Tại sao người Việt hay bị lừa bởi các công ty đa cấp biến tướng

Đối với các nước phương Tây, thì hoạt động kinh doanh đa cấp (KDĐC) diễn ra lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển và mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia tại Việt Nam thì hoạt động này đã bị biến tướng hoàn toàn.

Mặc dù báo chí đã không ít lần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người “nhẹ dạ cả tin” nhưng không ít người vẫn rơi vào “ma trận” của KDĐC “ảo”.

Trước tiên bạn phải hiểu bản chất của mô hình đa cấp là gì? Nó có lợi hay có hại cho xã hội? Chúng ta có thể khẳng định luôn, nó có lợi nhưng nó phải đúng theo mô hình sau:

Mỗi khách hàng sử dụng sản phẩm là một kênh phân phối sản phẩm, tức là vừa sử dụng, vừa kiểm nghiệm, vừa tiếp thị, vừa bán hàng, vừa tạo chân rết mới. Sản phẩm đó phải thực sự chất lượng và giá cả phù hợp với giá trị nó đem lại.

Chi phí bán hàng và tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp là chi phí hoa hồng cho người bán tham gia các cấp bán hàng. Đó là mô hình kinh doanh đa cấp cổ điển rất phổ biến ở phương Tây, nhưng ở Việt Nam nó không còn đơn giản như thế.

Tại sao người Việt hay bị lừa bởi các công ty đa cấp biến tướng

1. Biến tướng đẩy giá sản phẩm

Một số công ty lấy danh nghĩa KDĐC nhưng bán một cái máy thiết bị nào đó mà giá trị sử dụng không đúng với số tiền bán ra.

Sản phẩm được định giá cao gấp 10-100 lần giá thực tế để bù chi phí triết khấu đa cấp. Người tiêu dùng cuối cùng nhận ra nó chẳng khác gì các sản phẩm thông thường khác mà giá cả hợp lý hơn. Mô hình này chủ yếu bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bảo hiểm nhân thọ… những thứ người ta mua vì niềm tin với người bán.

2. Biến tướng bán sản phẩm ảo

Mô hình này ra đời 10 năm gần đây cùng với sự phát triển của Internet. Bản chất của mô hình này giống mô hình ở trên kết hợp với mô hình lừa đảo kiểu Ponzi. Tức là lấy tiền người này trả hoa hồng cho người khác. Sản phẩm ảo không có một chút giá trị nào ngoài việc được thổi phồng thành xu thế trong tương lai. Mô hình này thường bán tiền ảo, gian hàng ảo, tóm lại là ảo, lừa đảo là chính.

3. Biến tướng đa cấp gọi vốn cộng đồng

Mô hình này là kết hợp của 2 mô hình kể trên. Sản phẩm bán là cổ phần các công ty được kỳ vọng trong tương lai, điển hình là đa cấp gọi vốn của Paryian, cafe Gold Time. Bọn này khoe startup thành công giá cổ phiếu có thể lên 1.000 lần. Tất nhiên chẳng thằng nào thành công hết vì mục tiêu để gom tiền đa cấp rồi bùng.

4. Biến tướng đa cấp tinh vi hơn dưới dạng công ty đào tạo nhân lực, đào tạo marketing, đào tạo kinh doanh trực tuyến, cuối cùng đều lòi đuôi đào tạo đại lý đa cấp.

Mô hình này các bạn trẻ dễ bị lừa nhất và cũng tinh vi nhất, nó kết hợp và kế thừa cả 3 mô hình trên, điển hình là vụ Myaladinz đang ầm ĩ trên truyền thông mấy hôm nay.

Công ty đứng đằng sau nó là Apota Education, một công ty đào tạo trực tuyến nhưng không kiếm tiền từ đào tạo trực tuyến. Tất cả những gì họ đào tạo không sai, đó đều là kiến thức marketing và đầu tư tài chính.

Nhưng cái thâm hiểm ở chỗ họ cố tình lôi mô hình đầu tư kinh doanh MyAladdinz như là một mô hình chuẩn, đầy tiềm năng để lôi kéo học viên trở thành mạng lưới đa cấp của họ. Họ phủ nhận họ là chủ đầu tư của mô hình này. Nó là startup “thành công” của nước ngoài, họ cũng là nhà đầu tư kiêm đại lý mà thôi.

Quay lại câu hỏi vậy tại sao người Việt dễ bị các mô hình đa cấp lừa đảo, có phải xuất phát từ nguyên nhân tham tiền? Tất nhiên điều đó đúng nhưng chưa đủ, tiền thì ai chẳng tham, làm giàu ai chẳng thích.

Người Việt bị lừa nhiều bởi người Việt thất nghiệp nhiều, sinh viên có học còn thất nghiệp nữa là thất học ở nông thôn. Người Việt ham học, nhưng tiếc thay học toàn thầy đa cấp. Các mô hình đào tạo nghiêm túc thì học phí rất cao, trong khi mô hình đào tạo free thì đều hướng tới làm đại lý đa cấp.

Đa số những người bị lôi kéo vào mô hình đa cấp lúc đầu đều cảnh giác cao độ, họ tặc lưỡi tham gia các buổi hội thảo, đào tạo để thử cho biết. Khi bị lôi kéo bởi kiến thức kinh tế mới lạ, họ ham, họ mong muốn “đánh thức tiềm năng” con người mình, họ mơ ước “tự do tài chính”, tự do “phát triển bản thân” như những lời có cánh của các thầy đểu online luôn rao giảng.

Đến một lúc kiến thức thật và kiến thức giả lẫn lộn, họ không kiểm soát được hành vi của mình nữa. Sau vài buổi được đào tạo, những người nói khác với những gì thầy đa cấp rao giảng đều là người ít hiểu biết, mình mới là người “có học”, lúc đó họ chính thức bị tẩy não.

Những thầy đa cấp đều luôn vô can trong các vụ án lừa đảo, bởi họ được các công ty kinh doanh đa cấp thuê để dạy kiến thức thật nhưng áp dụng vào việc đi lừa, đó là nghề kiếm sống của các chức danh: Huấn luyện viên, người truyền lửa, nhà quản lý, chuyên gia đào tạo… chính những người này mới thật sự nguy hiểm, bởi mô hình này chết đi lại có mô hình đa cấp khác thay thế tinh vi hơn, rầm rộ hơn và cũng khó kết tội lừa đảo hơn.

Những chuyên gia đào tạo đa cấp luôn show ra 5% cá nhân thành công nhưng che đậy 95% cá nhân thất bại. Những chuyên gia đa cấp luôn phông bạt từ hình thức bên ngoài đến lời nói bên trong. Những người đào tạo đa cấp giờ đã thành tinh, họ luôn tự hào đang chia sẻ thành công và cho các bạn cái “cần câu” không cho con cá.

Chính vì cho các bạn cái “cần câu” nhưng không dạy các bạn cách câu cá, mà chỉ dạy các bạn kỹ năng lừa người khác mua cái “cần câu” như bạn đang có. Cá thì mãi mãi không có đâu, vì thực chất bạn đâu được học “câu cá”, chỉ học “bán cần” và “hít cần” đến mê muội mà thôi.