Công trình kiến trúc kỳ vĩ nhất của nhân dân Cuba và là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của thủ đô La Habana. Đây cũng là trụ sở chính thức của Quốc hội Cuba kể từ khóa IX.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, sau 8 năm tu sửa, tháng 3 vừa qua, tòa nhà Capitolio đã chính thức được mở cửa trở lại đón công chúng tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp bên trong của công trình chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn này.
Được xây trong thời gian ngắn kỷ lục 3 năm (từ 1926 tới 1929) với thiết kế lấy cảm hứng từ Điện Pantheón ở Paris (Pháp), Vương cung thánh đường San Pietro tại Roma (Italy) và tòa nhà Capitol tại Washington (Mỹ).
Capitolio mang phong cách tân cổ điển và được nhiều chuyên gia kiến trúc xếp hạng 1 trong 6 cung điện nổi bất nhất thế giới.
Đây là công trình sử dụng đá hoa cương nguyên khối lớn thứ 3 còn tồn tại trên thế giới và là công trình duy nhất loại này được xây dựng trong thế kỷ 20.
Hiện tại, để đảm bảo công tác trùng tu, phục chế còn tiếp tục tới tận cuối năm 2019, Capitolio vẫn chỉ đón tiếp khách tham quan từ thứ Ba đến Chủ Nhật hàng tuần.
Và mỗi tour tham quan chỉ giới hạn theo từng nhóm 15 người, trừ trường hợp thiếu nhi đi theo tổ chức trường lớp.
Khách tham quan cũng chỉ được chiêm ngưỡng Mộ phần liệt sĩ mambí vô danh và Đại sảnh Những bước chân lạc. Tuy nhiên đây cũng là 2 hợp phần nổi tiếng và hấp dẫn nhất của toàn bộ công trình này.
Tòa nhà Capitolio. (Nguồn: Cuba Travel Guides)
Mambí là danh xưng chỉ những nghĩa quân Cuba tham gia các cuộc đấu tranh vũ trang để giành độc lập trước thực dân Tây Ban Nha.
Chính vì vậy Mộ phần liệt sỹ mambí vô danh là không gian tưởng nhớ những người ngã xuống vì nền độc lập của Cuba nói riêng, và của cả Mỹ Latinh nói chung, đồng thời tôn vinh biểu tượng quốc gia của Cuba.
Nổi bật trong hợp phần này là ngọn lửa bất tận, vòng hoa trước mộ phần vô danh mà theo truyền thống sẽ được thay mỗi tuần một lần, các bản khắc trên sắt quốc thiều và quốc huy Cuba, cùng nhiều hình tượng trang nghiêm khác.
Đường dẫn lên lối vào chính diện của tòa Capitolio là dãy bậc thang gồm 55 bậc, hai bên lối vào là hai bức tượng cao hơn 6m, đại diện cho Lao động và Đức hạnh.
Dãy bậc thang này là điểm thư giãn và ngắm cảnh thân thuộc và ưa thích của rất nhiều thế hệ người dân thủ đô La Habana.
Đại sảnh Những bước chân lạc là sảnh chính và là khoảng không gian trong nhà lớn nhất của toàn bộ tòa nhà, chứa đựng trong nó nhiều biểu tượng khác.
Mái vòm Capitolio có đường kính 32m và chiều cao tương đối của điểm đỉnh lên tới 62m và là mái vòm cao thứ 5 thế giới thời bấy giờ.
Dưới mái vòm này là bức tượng đồng khổng lồ Nữ thần Cộng hòa, nặng 32 tấn và cao 15m. Đây là bức tượng cao thứ hai thế giới vào thời điểm xây dựng.
Tại trung tâm của sảnh chính, du khách có thể thấy nơi cất giữ viên kim cương nặng 25 carat, đánh dấu cột mốc số 0 tại Cuba.
Đây là bản sao của viên kim cương ban đầu từng thuộc về Sa hoàng Nga Nicolas II, bị đánh cắp năm 1946 nhưng sau đó thu hồi được, hiện được cất giữ tại Ngân hàng Trung ương vì lý do anh ninh.
Capitolio có lịch sử khá thăng trầm. Tòa nhà được xây với mục đích trở thành nơi làm việc của 2 nghị viện và nơi giao lưu của giới thượng lưu.
Tuy nhiên, ngay từ đầu dự án này đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội, do được xây dựng trong thời kỳ bất ổn kinh tế trầm trọng, trong khi chi phí xây dựng công trình này cực kỳ tốn kém và sử dụng tới hơn 8.000 nhân công.
Chính vì vậy khi Cách mạng Cuba thành công, tòa nhà này bị phế bỏ chức năng trụ sở Quốc hội dù vẫn được bảo dưỡng thường xuyên để duy trì các giá trị nghệ thuật và triển lãm.
Phải tới tháng 11/2016, khi có nhiều ý kiến lập luận rằng bản thân một công trình kiến trúc chẳng thể có lỗi với con người và Capitolio là tài sản của toàn dân Cuba, tòa nhà này mới trở lại thành trụ sở Quốc hội Cuba.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang chính là vị khách quốc tế đầu tiên thăm Capitolio và phiên bản trống đồng Đông Sơn là món quà đầu tiên được trao tặng cho cơ quan lập pháp của Cuba tại trụ sở nhiều ý nghĩa này.