà chức trách Mỹ đã cáo buộc thuốc chống đông máu heparin với thành phần nhập từ Trung Quốc đã gây ra tử vong trong một số trường hợp. Ngoài ra, thức ăn cho vật nuôi với thành phần sản xuất tại Trung Quốc bị nhiễm độc cũng gây ra cái chết cho nhiều động vật nuôi trên toàn thế giới.
Không mấy người Mỹ biết Trung Quốc sản xuất các thành phần chính cho thuốc sử dụng ở hầu hết các lĩnh vực, từ thuốc tránh thai cho đến thuốc chống suy nhược, chữa trị bệnh Alzheimer, động kinh, HIV/AIDS, hay thuốc chữa trị ung thư. Bên cạnh, nhiều thành phần của các loại thuốc không kê đơn hay thực phẩm chức năng cũng được sản xuất tại Trugn Quốc.
Nếu Trung Quốc dừng xuất khẩu thuốc, các bệnh viện tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến những hệ quả khôn lường cho xã hội.
Chính những tập đoàn tài chính đa quốc gia ở Washington, New York, và phương tây đã tự tạo ra "gót chân Asin" này bằng cách đóng cửa các nhà máy ở châu Âu để chuyển đến Trung Quốc, Giáo sư Bradley A. Thayer, ngành Khoa học chính trị nhận định.
Mỹ đã tự đẩy mình vào thế yếu khi cho phép Trung Quốc kiểm soát thị trường toàn cầu về sản xuất thiết bị y tế và thuốc. Trong khi đáng lý, Mỹ cần phải có sự độc lập trong toàn bộ quá trình sản xuất những mặt hàng này. Điều này đặt ra nhu cầu khẩn thiết phải đưa toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc và sản phẩm y tế quay trở lại Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh, nếu Washington không muốn trở thành con tin của Trung Quốc ở những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Tháng 1/2020, Bộ An ninh Nội địa Mỹ công bố bản báo cáo về hệ quả từ hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Những hoạt động sản xuất hàng giả và vi phạm trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi mang lại hàng trăm tỷ đô la doanh thu. Cùng với đó, những hoạt động kinh doanh thiếu chuẩn mực của doanh nghiệp Trung Quốc đã khiến giới chính trị và doanh nhân Mỹ thấy rõ hậu quả từ việc cho phép Trung Quốc trở thành "công xưởng của thế giới".
Nhưng điều quan trọng nhất đến từ những kiến thức và kinh nghiệm mà Trung Quốc đúc kết trong suốt nhiều năm qua. Bắc Kinh hiện đã hiểu rõ cách phương Tây tạo dựng ra các tri thức mới, phát triển và sử dụng nó. Nói một cách dễ hiệu, Trung Quốc đã học được cách để thay thế Mỹ.
Kể từ khi tiếp cận hệ thống kinh tế phương Tây vào những năm 90, và sau đó là sự tăng trưởng vượt bậc ở những năm sau đó, Trung Quốc đã nắm được cách nước Mỹ tạo ra các tri thức mới trong hệ thống đại học, doanh nghiệp hay trung tâm công nghệ. Đây chính là yếu tố trọng yếu giúp Trung Quốc có thể thách thức vị thế của Mỹ.
Ở bối cảnh khi sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đây là lúc để Mỹ nhìn lại gốc rễ những vấn đề lâu nay còn tồn tại trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thật trớ trêu khi Bắc Kinh có thể gây sức ép lên Washington thông qua việc tác động tới khả năng xuất khẩu thuốc men do chính người Mỹ phát triển và nghiên cứu. Và liệu còn bao nhiêu lĩnh vực trọng yếu khác mà Mỹ đã tự đặt lợi ích quốc gia và người dân vào thế yếu, Giáo sư Bradley A. Thayer đặt câu hỏi.
Khi Trung Quốc đang sử dụng chuỗi sản xuất toàn cầu như một vũ khí đối đầu với Mỹ, điều quan trọng là Washington cần tái thiết ngành sản xuất để giảm thiểu sự phụ thuộc một cách quá mức vào Bắc Kinh.
tổng hợp.