Có thể đánh bại một đội quân, không thể đánh bại một dân tộc

Sau trận Điện Biên Phủ, tướng De Castries - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi về Pháp đã phải điều trần trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp đã thổn thức trong bất lực: Người ta có thể đánh bại một đội quân, chứ không thể đánh bại được một dân tộc.

Neil Sheehan, một nhà báo-kí giả nổi tiếng người Mỹ sau khi trở về từ Chiến trường Việt Nam đã có bài đăng trên Tờ The New York Times số T10/1966, trong đó có đoạn: “Một đôi quân đánh thuê, dẫu có đông bao nhiêu, trang bị hiện đại bao nhiêu cũng sẽ thua quân đội Bắc Việt. Bởi vì, những người lính Bắc Việt ấy họ chiến đấu vì lý tưởng”.

Suốt 30 năm trường chinh gian khổ (1945 - 1975), những người lính kiên cường ấy đã hành quân hàng chục km trong đêm tối chỉ bằng sức của một bát cơm, đã sẵn sàng cống hiến cả đời người chỉ bằng vào niềm tin tất thắng. Ngàn người đã ngã xuống và triệu người lại tiếp tục vùng lên, không gì có thể ngăn cản được bước chân của người bộ đội Cụ Hồ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - lòng vui phơi phới dậy tương lai.”

Có thể đánh bại một đội quân, không thể đánh bại một dân tộc

Nhưng cái giá phải trả của chúng ta là quá đắt!

Nhớ mãi câu hát của nhạc sỹ Xuân Hồng: “Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”. Chiến tranh là mất mát đau thương, làm chai sạn tâm hồn, kết nên những thù hằn cay độc. Nhưng đôi khi, chúng ta buộc phải lao lên đương đầu với cái chết để tìm ra sự sống, còn hơn cứ sồng mòn để đợi cái chết đến từ từ.

Bởi vì sao? Trên đời này có những thứ không phải cứ nhịn là được. Để đòi lại danh dự của một đất nước không thể chỉ dùng những lời cầu nguyện và van xin sự thương hại của đối thủ. Khi kiêu hãnh của một dân tộc bị chà đạp không thể dùng nước mắt để lau, có khi phải dùng máu của kẻ thù để gột rửa. Một đất nước nếu chỉ biết mãi cúi đầu đớn hèn, dần dà sẽ biến thành một dân tộc nô lệ.

30/04/1975, Mỹ đã cút, ngụy đã nhào, chiến thắng lịch sử mùa xuân năm ấy đã trả về non sông một dải gấm hoa, nhưng cái giá phải trả là hàng triệu người Việt đã ra đi không hẹn ngày về.

Hồi ức của một người lính chiến trường K (đánh Polpot), có đoạn thế này.

“Chiến tranh, nói như một nhà thơ: ”Nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước”. Nhưng liệu mấy ai tự nguyện nhảy xuống bể acid để chứng minh giá trị vàng ròng của mình? Chỉ những tên lính đánh thuê lưu manh, vô học cùng lũ lái súng Tư Bản và đám sài lang Đế quốc mới mong mỏi chiến tranh mà thôi.

Nếu hô hào chiến tranh như một cách biểu thị lòng yêu nước thì có gì đó vừa khôi hài và nhẫn tâm. Khôi hài bởi người ta chưa biết như thế nào là chiến trận sa trường. Nhẫn tâm bởi vì chiến tranh luôn là thần hủy hoại sinh mạng, sự vui sống, của cải vật chất và những giá trị tinh thần cao đẹp khác.”

Xin hãy nhớ ở trên đời, có những thứ đâu phải chúng ta cứ muốn là được. Đôi khi, người ta buộc phải lựa chọn điều không mong muốn nhất để bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Xin hãy nhớ, một cánh tay yếu đuối chỉ có thể lau nước mắt. Trong khi nhiều dân tộc khác khom lưng, chịu làm công dân hạng 2 ngay trên đất nước mình, nhưng Việt Nam thì khác. Chúng ta quyết lau sạch vết nhơ, kể cả phải đổ máu, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, như lời hiệu triệu non sông của Hồ Chủ Tịch vĩ đại.

Bao nhiêu máu xương đã đổ, thật nhiều nước mắt đã rơi, hàng triệu xác thân đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường nhưng nụ cười sẽ mãi là bất tử, bởi họ đã chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, vì độc lập dân tộc.

11 giờ 30 phút ngày 30/04/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi huy hoàng ngày ấy mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, hào hùng nhất, sáng ngời nhất.

nguồn từ facebook.