Kinh nghiệm câu cá vào mùa đông

Thường thì ai cũng cho rằng ngày đông giá lạnh đi câu cá khó được cá một phần cũng là do chưa có kinh nghiệm câu cá vào mùa đông.

Trên thực tế hiện nay dường như đi câu cá vào mùa đông lạnh giá vẫn câu được cá như mùa nóng với loại hình câu hồ dịch vụ.

Còn lý do nhiều người đi câu không được cá chỉ đơn giản vì có quá nhiều người đi câu, cá nhát, no mồi, cá bị động và loạn các loại thính.

Đối với câu cá ở nơi thiên nhiên hoang dã thì có chút khó hơn nhưng dù sao với những đúc kết kinh nghiệm và kỹ thuật dưới đây cũng giúp các bạn có được buổi đi câu cá vào mùa đông thắng lợi.
Kinh nghiệm câu cá vào mùa đông

Chọn điểm câu cá mùa đông

Thói quen của các loài cá khi ngày đông giá lạnh là trú đông. Những nơi nào có ít hoạt động đối lưu và nước sâu sẽ là vùng nước ấm hơn và là nơi được lựa chọn để loài cá trú ngụ.

Bản chất của sự đối lưu là sự chênh lệch nhiệt độ giữa mặt nước giá lạnh và đáy nước ấm hơn, chúng tao ra sự luân chuyển nước từ dưới đáy lên mặt và từ mặt nước xuống đáy.

Những vùng nước có các bè mảng rau, bèo trên mặt sẽ là nơi có đối lưu ít nhất và sẽ là nơi ấm nhất.

Người nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng bằng cách tạo các vạt bèo, muống hay nhân tạo bằng cách vứt rơm rạ xuống mặt ao giúp cá tránh lạnh.

Một vùng nước ấm hơn sẽ giúp các loài sinh vật tại đó phát triển mạnh hơn không riêng gì loài cá.

Có một thói quen “tỳ dựa” của con cá vào các vật ở đáy hồ như cây đổ, cọc rào. Tại sao những loài cá không phải loài săn mồi cũng chọn chỗ này làm điểm lưu trú.

Có lẽ những vật cản tỳ dựa này vừa có vai trò cung cấp thức ăn do các sinh vật khác bám dựa phát triển và cũng vừa thoả mãn bản năng trốn tránh sự tấn công loài cá khác.

Ngày đông giá lạnh, kinh nghiệm nếu câu tại các chân cọc cũng dễ được cá có lẽ do ở đó con cá dễ kiếm thức ăn hơn trong ngày đông vốn nghèo ít thức ăn.

Mùa đông nước ta là mùa của gió đông bắc đem cái lạnh từ phía bắc xuống thịnh trị. Trên cùng mặt hồ, nơi nào chịu gió thổi nhiều nhất sẽ là nơi lạnh nhất.

Chính vì thế bạn hãy tìm nơi tĩnh gió hay đó chính là bờ đầu gió, bờ càng cao che chắn gió càng tốt (thường là bờ phía đông và bắc) để chọn nơi làm điểm câu. Bờ cao có thể là bờ đất thực sự cao hoặc đơn thuần chỉ là bờ có nhiều cây che chắn.

Tuy thế trong mùa đông không phải lúc nào trời cũng u ám giá lạnh, mà có từng đợt lạnh giá xen lẫn những ngày nắng ấm.

Sự lựa chọn điểm câu những ngày nắng ấm có phần khác biệt hơn những ngày lạnh u ám. Bạn có thể chọn thêm chỗ có những đặc tính như trên nhưng có nhiều nắng chẳng hạn vùng rìa của các chà bèo, rau muống…để câu.

Như vậy việc chọn điểm câu trong mùa đông với các loài cá nói chung là chọn những nơi hội tụ các đặc tính sau càng nhiều càng tốt:

- Độ sâu cao
- Bờ tĩnh gió
- Có bè bèo, rau trên mặt, càng rộng càng tốt
- Nơi nguồn nước đổ vào: miệng cống dặc biệt cống ngầm.
- Chân các cọc, cây đổ…

Các trường hợp cụ thể

- Nếu câu ban ngày trời lạnh, có nắng. Chúng ta câu cách bờ 15 m trở lên, chọn chỗ nào có độ sâu 50 cm hoặc cùng lắm là 100 cm. Vì lúc đó cá nổi hết để sưởi ấm.

- Nếu câu ban ngày trời lạnh, có nắng, có gió mạnh, vẫn theo như trên và có thể câu đầu cần cuối sóng. Vì lúc đó sóng đưa lớp nước ấm trên mặt hồ suống cuối sóng.

-Nếu câu ban ngày trời lạnh không có nắng, không có gió, hoặc gió nhẹ. Cứ chỗ nào sâu là câu.

- Nếu câu ban ngày trời lạnh, không có nắng, có gió mạnh. Gay đấy nhưng ai muốn đi câu vẫn đi được. Tìm chỗ khuất gió, sâu. Hoặc câu dạo, câu không thính, tìm ổ cá hoặc chỗ cá tụ mà thả lục vào, cái này đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Cách câu này còn ứng dụng với trời rất lạnh có gió cũng như không có gió.
Kinh nghiệm câu cá vào mùa đông
- Nếu câu buổi tối mùa đông nên câu chỗ nào sâu ít nhất từ 2m nước trở lên.
Chú ý hôm nào không gió nhiệt độ thấp nhất 14đến 15 độ trở lên, càng về khuya cá có thể vào sát bờ luôn. Chọn chỗ nào thật tĩnh đi lại nhẹ nhàng thả thính đầu cần hoặc cách bờ 1,5 đến 2m.

Chọn thời gian đi câu mùa đông

Mùa đông nước ta điển hình là những đợt giá lạnh do các đợt gió lạnh tràn về thành từng đợt xen kẽ những ngày ấm hơn. Chính sự thay đổi này mà người đi câu nên chọn thời điểm câu cho phù hợp.

Những ngày lạnh đầu đông bạn sẽ khó câu hơn những ngày gần cuối đông, khi mà con cá bắt đầu tiêu tốn lượng lớn năng lượng, nhu cầu đi ăn mạnh hơn.

Trước những đợt gió lạnh tràn về, các loài cá ăn mạnh và nhiều, đó như một phản xạ có điều kiện trước thời tiết bất lợi mà các loài động vật có được tốt hơn con người.

Chúng tiếp tục ăn giảm dần trong 1-2 ngày đầu của đợt gió lạnh tuỳ theo mức độ lạnh của đợt không khí lạnh đó.

Lý do là dù gió lạnh tràn về nhưng chưa đủ làm lạnh nước trong hồ câu, nhiệt độ vẫn còn ấm hơn không khí và còn cao đủ phù hợp với thang nhiệt tăng trưởng của chúng. Sau vài ngày nước lạnh dần, chúng ngừng ăn và trú đông.

Khi đợt gió lạnh dừng lại, trời ấm lên nhưng 1-2 ngày đầu cá vẫn không đi ăn do dù nhiệt độ không khí có tăng nhưng nhiệt độ nước tăng theo chậm hơn do đó nước vẫn lạnh trong 1-2 ngày đầu.

Tiếp ngày sau cá mới đi ăn mạnh. Nhiều thợ câu những ngày ấm đầu, họ đến bên hồ, thả lưỡi xuống rồi nhấc lên sờ vào lục, nhúng tay xuống nước xem mức độ lạnh mới quyết định có câu hay không.

Thính bã hay gọi là nhậy câu cá mùa đông

Mùa đông thính bã cũng phải khác mùa hè chút xíu. Mùa hè ai đi câu có thể ra hàng thính mua những thứ mình cần, sau đó chộn nháo nhào vào nhau thế là oke câu luôn.

Mùa đông thính bã phải có thêm một động tác là ngâm ủ. Các loại thính trắm, trôi, chép, v.v đều nên ngâm ủ khoảng 3 đến 4 ngày. Các cách ngâm ủ như sau:

- Nếu thính có nhiều chất thơm chưa có mẻ, ta cho vào ít mẻ nếu câu chép, nhiều mẻ nếu câu các cá khác. Ngâm 4 ngày.
- Chộn vào thính định câu bã bia, bã rượu, để chỗ kín gió 5 đến 07 ngày.
- Lấy 2 cái men rượu giã nhỏ chộn vào thính định câu, ngâm 3 đến 4 ngày.
- Các cách trên đều phải ngâm ủ mất 3 ngày trở lên. Có một cách ngâm ủ mì ăn liền rất hay sử dụng trong trường hợp đột suất, cách này ngâm ủ 1 đến 2 ngày.

Lấy 1 thùng sốp, cho thính mình định ngâm ủ vào, cho kèm thêm một bát nước thật nóng, đậy kín. Cứ 5 giờ thay nước một lần. Qua 1 đến 2 ngày là câu được.

Một vài bài mồi câu cá mùa đông

Mồi câu đơn, câu đài cá Diếc, Chép, Trôi…
NGUYÊN LIỆU
- Lạc 1 lạng.
- Đỗ tương: 2 lạng
- Vừng: 1,5 lạng
- Cám chim: 5 lạng
- Bột ngô 3 lạng
- Hòa hồi: 4, 5 bông.
CHẾ BIẾN
- Lạc đem rang thơm, đậu tương rang cháy 1 chút, vừng rang vàng, cám chim rang nóng cho đỡ hơi mùi hóa chất phụ gia.
- Hoa hồi 3 bông, cho 1 kg mồi.
- Cám ngô rang vàng
Trộn tất cả nguyên liệu vào nhau và đem xay mịn, sau đó cho vào hộp kín.
SỬ DỤNG
Nếu nắng ấm, không mưa hỗn hợp trên có thể trộn nước để câu ngay.
Nếu trời mưa, thì cho thêm 1, 2 thìa cám cá.
Câu trôi củ thì trộn mồi này với khoai lang ủ chua (khoai lang ủ với sữa bột hoặc sửa ông thọ 1 tuần là đánh được).
Mồi ủ câu cá chép củ
Làm mồi nền mồi xả
+ Nguyên liệu
- Ngô bột
- Mẻ Chua
+ Cách chế biến
- Rang ngô bột trong vòng 3 phút, khi thấy mùi ngô thơm thì tắt bếp.
- Đun nước sôi, sau đó cho vào nồi nước sôi 2 thìa mẻ, xong cho bột ngô rang vào quấy đều.
- Dùng túi bóng bịt kín, ủ trong 3 đến 5 ngày.
Làm mồi câu
NGUYÊN LIỆU
- Ngô ủ chua(Ở phần làm mồi xả)
- Cám chim
- Chuối tiêu chín
- Khoai lang luộc
- Cám cá(một ít thôi)
- Một ít bơ mezan
- Bột mỳ
CHẾ BIẾN
Đem hỗn hợp trên trộn đều nghiền nát mịn là câu được ngay. Để lại một ít ngô ủ chua làm mồi xả.
Trên lý thuyết là vậy, áp dụng vào câu còn tùy thuộc vào sự nhậy bén của các bạn.
Chúc thành công!