Lòng tham và thói đố kỵ qua câu truyện của Dê và Lừa

Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến.

Ganh ghét và đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Dễ nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, địa vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp, của cải, nhân duyên, gia đình hạnh phúc, thành đạt là nảy sinh ganh ghét, đố kỵ… Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại “chôn kín” ở trong lòng.

Nhưng dù bất cứ hình thức nào, lòng ganh ghét, đố kỵ đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc.

Lòng tham và thói đố kỵ qua câu truyện của dê và lừa

Sau đây là câu truyện giữa Dê và Lừa đáng để chúng ta suy ngẫm.

Ngày xưa có một bác nông dân nuôi một con Dê và một con Lừa. Dê nhìn thấy bác nông dân cho Lừa ăn nhiều hơn mình liền nảy sinh lòng đố kỵ và nghĩ cách để hãm hại lừa.

Rồi Dê nói với Lừa: "Anh xem, chủ nhân của chúng ta đối xử với anh thật chẳng ra gì, ngày nào cũng bắt anh phải làm những việc nặng nhọc, thế chẳng phải làm khổ anh quá sao?"

Lừa cho là thật liền hỏi Dê: "Vậy tôi phải làm sao?"

Dê đáp: "Anh cứ giả vờ ngã xuống mương nước, sau này anh sẽ được nghỉ ngơi."

Lừa làm theo lời Dê bảo, giả vờ ngã xuống mương nước dẫn đến bị thương. Bác nông dân thấy vậy đành phải mời bác sĩ thú y về điều trị cho Lừa.

Khám xong, bác sĩ thú y nói: "Phải dùng phổi của dê mới có thể chữa khỏi vết thương của lừa."

Bác nông dân nghe vậy liền đem Dê đi giết rồi lấy phổi của nó về cho bác sĩ làm thuốc chữa vết thương cho Lừa.

Con Dê trong câu chuyện trên nhìn thấy người khác gặp một chút thuận lợi không những không mừng cho họ mà còn nảy sinh lòng đố kỵ so bì, vì thế nó mới nảy ra ý định xấu xa, muốn hại chết con Lừa nhưng không ngờ lại hại chính mình. Đó chính là kết cục tất yếu của những kẻ sống với lòng đố kỵ.

Khi chúng ta nhìn thấy người khác có điểm mạnh gì đó, chúng ta nên ghi nhận và đánh giá cao tài năng của họ, bổ sung những thiếu sót hoặc những điều mình làm chưa thật tốt.

Hãy nhìn mọi người, mọi việc theo một góc nhìn tích cực, hãy nghĩ rằng người khác có được những điều tốt đẹp là bởi họ đã rất nỗ lực hy sinh thời gian, công sức…

Và đừng bao giờ quên rằng: Yêu thương bảo vệ người khác, lợi cho người lợi cho mình; đố kỵ người khác, hại người hại chính mình!