Vì sao đá ruby được cho là đắt giá hơn cả kim cương

Nhiều người phương Tây đã mê mẩn sự lấp lánh và giá trị to lớn của những viên kim cương, kể từ sau khi bắt đầu chiến dịch quảng cáo của công ty De Beers (Hãng kim cương lớn nhất thế giới) vào năm 1947.

Đó là câu slogan nổi tiếng: "Diamond is forever" (tạm dịch: Kim cương là vĩnh cửu). Đây cũng là câu khẩu hiệu chính thức của công ty De Beers sau này.

Tuy nhiên, trên thực tế có một loại đá thậm chí còn nổi bật hơn kim cương, đó là đá ruby hay hồng ngọc.
Vì sao đá ruby được cho là đắt giá hơn cả kim cương
Ruby là một loại đá quý hiếm, được mệnh danh là "Vua của các loại đá quý" vì sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội về độ cứng (đạt 9,0 trên thang đo Mohs, chỉ sau kim cương), màu sắc rực rỡ nổi bật (đỏ, cam, tím, hồng),... và sớm được không ít phụ nữ ưa chuộng từ những năm giữa thế kỷ 20.

Nguyên nhân gì khiến hồng ngọc đắt giá hơn kim cương?


Ruby (Hồng Ngọc) là một trong 4 loại đá quý có giá trị nhất hiện nay, bao gồm đá Sapphire (Ngọc Bích), Kim cương và đá Emerald (Ngọc lục bảo). Cái tên ruby được cho là bắt nguồn từ chữ "Rubeus" có nghĩa là màu đỏ trong tiếng La-tinh.

Loại đá này thực chất là một loại khoáng chất Corundum (một dạng kết tinh của oxit nhôm có công thức hóa học là Al2O3). Khi đá ruby được khai thác, chúng có màu từ hồng nhạt cho tới màu đỏ máu.

Một trong những ghi chép nổi tiếng nhất về đá ruby có thể kể tới cuốn sách "The Curious Lore of Precious Stones" của nhà thám hiểm đá quý nổi tiếng George Frederick Kunz viết vào năm 1913.

Trong cuốn sách này có nhiều tiết lộ, chia sẻ về những chủ đề hấp dẫn có liên quan tới đá ruby, bao gồm khả năng chữa bệnh trong y học, niềm tin cổ xưa, ý nghĩa của ruby, lá bùa hộ mệnh, khả năng tiên đoán,...

Theo ghi chép của George Frederick Kunz, đá ruby có khả năng xua đuổi nhiều loại bệnh tật, chẳng hạn như giúp hỗ trợ điều trị cho một số bệnh về máu, xương khớp, bệnh viêm nhiễm. Bên cạnh đó, đá quý ruby cũng được cho là có khả năng mang lại may mắn, sự thịnh vượng cho người sở hữu, loại bỏ hoặc hạn chế những mâu thuẫn, bất hòa.

Cụ thể, người ta tin rằng nếu đá ruby bị thay đổi màu sắc thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho người chủ sở hữu về thảm họa sắp sửa xảy ra.
Vì sao đá ruby được cho là đắt giá hơn cả kim cương
Theo trang Bkgstory, đá ruby hay hồng ngọc có giá trị lớn hơn nhiều so với kim cương. Cụ thể, vào năm 1988, một viên ruby 16 carat được bán tại nhà đấu giá Sotheby với giá là 227.301 USD cho 1 carat.

Ngoài ra, vào tháng 5/1995, một chiếc nhẫn ruby 27,37 carat được tìm thấy ở Myanmar được bán đấu giá 4 triệu USD (tương đương 146.145 USD/carat) tại Geneva, Thụy Sĩ. Trong khi đó, một viên kim cương 102 carat hình quả lê chỉ bán được với giá 125.000 USD/carat.

Ruby có thể được tìm thấy ở nhiều quốc gia châu Á như Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka, Việt Nam,... và một số nước châu Phi như Kenya, Tanzania.

Bên cạnh đó, loại đá quý này cũng được tìm thấy ở một số khu vực khác trên thế giới nhưng giá trị mang lại không cao.

Trong số các loại đá ruby thì loại ở Mogok, Myanmar được coi là nổi tiếng về độ hiếm, chất lượng cao và màu sắc phong phú, trong đó đắt giá nhất là những viên hồng ngọc "huyết bồ câu" (có màu đỏ như máu chim bồ câu).

Trên thực tế, tiêu chuẩn để đánh giá một viên đá ruby có giá trị cao thường hội tụ đủ các yếu tố quan trọng như màu sắc, cách cắt, kích thước và cuối cùng là độ tinh khiết.