Non nước Cao Bằng tiềm năng và triển vọng cho du lịch Việt
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng trở thành công viên địa chất toàn cầu UNESCO thứ hai ở Việt Nam, sau công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Điểm đến du khách không thể bỏ lỡ
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3000 km2. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú như: các tháp, nón, thung lũng, hang động; hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông... phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst (các-tơ) hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới, là minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm. Một điểm khiến công viên địa chất Non nước Cao Bằng làm du khách tò mò muốn đến tận nơi tìm hiểu, đó là những giống loài động thực vật đặc hữu tại đây.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo; Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó; Di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An, Cao Bằng).
3 “tuyến đường trải nghiệm” công viên địa chất Non nước Cao Bằng gồm “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay”, “Hành trình về nguồn cội” và “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” hứa hẹn sẽ đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến với ngạc nhiên khác.
Nếu chọn khám phá Phia Oắc, du khách có dịp ghé thăm hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền; mỏ thiếc Tĩnh Túc; trang trại cá hồi Phia Đén, hít thở không gian bao la khoáng đạt của những đồn điền chè; trải nghiệm những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao...
Khám phá thác Bản Giốc - một trong 4 thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới sẽ là lựa chọn lý tưởng dành cho những du khách ưa mạo hiểm. Trước dòng nước đổ, du khách nhận ra sự oai hùng của thiên nhiên. Nếu tới thác Bản Giốc vào tháng 12, du khách sẽ được đứng dưới thác trong xanh, ngắm hoa tam giác mạch, hoa dã quỳ nở khắp núi rừng...
Non nước Cao Bằng cũng là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc thiểu số. Do đó, không chỉ thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, du khách còn được nếm thử loại rượu được chưng cất từ ngô và men lá theo phương pháp cổ truyền của người dân tộc Tày; thưởng thức các món ăn đặc sản như: thịt lợn ướp bột gạo chua, lạp xường hun khói, ong đất xào măng, xôi trám đen, rêu đá Tầu Quầy xào...
Ghé thăm làng nghề truyền thống độc đáo như: làng rèn Phúc Sen, làng đá Khuổi Ky, làng bánh khảo Cáp Tao... cùng những người dân mến khách hòa vào các lễ hội dân gian của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... để mở mùa gieo trồng mới cũng là một trải nghiệm du khách không thể bỏ lỡ.
Chiếc “đòn bẩy” kích cầu du lịch
Hiện thực hóa mong muốn phát triển du lịch bền vững, nhằm phát huy giá trị của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc... song song với phát triển kinh tế - xã hội.
Việc công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO là một dấu ấn với cả địa phương và quốc gia, các doanh nghiệp du lịch có thêm một điểm đến đưa vào lịch trình tour để gợi ý cho các du khách.
Một tín hiệu đáng mừng, phần lớn các doanh nghiệp lữ hành sau chuyến khảo sát tại công viên địa chất Non nước Cao Bằng đều có phản hồi tốt về cảnh quan, con người, tiềm năng du lịch nơi đây. Theo ghi nhận, các doanh nghiệp lữ hành hiện đang rục rịch đưa Non nước Cao Bằng vào lịch trình tour, kết nối với các điểm đến.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành cũng không khỏi bày tỏ quan ngại trước “bài toán khó” làm sao duy trì vệ sinh môi trường nơi đây, bởi đạt được danh hiệu đã khó, giữ được còn khó hơn.
Cùng với đó, nếu lượng khách đổ về quá đông thì vấn đề cơ sở lưu trú, các dịch vụ ẩm thực, giải trí tại điểm đến cũng khiến các doanh nghiệp không khỏi bày tỏ sự băn khoăn. Thực chất, làm du lịch không nhất thiết phải có những tòa khách sạn cao chọc trời hay các trang thiết bị sang trọng. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp lữ hành có thể bày cách cho người dân Cao Bằng có thể tận dụng những cái họ đang có sẵn, mô hình homestay không phải là điều “đánh đố”, người dân nên bắt đầu từ những việc nhỏ như đảm bảo các điều kiện cơ bản nơi ăn chốn nghỉ, nhà tắm, nhà vệ sinh...
Mặc dù vậy, hiện người dân nơi đây đang sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Để họ nhìn thấy lợi ích dài lâu của du lịch, việc tập huấn cho người dân các kiến thức cơ bản về du lịch, khuyến khích người người dân tham gia không phải là việc quá khó nhưng cũng là thách thức đối với địa phương.