Nguồn tiền từ đâu và tại sao một số nghệ sĩ lại không muốn công khai bảng sao kê

Một tảng băng trôi trên sông nếu nhìn hời hợt và không thấu đáo sẽ không thấy phần chìm của tảng băng. Tương tự như vậy, việc hàng loạt các nam MC, nữ ca sĩ, cựu cầu thủ đá banh, thợ cắt tóc né tránh, không minh bạch các khoản kêu gọi quyên góp từ thiện, thì đâu là phần chìm mà mọi người chưa nhìn thấy?

Không minh bạch thì ai biết tiền quyên góp đi đâu?


Có thể nói, chưa bao giờ câu chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng hình ảnh cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện nhưng từ chối minh bạch lại trở thành tâm điểm như hiện nay. Độ nhức nhói và quan tâm trong dư luận không thua gì thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Người dân đã thấy được hình ảnh một nam MC dốc hết sức, sử dụng mọi thủ thuật trong câu từ lay động lòng người để vận động quyên góp cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào miền Trung bão lũ. Nhưng sau đó, người dân cũng thấy được nam MC này không đi trao trực tiếp mà tự ý chuyển qua cho bên thứ 3 để thực hiện việc đó thay mình.

Chưa cần nói đến sự minh bạch trong việc phân phát tiền từ thiện, chỉ riêng việc nam MC chưa xin phép mạnh thường quân đã gửi gắm mình, tự tiện chi số tiền gần chục tỷ cho người khác, vô trách nhiệm như thế đã đủ để đánh giá về tư cách và đặt dấu hỏi về động cơ của người đứng ra hô hào quyên góp tiền chảy vào tài khoản của mình là gì?

Chuyện nghệ sĩ quyên góp từ thiện sẽ không có gì để nói nếu ai cũng tự giác minh bạch như vợ chồng Lý Hải – Minh Hà và giá như ai cũng tử tế như ánh hào quang chiếu sáng trên người của họ.

Đằng này, hàng loạt ca sĩ, nghệ sĩ sau khi quyên góp tiền vào túi, bão lũ đi qua đúng một chu niên nhưng bảng sao kê vẫn “biệt tâm” cuốn theo dòng nước của thủy tề. Trong khi đó, từ thiện là từ tâm.
Nguồn tiền từ đâu và tại sao một số nghệ sĩ lại không muốn công khai bảng sao kê
Minh bạch từ thiện là một việc rất dễ làm, thậm chí dễ hơn việc kêu gọi quyên góp rất nhiều. Các nghệ sĩ lại cảm thấy khó khăn không thể làm được, là tại vì sao?

Điều gì khuất tất trong bảng sao kê, khiến cho họ phải né tránh?


Giữa lùm xùm ăn chặn tiền từ thiện số tiền lên đến 90 tỷ đồng, 120 tỷ đồng và hơn thế nữa thì nhiều vấn đề đặt ra. Công bằng mà nói, ai cũng thấy hình ảnh cô ca sĩ lăn lộn hỗ trợ người dân trong vùng lũ là có.

Nhưng cái nào ra cái đó, không thể có việc vì hành động đẹp đó mà cho phép bản thân tự quyết số tiền quyên góp, cho ai và cho bao nhiêu tùy tâm trạng cá nhân và thay vì sao kê minh bạch thì livestream khóc bù trừ.

Càng không thể chấp nhận việc nam MC tung ra bảng sao kê nửa vời, che mờ đi tất cả những thông tin về tên tuổi, số tiền đã nhận từ mạnh thường quân và coi là đã hết trách nhiệm.

Với lối hành xử này của nghệ sĩ thì thiết nghĩ công chúng cũng cần định hình, làm cho ra lẽ về cái tảng băng chìm, điều uẩn khuất trong số tiền mà họ che giấu suốt bao lâu qua và bản chất của những con người này là gì?

Che thông tin về số dư, người dân có thể hiểu là nam MC gian dối trong số tiền quyên góp, tệ hại nhất chỉ là họ bị đồng tiền cám dỗ, động lòng tham trước số tiền quá lớn và muốn ăn chặn biển thủ, đút túi riêng. Nhưng che đi thông tin người gửi tiền thì có hàng loạt lý do, không chỉ đơn thuần là sự mập mờ trong thu chi mà khủng khiếp hơn là nghi vấn che đi những khoản tiền từ những cá nhân hoặc tổ chức nào đó mà không muốn người khác biết.

Việc nhận tiền trực tiếp từ 1 tài khoản nước ngoài của cá nhân hay tổ chức nào đó đến tài khoản cá nhân và nghệ sĩ quyên góp vô tư sử dụng số tiền đó là quá nguy hiểm. Theo cách này, dưới tấm khăn che từ thiện các tài khoản này có thể vô tư nhận, sử dụng số tiền đó mà chẳng cần thiết phải giải trình với bất cứ cơ quan nào, hoặc cùng lắm thì chỉ đơn giản là “tôi không biết là ai”.

Có hay không việc nghệ sĩ núp dưới danh nghĩa “quyên góp từ thiện” để rửa tiền, làm yểm trợ cho các tổ chức nước ngoài, phục vụ xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam? Nếu không khuất tất và nghiêm trọng như vậy, thì các nghệ sĩ cớ gì phải gia cố, bỏ công sức tẩy sửa, bôi che đi các nội dung sao kê từ thiện?

Khi lòng tin xã hội bị lung lay, thật khó lòng phân định ranh giới giữa cái tốt và cái xấu. Vì vậy trong lúc này để xây dựng lại lòng tin của công chúng, một tiến trình pháp lý giữa các bên có nghĩa vụ liên quan cần sớm được các cơ quan chức năng thực hiện.

Bão lũ đi qua không phải cuốn trôi tất cả, nó vẫn còn để lại dấu vết, vẫn còn để lại phù sa, để lại hương vị tình người và dòng nước lũ của “thủy tề” dù có cuồn cuộn thế nào, cũng không thể cuốn đi phần chìm của tảng băng, cuốn đi giấy sao kê và sự minh bạch mà xã hội đang cần.

Nhiễu nhương và bát nháo về từ thiện của nghệ sĩ ngày hôm nay đã đến mức báo động đỏ. Cần sự chỉnh đốn để định hình trở lại nề nếp và định nghĩa đúng về hai chữ từ thiện. Trước khi quá muộn đã bị những người thiếu thiện lương dẫn dắt, vẽ thành lói mòn, hình thành nên tiền lệ bẩn trong dòng chảy văn hóa, đạo đức, chi phối xã hội.