Buồn vui nghề trai vẫy giữa lòng thành phố Huế

Và tối đến, như 1 chu kỳ, tất cả họ lại gặp nhau, trên cùng một con đường và cùng nhau dành, “vẫy” khách, cái nghề mà cho dù bị người ta mắng té tát vào mặt thì họ vẫn luôn phải nói cười...

Cử nhân đại học cũng làm...trai "vẫy"

Huế bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa rỉ rả cả ngày lẫn đêm. Ban đêm, dạo một vòng quanh thành phố, không khó để ta bắt gặp những trai “vẫy”. Huế từ lâu đã có những con đường mà mỗi khi nhắc đến, người ra nhớ ngay đến một thức ăn, nước uống nào đó gắn liền. Ví như, cà phê Nguyễn Trường Tộ, bánh canh Hàn Thuyên, gân kiệu Trần Phú, chân gà nướng Mai Thúc Loan…

Và khi nói đến thú nhậu thì có đường Lê Hồng Phong, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn... Ở những con đường này, vài năm trở lại đây, quán nhậu ngày càng mọc lên san sát, khiến sự cạnh tranh giành khách nhậu trở thành vấn đề sống còn đối với thu nhập của các quán.

Và để thu hút những thực khách, các chủ quán đã tạo ra môt đội quân chuyên đón lõng, mời chào khách từ xa. Công việc của họ là “vẫy”, mời khách vào quán, dắt xe vào, lấy xe ra cho khách, rồi dìu khách và gọi taxi khi khách say, thậm chí chở khách say về tận nhà…

Buồn vui nghề trai vẫy giữa lòng thành phố Huế

Người ta vẫn gọi những thanh niên này là trai “vẫy” theo đúng nghĩa đen của nó. Xung quanh cái nghề mà họ đang làm có những vui buồn, tâm tư không phải lúc nào cũng có thể giãi bày…

Chạy xe máy lang thang đến con phố Lê Hồng Phong giữa trời mưa. Thấy tôi đang ngơ ngác đưa mắt dáo dác tìm kiếm gì đó, một nam thanh niên chừng 20 tuổi cầm dù đon đả chạy ra che mưa cho tôi và mời chào: “Để xe đó em đẩy cho, bạn bè anh đến đủ hết rồi...”.

Khi tôi chạy xe qua quán bên cạnh, một thanh niên khác lại chạy đến hỏi han: “Nhậu hả anh? Quán em còn nhiều chỗ lắm....”. Cứ thế, đi hết con đường, tôi được mời gọi vào nhậu khoảng 5-6 lần.

Trên đường Tố Hữu, trai “vẫy” hoạt động còn liều lĩnh hơn. Bất kể ai đi qua đoạn đường này cũng được họ hỏi han và mời chào một cách rất nhiệt tình. Có người trong số họ còn lao ra giữa đường ra dấu mời vào quán.

Theo một chủ quán, trong tiêu chuẩn để chọn một trai “vẫy” thì đầu tiên phải kể đến sự hoạt ngôn, tiếp đến là sự nhanh nhẹn và chịu khó. Làm nghề này chủ yếu là những thanh niên ở quê lên, bỏ học giữa chừng, cũng có người còn là sinh viên đang đi học, thậm chí có người đã có bằng đại học trong tay nhưng chưa xin được việc đúng chuyên ngành.

Tôi có gặp Nam, sinh năm 1990, quê ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), là một trong những trai “vẫy” có thâm niên trong nghề. Hiện, Nam đang làm việc cho một quán nhậu ở cuối đường Lê Hồng Phong. Nam chia sẻ, cậu tốt nghiệp ngành xây dựng, trường Đại học Trà Vinh cách đây gần 2 năm. Trong lúc chờ cơ hội xin việc thì Nam vào Huế đi làm thêm. “Ở Huế, việc gì lương cũng bèo bọt. Cái nghề này vất vả tí nhưng còn khá hơn so với chạy bàn cà phê, bốc vác…”, Nam cho hay.

Cạnh quán của Nam đang làm, tôi gặp Hải, sinh năm 1993, quê ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế)). Hải mới đi làm chưa đầy 1 tháng. Học hết lớp 9 thì Hải nghỉ học rồi đi chăn trâu bò thuê cho người ta. Mùa mưa, trâu bò chủ yếu nuôi nhốt, Hải thất nghiệp.

Thế là, cậu khăn gói lên thành phố xin đi làm trai “vẫy”. Làm cùng Hải, có Phước, sinh năm 2001, có lẽ nhỏ tuổi nhất nên được những thanh niên khác gọi với cái tên khá thân mật: Phước “Cu”. Phước “Cu” nhà ở trong thành phố Huế, học hết cấp 2 vì mê game rồi nghỉ học. Để kiếm tiền tiêu hàng ngày, tối đến Phước “Cu” lại ra quán này làm thêm.

Cả con đường hiếm hoi lắm mới có một cậu sinh viên theo nghề. Cậu này tên Trung, sinh viên năm 2, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Trung quê ở Hà Tĩnh, nghe Trung bảo vì nhà không có điều kiện chu cấp tiền học nhiều, với lại lịch học lại không mấy nặng nề nên quyết định đi làm thêm vào ban đêm.

Lý giải vì sao nghề trai “vẫy” này lại không hút sinh viên. Nam cho biết, có lẽ vì đặc thù công việc làm cả ngày từ sáng đến đêm khuya, trong khi sinh viên còn dành thời gian cho việc học nên chỉ làm bán thời gian (hoặc buổi chiều hoặc buổi tối). Với lại, nghề này phải tiếp xúc với nhiều người, đòi hỏi một độ “mặt chai” nhất định, sinh viên ít theo có lẽ vì nhiều người cảm thấy ngại ngùng, “dị” với bè bạn.

Thế nào là một trai "vẫy"...chuyên nghiệp?

Chia sẻ thêm về nghề, Nam nói làm nghề này cũng cần phải có những kỹ năng. Ngoài việc quan sát tốt, cần phải có một óc phán đoán nhanh nhạy. Nói như một nhà “marketing” chuyên nghiệp, Nam bảo những trai “vẫy” mà hễ người nào đi ngoài đường cũng mời, cũng hỏi han là nghiệp dư, nịnh chủ, ta đây chăm chỉ. Đôi khi còn rước họa vào thân vì có thể bị ăn chửi, bị đánh do lỡ gặp phải người đi đường khó tính, côn đồ.

Theo Nam, một trai “vẫy” chuyên nghiệp là có thể phán đoán được người nào đi ngang quán đang có ý định vào quán nhậu. “Thường những người đó khi đến gần những quán nhậu sẽ có động thái như đảo mắt tìm kiếm, giảm tốc độ, nghe điện thoại… khi ấy, mình chạy ra đón, hỏi dò thì khả năng khách vào quán là rất cao”, Nam tiết lộ.

Ngoài sự nhanh nhạy trong quan sát, Nam còn cho hay, khi tiếp xúc với khách cũng cần có kỹ năng giao tiếp nhất định. Tùy vào khách, thái độ, cách ăn mặc mà người làm nghề có cách mời chào, nói chuyện cho phù hợp.

“Gặp đàn ông, phụ nữ đứng tuổi thì nên lịch sự, nhã nhặn. Gặp thanh niên choai choai, họ thích lễ phép thì nên xưng em dạ anh. Gặp con gái thì nên bông đùa, lả lơi tí… Và quan trọng hơn hết, dù có chuyện gì thì lúc nào cũng phải tỏ ra vui vẻ và cười nói với khách”, Nam phân tích.

Được biết, thu nhập của Hải và Nam một tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Họ làm cả ngày, bao ăn buổi sáng, trưa, riêng buổi tối và chỗ ở thì tự túc. Còn Phước “C.” và Trung chỉ làm vào ban đêm nên lương ít hơn, tầm hơn 1 triệu.

“Mấy đứa chạy bàn trong quán còn có tiền bo này nọ. Bọn em ở ngoài này “vẫy” khách có chi mô. Thi thoảng dắt xe nhằm của khách xộp thì họ có bo cho vài chục nhưng cũng phải chia đều cho anh em cùng làm”, Hải cho biết.

Nghề thu nhập chẳng được bao nhiêu, nhiều khi còn gặp nguy hiểm. Tôi để ý, có khi họ phải đứng ra cả lòng đường để mời gọi khách. Với những trai “vẫy” này, bị chửi là chuyện bình thường, có trường hợp còn bị đánh vì mời sai đối tượng. Đó là lần Phước “C.” chẳng may mời phải một cô gái ăn chơi mà bị cô này hiểu lầm là có ý định sàm sỡ. Một lúc sau, cô gái này trở lại cùng một anh người yêu “hổ báo” nhằm để “dạy cho một bài học”. Phước chưa hiểu chuyện gì thì bị anh này nhảy vào đánh đấm túi bụi, may mà có chủ quán ra can mới thôi.

“Không mời, không vẫy khách thì bị chủ nói, mà mời nhiều thì người đi đường họ khó chịu, phản ứng. Biết làm sao được, vì công việc cả thôi”, Trung trầm ngâm.

Hơn 22h đêm, các quán nhậu nơi Nam, Hải, Phước “C.” và Trung đang làm việc đã vơi dần khách. Hải tỏ ra mệt mỏi, Nam châm vội điếu thuốc hút cho đỡ lạnh, Trung tranh thủ xếp gọn những chiếc xe còn lại, còn Phước “C.” nằm ngủ gật trên chiếc ghế nhựa một cách ngon lành.

Ngày mai, buổi sáng Trung sẽ phải lại lên giảng đường theo đuổi con chữ, Phước “C.” lại lao vào những trận game sát phạt vô bổ, còn Nam và Hải sẽ phải tiếp tục dậy sớm dọn dẹp bàn ghế, quét dọn quán chuẩn bị cho ngày bán mới. Và tối đến, như một chu kỳ, tất cả họ lại gặp nhau, trên cùng một con đường và cùng nhau dành, “vẫy” khách, cái nghề mà cho dù bị người ta mắng té tát vào mặt thì họ vẫn luôn phải nói cười vui vẻ.