Vì sao không nên hoang mang, hoảng loạn trong khi Covid-19 đang lây lan mạnh

COVID-19 đang lan rộng trên thế giới và tại nước ta con số người nhiễm bệnh cũng tăng từng ngày.Một câu hỏi được đặt ra là có đáng sợ không? và ta có quyền trả lời là sợ lắm chứ.

Vì sợ là bản năng tự nhiên của con người, nhờ biết sợ các mối nguy đe dọa sinh tồn của mình nên con người mới còn tồn tại được đến ngày nay.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng, chúng ta có quyền được sợ. Tuy nhiên đừng để nỗi sợ làm ta trở nên hoang mang, hoảng loạn, không còn khả năng suy luận đúng đắn bằng lý trí, dẫn tới tin vào những tin đồn vô căn cứ và những biện pháp phòng ngừa không có cơ sở khoa học đang tràn lan trên mạng.

Các nhà khoa học có uy tín đã đưa ra những thông tin để chúng ta hiểu rõ hơn về mức nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 và lý do tại sao chúng ta đừng nên quá sợ hãi, rằng việc bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không có nghĩa là cầm chắc cái chết.

Vì sao không nên hoang mang, hoảng loạn trong khi Covid-19 đang lây lan mạnh

1. Chúng ta đã nhận dạng được con virus

Sau khi phát hiện ca nhiễm virus HIV đầu tiên vào tháng 6/1981, phải mất 2 năm giới khoa học mới nhận dạng được chủng virus mới này. Còn đối với virus SARS-CoV-2, những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện vào ngày 31-12-2019. Chỉ một tuần sau, vào ngày 7-1-2020, y giới đã nhận dạng được chủng virus mới này và xác lập được bản đồ gen của nó.

2. Chúng ta có cách phát hiện virus nhanh chóng hơn

Chưa đầy nửa tháng kể từ khi xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên, ngày 13-1-2020, ngành y tế đã chế tạo được bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh xem một người có bị nhiễm virus hay không. Hiện đã có những thiết bị xét nghiệm mới chế tạo với thời gian cho ra kết quả nhanh hơn (30 phút) thay vì phải mất đến 6 tiếng như trước.

3. Tình hình dịch bệnh đã được cải thiện rõ rệt ở Trung Quốc

Sau thời gian gần 2 tháng hoành hành dữ dội ở Trung Quốc, nhờ những biện pháp quyết liệt và cứng rắn của chính phủ nước này, sự lây lan của dịch bệnh đã được kềm chế. Ở các nước khác, các chỉ báo cho thấy dịch chỉ xuất hiện ở một số vùng, điều này sẽ giúp chính phủ các nước dễ dàng hơn trong việc cô lập các tâm dịch để ngăn chặn lây lan.

4. 80% trường hợp nhiễm là nhẹ

Trong 80% trường hợp nhiễm, người bị nhiễm không xuất hiện dấu hiệu bệnh hoặc có nhưng khá nhẹ và sau đó tự khỏi nhờ hệ miễn nhiễm của cơ thể đã diệt được virus. Còn lại 14% trường hợp, người nhiễm bị viêm phổi rất nặng phải điều trị hỗ trợ, còn lại 5% bệnh trạng rất nặng và có thể tử vong, nhất là những người ở lứa tuổi từ 60 trở lên hoặc có tiền sử bệnh về hô hấp, tim mạch, tiểu đường...

5. Trẻ em ít bị nhiễm, nếu nhiễm cũng khá nhẹ

Những người ở độ tuổi 20 ít bị nhiễm nhất, chỉ có 3% bị nhiễm. Những người dưới 40 tuổi bị nhiễm thì chỉ 0,2% là bị tử vong. Trẻ em ít bị nhiễm nhất và bệnh trạng là khá nhẹ.

6. Số ca hồi phục cao

Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều được chữa khỏi. Tỉ lệ người bị nhiễm đã hồi phục cao gấp 13 lần số người nhiễm bị chết.

7. Virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt dễ dàng

Virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt trong vòng 1 phút bằng xà phòng thông thường, cồn y tế từ 70 độ trở lên, các chất diệt khuẩn và chất khử trùng như nước oxy già (hydrogen peroxide 0,5%) hoặc chất tẩy rửa thông dụng như nước javen (sodium hypochlorite 0,1%).

8. Các nhà khoa học thế giới đã hợp lực lại trên quy mô toàn cầu để chống dịch bệnh

Chỉ sau hơn 1 tháng, đã có 164 bài báo trên hệ thống cơ sở dữ liệu PubMed bàn về Covid-19. Chúng là những công trình nghiên cứu sơ bộ về vắc-xin, phương pháp điều trị, dịch tễ học, di truyền, chẩn đoán, khía cạnh lâm sàng…

Những bài viết này được thực hiện bởi khoảng 700 tác giả trên khắp thế giới. Chính lúc này, sự chia sẻ, hợp tác và cởi mở của giới khoa học trên thế giới hiện rõ hơn bao giờ hết.

Năm 2003, với dịch SARS, phải hơn 1 năm sau mới có được chưa đến một nửa số bài báo so với Covid-19. Ngoài ra, hầu hết các tạp chí khoa học đã cho phép truy cập không giới hạn vào các bài viết về chủ đề này.

9. Đã có mẫu vắc-xin

Nhờ những tiến bộ công nghệ về thiết bị y khoa, máy tính và trí tuệ nhân tạo, việc nghiên cứu một loại văcxin và thuốc điều trị mới không còn phải mất nhiều năm như trước đây. Hiện nay đã có 8 dự án nghiên cứu bào chế văcxin của một số quốc gia có nền y học tiên tiến.

10. Một số thuốc kháng sinh mới đang được thử nghiệm

Hiện tại, đã có hơn 80 thử nghiệm lâm sàng phân tích các phương pháp điều trị virus corona. Đây là những loại thuốc chống siêu vi đã được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng khác, đã được phê duyệt và chứng minh an toàn.

Một trong những loại đã được thử nghiệm trên người là Remdesivir – loại thuốc chống virus phổ rộng vẫn đang được nghiên cứu, từng được thử nghiệm chống lại bệnh Ebola và SARS/MERS.

Một loại khác là Chloroquine – loại thuốc chống sốt rét từng cho thấy có hoạt tính kháng virus mạnh.

Đại dịch cúm vào năm 1918 gọi là dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến hơn 50 triệu người tử vong trong vòng chưa đầy 25 tuần trên toàn thế giới. Liệu thảm kịch tương tự có xảy ra với chúng ta không? Có lẽ là không, bởi vì chưa bao giờ chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng hơn bây giờ để chống lại một đại dịch.

tổng hợp.