Vương quốc cuối cùng của voi ma mút trước khi tận diệt

Giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất của loài voi ma mút khổng lồ là vào cuối kỷ Băng Hà, theo nghiên cứu khoa học mới được công bố.

Loài voi ma mút được cho là biểu tượng tinh hoa của kỷ Băng Hà. Điều này đã được khoa học chứng minh bằng nghiên cứu của tiến sĩ, giáo sư Ralf-Dietrich Kahlke thuộc Trung tâm nghiên cứu cổ sinh vật học Senckenberg ở Weimar, Đức.

“Nghiên cứu gần đây cho thấy, voi ma mút là loài động vật có vú phân bố trên phạm vi rộng nhất trong giai đoạn cuối kỷ Băng Hà.

Do vậy, chúng xứng đáng được coi là loài động vật đặc trưng của thời kỳ giá lạnh này”, tiến sĩ Kahlke nhận định.

Nhà cổ sinh vật học Kahlke đã thu thập dữ liệu để xác định phạm vi phân bố của loài voi ma mút cuối kỷ Băng Hà (cách đây khoảng 110.000 đến 12.000 năm) trên bản đồ thế giới.

Kết quả cho thấy, loài động vật khổng lồ này sinh sống trên diện tích rộng khoảng 33,3 triệu km2, gấp 100 lần diện tích của nước Đức ngày nay.

Vương quốc cuối cùng của voi ma mút trước khi tận diệt

Loài voi ma mút được phát hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới vào cuối kỷ Băng Hà, bao gồm: Bồ Đào Nha, dọc khu vực Trung và Đông Âu, Mông Cổ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, vùng Siberia, Tây Mỹ, Đông Canada và Bắc Cực.

“Chúng tôi kết hợp phạm vi phân bố của voi ma mút (được xác định bằng máy tính) với địa điểm thực tế vào thời kỳ đó, để tạo ra bản đồ chính xác nhất cho tới nay về phạm vi sinh sống của loài động vật này trên toàn cầu”, ông Kahlke giải thích.

“Bản đồ chi tiết này thậm chí còn có giá trị đối với nhiều loài động vật còn sống tới ngày nay”, nhà cổ sinh vật học cho biết thêm.

Bản đồ mới về phạm vi phân bố của voi ma mút được tạo ra dựa trên kết quả khảo sát hàng nghìn khu khai quật trên ba lục địa trong vòng nhiều thập kỷ.

“Những địa điểm khai quật dưới biển như, ngoài khơi bờ biển Bắc Mỹ và Biển Bắc cùng được đưa vào cuộc khảo sát”, ông Kahlke cho biết.

Theo nhà cổ sinh vật học người Đức, chỉ duy nhất loài bò rừng (Bison priscus) có phạm vi phân bố rộng như loài voi ma mút trong thời kỳ cuối của kỷ Băng Hà.

Nhưng voi ma mút có khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt tốt hơn, nên chúng sống ở nhiều khu vực hơn so với loài bò rừng.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học do tiến sĩ Kahlke đứng đầu cũng cho thấy những yếu tố hạn chế phạm vi phân bố của loài voi ma mút bào gồm: sông băng, các dãy núi cao, vùng địa hình bán sa mạc và sa mạc cũng như sự thay đổi của mực nước biển và thức ăn.