Thời trang H&M - Họ không tôn trọng ta thì sao ta phải lựa chọn họ?

Trước nguy cơ mất đi miếng bánh ở thị trường lớn nhất thế giới, Hãng thời trang bình dân H&M họ đã nhanh chóng cúi đầu, thể hiện sự cam kết lâu dài của công ty đối với thị trường Trung Quốc.

Thật đáng buồn, để lấy lòng người dân và chính quyền, thương hiệu này đã chỉnh sửa, thêm hình ảnh “đường lưỡi bò” vào bản đồ Trung Quốc.

Hãng thời trang H&M thêm "đường lưỡi bò" vào bản đồ trên trang web chính thức


Sau loạt lùm xùm bắt đầu vài tuần trước liên quan đến tuyên bố không dùng bông có xuất xứ tại Tân Cương do vấn đề chất lượng và nhân quyền, hãng thời trang bình dân H&M đã nhận phải sự chỉ trích và tẩy chay hàng loạt từ người tiêu dùng Trung Quốc.

Những thương hiệu khác như Nik.e, A.dida.s, Pu.ma... cũng bị liên luỵ khi bị "tế sống" trên mạng xã hội, đồng thời hàng loạt người nổi tiếng Trung Quốc cũng chấm dứt hợp tác với những thương hiệu này.

Tuy nhiên, trong tuyên bố chính thức mới nhất của mình, H.&.M đã cho biết cam kết lâu dài của công ty đối với thị trường Trung Quốc "vẫn vững chắc", hy vọng trở thành một "người mua có trách nhiệm" bất kể ở Trung Quốc hay là các nơi khác trên thế giới, khẳng định Trung Quốc là một thị trường vô cùng quan trọng, sẽ tuân thủ các quy tắc hoạt động và cố gắng lấy lại sự tín nhiệm của người tiêu dùng nước này.
Thời trang H&M-Họ không tôn trọng ta thì sao ta phải lựa chọn họ
Và lời cam kết trên đã được thể hiện qua một sự kiện có lẽ là có liên quan. Câu chuyện bắt đầu từ tối 2.4, H&M trở thành từ khóa bùng nổ, gây bàn tán trên các diễn đàn trực tuyến Việt Nam. Khi đó, nhiều người lan truyền thông tin hãng thời trang đến từ Thụy Điển đăng tải bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”.

Trước đó, các hãng tin quốc tế như Reuters, AP, ABC News… thông tin phía Trung Quốc sau khi phát hiện “bản đồ Trung Quốc có vấn đề” trên trang web của H&M, họ đã yêu cầu công ty Thụy Điển này chỉnh sửa ngay. Tuy nhiên, chuyện “có vấn đề” ra sao không được phía Trung Quốc nêu rõ.

ABC News thông tin chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) ra thông báo hôm 2.4 rằng trang web chính thức của H&M đã đồng ý sửa đổi bản đồ Trung Quốc sau khi Văn phòng Kế hoạch và Quản lý tài nguyên của thành phố đưa ra yêu cầu. Theo quan điểm của phía Trung Quốc, bản đồ mà thương hiệu này đăng tải ban đầu “có vấn đề” khiến họ phải cảnh báo H&M, yêu cầu phía này sửa lại. Tuy nhiên, chuyện “có vấn đề” ra sao không được cơ quan này nêu rõ.

Theo trang tin kể trên, phía thương hiệu này đã cam kết “sửa lỗi càng sớm càng tốt” sau khi bị cơ quan quản lý Trung Quốc triệu tập. Động thái này xảy ra trong bối cảnh H&M đứng giữa làn sóng chỉ trích, tẩy chay tại thị trường tỉ dân vì lùm xùm “bông vải Tân Cương”.

Thông tin về sự việc được nhiều trang tin tức của Trung Quốc đăng tải với nội dung tương tự. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng không chỉ rõ được việc H&M đăng bản đồ Trung Quốc “có vấn đề” lên trang web của hãng là có những “vấn đề” gì và thương hiệu này phải chỉnh sửa lại ra sao cho đúng yêu cầu của cơ quan quản lý địa phương. Đặc biệt, câu hỏi: “vấn đề gây tranh cãi này có liên quan đến “đường lưỡi bò” hay không?” vẫn còn bỏ ngỏ.

Liên quan đến bản đồ lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù cơ quan quản lý nước này không nói rõ chuyện “bản đồ có vấn đề” là gì song cụm từ này thường được dùng để nói về những bản đồ mà chính quyền Bắc Kinh xem là yếu tố gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh và lợi ích của nước này.

Theo quan điểm của chính quyền đất nước tỉ dân, “bản đồ có vấn đề” là những bản đồ thiếu các vùng lãnh thổ mà nước này đang tranh chấp với Nhật Bản, Ấn Độ, không có “đường lưỡi bò” (phi pháp) trên Biển Đông… ABC News cho biết phía Trung Quốc vẫn gây áp lực lên các hãng du lịch, thời trang, các doanh nghiệp hoạt động trong nước, buộc họ phải hiển thị trên bản đồ các khu vực lãnh thổ mà nước này đơn phương tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Họ không tôn trọng ta thì sao ta phải lựa chọn họ?


Dẫu biết rằng, trong kinh doanh, khách hàng là thượng đế nhưng chẳng lẽ vì lợi ích kinh doanh mà một công ty lại dám đi nịnh hót một đất nước và chà đạp lên chủ quyền lãnh thổ của những quốc gia khác? Nếu là con buôn chợ búa thì chẳng nói làm gì nhưng đây là cả một thương hiệu có tiếng tăm.

Việc từ bỏ chính kiến ban đầu, từ bỏ liêm sỉ, không dám đấu tranh với những điều sai trái để giữ khư khư túi tiền của mình thì phải khẳng định họ không còn xứng đáng với hình ảnh thương hiệu mà bao nhiêu năm qua đã xây dựng.

Cư dân mạng Trung Quốc biết lên án, phản đối còn Việt Nam và các nước khác thì không sao? Nên nhớ rằng, người dân Việt Nam yêu nước nào cũng nằm lòng câu tuyên ngôn “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”.

Đừng nghĩ chỉ có người Trung Quốc mới biết giận dữ, đừng tưởng chỉ có nghệ sỹ Trung Quốc – đại sứ thương hiệu mới biết chấm dứt hợp đồng. Xin lỗi, người Việt Nam bao đời nay, lòng tự tôn dân tộc cũng cao hơn bao giờ hết.
Thời trang H&M-Họ không tôn trọng ta thì sao ta phải lựa chọn họ
Chính khán giả, người tiêu dùng Việt Nam đã phát giác, lên án vô số vụ Trung Quốc lợi dụng phim ảnh, bản đồ định vị xe hơi, cẩm nang du lịch,… để tuyền truyền hình ảnh và ý chí về “đường lưỡi bò”.

Tiếng nói, thái độ và hành động cương quyết của người Việt đã từng khiến Google phải chào thua và công khai thừa nhận sai sót, xin lỗi các kiểu vì đăng bản đồ Việt Nam không có tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn mới đây, ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân – một người có khá nhiều lượng người hâm mộ Trung Quốc đã bất chấp tất cả, dũng cảm chia sẻ ủng hộ Việt Nam giữa làn sóng tẩy chay thương hiệu thời trang kia.

Thế mới thấy, khi đất nước bị xâm phạm dù chỉ là qua hình ảnh, ngôn từ thôi nhưng lòng người Việt đã sục sôi, thể hiện rõ lập trường bảo vệ chủ quyền đất nước hơn bao giờ hết.

Trong vụ việc lần này, thương hiệu thời trang đó đã quá coi thường chủ quyền biển đảo Việt Nam, coi thường khách hàng Việt và lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam. Họ đã chọn cách đứng về phía Trung Quốc bất chấp những điều sai trái, họ đã chọn từ bỏ Việt Nam, vậy thì chẳng có lý do gì người dân Việt Nam phải lựa chọn họ nữa.

Hãy lên tiếng, góp tiếng nói và hành động cứng rắn để buộc họ và một số thương hiệu đang “trọng Trung khinh Việt” phải “vẽ” đúng bản đồ theo luật pháp quốc tế. Nếu không thì cũng đừng ngần ngại mà tẩy chay họ thẳng thừng!