Những người không bao giờ hiểu được thế nào là vong ân bội nghĩa

“Vong ân bạc nghĩa” là thành ngữ ám chỉ những kẻ bạc bẽo, vô ơn khi quên đi những người đã giúp đỡ, cưu mang mình lúc khó khăn, hoạn nạn.

Ngày 04/12/2016, Việt Nam tiến hành nghi thức Quốc tang tôn vinh chủ tịch Fidel Castro. Tuy nhiên, nhớ về ngày đó, một số cá nhân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội phản đối hành động này của Việt Nam.

Một “nhà báo độc lập” cho rằng: “một nửa Việt Nam” không coi nước Cuba là bạn, vì Cuba và cá nhân Chủ tịch Fidel chỉ ủng hộ phía Bắc Việt Nam mà trong lúc đó, Bắc Việt Nam đang xâm lược Nam Việt Nam”. Cũng chính “nhà báo” ấy tuyên bố rằng việc đặt Quốc tang tưởng nhớ Chủ tịch Fidel Castro là việc “tôn vinh những kẻ độc tài, bất chấp luật lệ quốc tế”.

Thực ra, Chủ tịch Fidel Castro và nhân dân Cuba chưa từng phân biệt Bắc Việt và Nam Việt, trong con mắt của những người bạn ở bên kia bán cầu, chỉ có một Việt Nam. Họ ủng hộ việc những người Việt ở cả hai đầu đất nước, mong muốn Việt Nam chiến thắng và thống nhất.

Mới đây, như thường lệ hàng năm, Việt Nam tiến hành viện trợ 5000 tấn gạo cho nước anh em Cuba. Đây là một hành động đẹp, đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc đáp lại những gì mà nhân dân Cuba đã giúp đỡ Việt Nam trong quá khứ.

Những người không bao giờ hiểu được thế nào là vong ân bội nghĩa

Nhưng nhiều kẻ, nghĩ ra đủ thứ thuyết âm mưu, rồi bực tức, viện dẫn đủ loại lý do trách móc hành động của phía Việt Nam. Thậm chí, “bài ca người nghèo” cũng được đưa ra: “Dân trong nước còn đang thiếu gạo ăn, đem thóc đi đãi gà rừng”. Hoặc là cái lý thuyết: “Cho gạo rồi thì phải tự sang mà lấy, đã nghèo đi xin rồi còn bắt người ta vận chuyển đến”

Thưa quý vị, đừng biến Việt Nam thành “kẻ vong ân bạc nghĩa” chứ!

Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, nhân dân Cuba đã tôn vinh Bác bằng cách thực hiện nghi lễ Quốc tang 7 ngày. Năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro trực tiếp đến Cao điểm 241 Tân Lâm, Quảng Trị tuyên bố rằng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Từ năm 1975 đến năm 1977, Việt Nam bị nhiều quốc gia bao vây, ngăn cản việc tham gia vào Liên Hợp Quốc. Chính Cuba đã vận động các quốc gia Mỹ Latinh, châu Phi bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam mặc cho bị phía Mỹ dọa nạt và tăng cường cấm vận.

Thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, Việt Nam và Cuba cũng đều gặp rất nhiều khó khăn do bị Mỹ cấm vận. Nhưng bất chấp những khó khăn đó, nước bạn vẫn viện trợ những liều vaccine quý giá cứu sống hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam. Hãy nhìn về các quốc gia tự nhận là văn minh, họ cấm vận Việt Nam và nghĩ ra nhiều chiêu trò khiến chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất vaccine và mua vaccine.

Phần lớn những con người thuộc thế hệ 8x, 9x hẳn vẫn còn “vết sẹo Cuba” ở bả vai. Đó là chứng tích cho thời điểm, chúng ta đã từng tồn tại, từng sống bởi mồ hôi, tâm huyết, tình cảm của nhân dân Cuba. Oán thù thì có thể gác lại nhưng ân nghĩa thì không bao giờ được quên.

Một số người đang nghĩ về Cuba với những ánh mắt không mấy thiện cảm, thậm chí có vẻ hằn học. Thậm chí, họ ví mối tình Việt Nam – Cuba như là câu chuyện “đôi lứa xứng đôi” – kiểu như là những quốc gia nghèo khổ chơi cùng nhau. Bây giờ, Việt Nam phát triển hơn rồi, Việt Nam cần phải chơi với Mỹ, Trung Quốc, Nhật… chứ cứ ôm mãi “mối tình Cuba” thì “ăn mày quá khứ” mất. Nhưng như vậy, có khác gì “tham phú phụ bần” không?

Mỗi người, có thể yêu người này, ghét người kia, có tư tưởng chính trị khác nhau. Nhưng bất kể thế nào, đạo lý của dân tộc luôn cho rằng phải biết ơn đến những người đã giúp đỡ mình. Việt Nam – Cuba ở rất xa nhau, phần lớn người dân Việt Nam chỉ nhìn Cuba qua những tấm ảnh, thước phim và những câu chuyện để lại và có lẽ người dân Cuba cũng vậy.

Việt Nam chưa phải là một nước giàu, cũng chẳng phải là một cường quốc gì. Nhưng Việt Nam vẫn luôn là một quốc gia đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” lên hàng đầu. Không chỉ với Cuba, mà còn với Thụy Điển, Lào và các anh em bạn bè châu Phi xa xứ.

Và những chuyến tàu không chỉ chứa gạo – mà còn chứa cả tình cảm chân thành, lòng biết ơn, đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng vượt Thái Bình Dương, xuyên qua kênh đào Panama, vươn đến vùng biển Caribe và cập bến La Habana.

Tifosi