Dịch bệnh đổ mồ hôi, còn được gọi là “mồ hôi Anh” (English Sweat) là một dịch bệnh bí ẩn nhất và dễ lây lan nhất, bùng phát ở Anh và lục địa châu Âu lần đầu vào năm 1485.Cho đến nay, các bí ẩn của “Mồ hôi Anh” vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Sự khởi đầu của các triệu chứng rất đột ngột với tỷ lệ chết 95-100%, thường xảy ra trong vài giờ. Đầu tiên được ghi nhận ở Anh, người bị bệnh ra mồ hôi nhiều, nên bệnh được gọi là “mồ hôi Anh”.
Theo một số nhà nghiên cứu, đợt dịch đầu tiên có liên quan đến cuộc đảo chính mà Henry Tudor đã phát động chống lại Richard III năm 1485. Năm 1480, lính đánh thuê người Pháp của Heinrich đã tham gia vào một chiến dịch chống lại Đế chế Ottoman ở Rhodes, và từ đó họ có thể mang căn bệnh này đến Anh. “Mồ hôi Anh” đã giết chết 15.000 người ở London sau 6 tuần.
Dựa trên số liệu của nhà nghiên cứu người Ba Lan Elzbieta Prominska, tác giả Alexander Lavrin của cuốn “Bách khoa toàn thư về cái chết” lại viết, dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở Anh vào năm 1486, kéo dài năm tuần, cướp đi sinh mạng một số lượng lớn người. Trong các thế kỷ XV-XVI, căn bệnh này lặp lại năm lần. Năm 1507, dịch càn quét thành phố London và năm 1518 – toàn bộ nước Anh và cảng Calais của Pháp.
Năm 1528 (có tài liệu viết là 1529), trong đợt bùng phát tiếp theo, bắt đầu từ London, dịch bệnh lan khắp nước Anh, cướp đi sinh mạng 2.000 người. Cơn sốt di chuyển theo tàu đến Đức, trong 1 tháng, hơn 1.000 người đã chết ở Hamburg, 3.000 ở Danzig, và sau đó, căn bệnh lan dọc bờ biển Baltic, đến Thụy Điển, Ba Lan, Litva và Novgorod (Nga).
Đợt dịch cuối cùng xảy ra vào năm 1551, không đáng sợ như trước đó và chỉ ở nước Anh. Tổng số nạn nhân của “mồ hôi Anh” không được thống kê và sự liên hệ của căn bệnh này với “bệnh dịch Anh” (English plague) ở Ireland năm 1492 và “mồ hôi Picardy”, được ghi nhận ở Pháp trước thế kỷ 19, chưa được chứng minh.
Triệu chứng
Một đặc trưng của “mồ hôi Anh” là sự phát triển nhanh chóng của các triệu chứng. Kết cục gây chết người xảy ra trong vòng vài ngày, đôi khi trong 2-3 giờ. Bệnh bắt đầu đổ bệnh với những cơn ớn lạnh, chóng mặt và đau đầu, sốt cao, đau khớp, tim đập nhanh, đôi khi có triệu chứng bị “chuột rút”. Sau ba giờ, sốt và ra mồ hôi dữ dội, mê sảng, nhưng không có phát ban trên da.
Lúc đầu, mùi hôi bốc ra từ miệng, sau đó, toàn bộ cơ thể của người bệnh bị bao phủ bởi mồ hôi có mùi hôi, gây khó chịu cho những người xung quanh. Bệnh nhân thường rất buồn ngủ, đi ngủ và xỉu luôn. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trong 24 giờ đầu tiên – nếu người nhiễm bệnh vẫn còn sống sót qua ngày thứ hai, thì thường là sẽ hồi phục.
Điều trị kịp thời, bao gồm giữ ấm cho bệnh nhân và uống thuốc trợ tim, có ý nghĩa quan trọng. Điều đáng chú ý là “mồ hôi Anh” không ảnh hưởng đến trẻ em và người già, chỉ người trung niên ngã bệnh. Kháng thể miễn dịch với bệnh “mồ hôi Anh” không được tạo ra trong cơ thể, một số ít người sống sót có thể bị mắc bệnh trở lại.
Ý kiến của người đương thời
Các bác sĩ thời trung cổ đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, nhưng không thể xác định được mầm bệnh. Triết gia Francis Bacon khi đề cập đến “mồ hôi Anh” trong tiểu sử của Henry VII, lưu ý rằng, căn bệnh này xuất hiện cùng với sự lên ngôi của vị vua đầu tiên thuộc triều đại Tudor. Người dân vì vậy, nói rằng người đứng đầu đất nước mới sẽ “cai trị trong đau đớn”. Không loại trừ một trong những nạn nhân của dịch bệnh là người thừa kế của Henry VII – Hoàng tử xứ Wales Arthur.
Đây là một bệnh dịch, nhưng dường như không được truyền qua máu hoặc nước dịch của cơ thể. Những người đương thời không tin rằng căn bệnh này có thể được lây từ một người bệnh. Theo họ, thủ phạm gây ra “mồ hôi Anh” là một số “tạp chất có hại” trong môi trường.
Nhiều nhà khoa học quan sát thấy đợt bùng phát “mồ hôi Anh” đầu tiên đã xảy ra trùng với sự khởi đầu của thời kỳ nguội dần của các núi lửa ở Indonesia. Nhà thám hiểm Paul Hayman phát hiện thấy dịch bệnh này lây lan trong những năm lũ lụt, cũng như trong thời kỳ số lượng loài gặm nhấm tăng mạnh. Có thể, dịch bệnh phát sinh là kết quả kết hợp của nhiều yếu tố.
Các nhà khoa học hiện đại coi “mồ hôi Anh” thuộc các bệnh truyền nhiễm. Cho đến ngày nay, tác nhân gây bệnh đã không được xác định một cách đáng tin cậy. Theo một trong những giả định, đó là một loại sốt tái phát – tác nhân do ve và chấy gây; theo một giả thiết khác, “mồ hôi Anh” là do bệnh than gây ra.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, dịch “mồ hôi Anh” gây ra bởi một loại hantavirus không xác định. Được biết, do hội chứng phổi hantavirus được biết đến trên lục địa Mỹ từ những năm 1990, một nửa số người bị chết, chủ yếu trong 48 giờ đầu.
Sau đợt bùng phát vào năm 1551, “mồ hôi Anh” biến mất không để lại dấu vết. Khó để nói liệu loài người có thể phải đối mặt với căn bệnh này nữa hay không. Các virus lạ vẫn thường xuyên xuất hiện trên thế giới, vì vậy, không thể loại trừ khả năng này.
Lê Ngọc/VOV