Hoa hậu có thực sự cần cho xã hội không mà tổ chức thi nhiều đến thế?

Để tránh hiểu lầm không đáng có, lời đầu tiên xin trân trọng/tôn trọng tất cả các bạn nữ đã tham gia thi hoa hậu, dù đăng quang hay không đăng quang.

Đặc biệt, với những thí sinh đến từ Việt Nam đã đăng quang hoặc giành thứ hạng cao trong các cuộc thi hoa hậu quốc tế. Các bạn đã nỗ lực hết sức mình, và đạt được kết quả tốt, đây là 1 điều đáng ngợi khen.

Hoa hậu có thực sự cần cho xã hội không mà tổ chức thi nhiều đến thế

Nhưng nếu ai đó nói rằng các bạn giành được vương miện Hoa hậu, là mang vinh quang về cho đất nước, là người dân Việt Nam phải tự hào về các bạn có lẽ điều này chưa thuyết phục. Vì nó nằm ở giá trị đích thực mà các bạn mang lại cho cuộc sống cho xã hội này này.

Ngày xưa, các cuộc thi Hoa hậu chính là sân khấu để cho phái đẹp thể hiện vẻ đẹp của mình, từ những thứ dễ nhìn thấy nhất như hình thể, cho đến những phần thi khác như biểu diễn, ứng xử … thể hiện tài năng, trí tuệ của các thí sinh.

Sau khi đăng quang, bằng sức ảnh hưởng của mình, các người đẹp sẽ được nhận trọng trách truyền tải những thông điệp tích cực, thông qua các hoạt động thiện nguyện đẹp.

Thế nhưng, theo thời gian, các cuộc thi Hoa hậu ngày càng biến chất và dần mất đi giá trị tích cực mà nó từng mang lại. Đó là vì sao? Là vì khi các cuộc thi này nó trở thành một show diễn kinh doanh hoa hậu. Mà một khi đã mang nặng mùi tiền, người ta sẽ làm mọi chiêu trò để thu hái được lợi nhuận tối đa.

Chính vì thế, ngày càng nở rộ “dịch vụ thi hoa hậu”, người ta luôn nghĩ ra hàng loạt các cuộc thi hoa hậu để kinh doanh kiếm lời. Đơn cử như ở Việt Nam chúng ta, mỗi năm có đến hàng chục cuộc thi Hoa hậu/Hoa khôi trên bình diện quốc gia.

Nổi tiếng với biệt tài kinh doanh hoa hậu, có thể kể đến cựu tổng thống Mỹ, Donald Trump. Tên tuổi của ông này gắn liền Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Mỹ (Miss USA) và Hoa hậu Thiếu niên Mỹ (Miss Teen USA). (Cả ba cuộc thi này đều ở dưới trướng công ty Miss Universe Organization thuộc sở hữu của Trump).

Trong số đó, lớn nhất và đình đám nhất là Hoa hậu Hoàn vũ, cuộc thi được người Mỹ lập ra nhưng được công nhận là một trong top 4 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới (cùng với Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất và Hoa hậu Quốc tế).

Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, qua tay Trump, Hoa hậu Hoàn vũ đã trở thành một guồng máy khổng lồ, biến các người đẹp thành những hoa hậu mang ý nghĩa giải trí. Hoa hậu Hoàn vũ danh tiếng lẫy lừng là thế, nhưng thực ra cũng chỉ là một show diễn kiếm tiền không hơn không kém, và thứ Trump mang ra kinh doanh là hình thể của người phụ nữ. Cũng có thể, là cả phẩm giá của họ - những cô nàng sa ngã vì tiền hay vì hào quang hư vinh.

Như Trump từng cười nói với Vanity Fair, rằng: “Từ khi tôi mua cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, các bộ bikini của các thí sinh trở nên nhỏ hơn, gót giày cao hơn và rating tăng vù vù.”

Học theo Trump, các cuộc thi Hoa hậu khác cũng tìm cách khoét sâu vào truyền thông. BTC tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của dư luận, bởi vì càng được truyền thông và công chúng biết tới thì cuộc thi càng nâng tầm “danh giá”. Và càng thế, sẽ càng thu hút được tài trợ, dần dà Hoa hậu biến thành con gà trứng vàng khi quay cuồng trong các show quảng cáo kiếm tiền cho BTC lẫn kiếm tiền cho chính họ.

Hơn chục năm trở lại đây, phần lớn các cuộc thi sắc đẹp tại các nước mà ngành công nghiệp giải trí phát triển đều đã thoái trào. Càng ngày càng nhiều người nhận thức ra được vấn đề rằng: thi Hoa hậu thực chất là hạ thấp phẩm giá phụ nữ, xem phụ nữ giống như vật trưng bày di động để chấm điểm, ví như buộc phụ nữ phải mặc áo tắm trình diễn cơ thể hở hang để mọi người bình phẩm, kiếm lợi cho ban tổ chức.

Tuy nhiên vẫn có có một số nước đang phát triển, ngành công nghệ giải trí đang từng bước leo lên con đường “kinh tế thị trường”, thì việc kinh doanh hoa hậu vẫn là một show diễn hái ra tiền. Ví dụ như Việt Nam chúng ta chả hạn, vẫn có rất nhiều doanh nhân cá kiếm bằng cách tích cực tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhằm đáp ứng ham muốn dùng sắc đẹp để kiếm sự giàu sang, tâm lý thích “hư danh” của công chúng.

Việt Nam mỗi năm có hàng trăm cuộc thi hoa hậu ao làng và hàng chục cuộc thi khác được gắn mác tầm cỡ quốc gia – nhưng bản chất vẫn là show kinh doanh thân xác – phẩm giá người phụ nữ.

Scandal xoay quanh những cuộc thi hoa hậu kiểu này thì nhiều vô số kể. Đó là nhiều cuộc thi hời hợt trong khâu tổ chức, bị tố là cuộc thi kiếm hàng cho các đại gia. Có cuộc thi thì lộ bằng chứng mua giải, thí sinh gian lận hồ sơ, thí sinh ngủ với BGK vì lý do nào đấy. Và hậu kỳ, hẳn rồi, có thể là vũ đài để các người đẹp đăng quang bán dâm giá hời khi được gắn mác “hoa hậu”, cũng có thể sau này họ sẽ trở thành Tú bà chẳng hạn.

Vậy nên chiến thắng ở các cuộc thi Hoa hậu nó cũng chẳng phải là một sự kiện lẫy lừng vũ trụ gì cả. Chúng ta, hãy cứ xem nó đơn thuần như một show diễn, người ta kinh doanh còn chúng ta giải trí.