Hiện nay, phí thu gom rác thải sinh hoạt được tính bình quân theo đầu người hoặc theo hộ gia đình.
Mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra dự thảo hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh. Phần kinh phí còn lại được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, nếu dự thảo Luật này được thông qua thì từ ngày 01/7/2021, hộ gia đình, cá nhân nào càng nhiều rác thải sinh hoạt thì sẽ càng phải trả nhiều tiền.
Việc thu phí rác theo khối lượng thực tế, ở nước ngoài họ làm lâu rồi và dân mạng vẫn khen ầm ầm, thế mà đề xuất áp dụng ở Việt Nam thì đua nhau chê bai, phản đối.
Để tránh tình trạng bình quân, đổ đồng trong việc thu phí rác thải sinh hoạt, hạn chế thói xả rác bừa bãi, vô tội vạ, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề xuất áp dụng thu phí theo thể tích, khối lượng thực tế.
Chuyện này ngay lập tức trở thành chủ đề “nóng” trên mạng xã hội bởi nó liên quan đến mọi gia đình. Nhiều người ngay lập tức gạt phăng đề xuất đó, thậm chí phê phán, mỉa mai, cho rằng không thể áp dụng ở Việt Nam do thiếu tính khả thi.
Quả thật, việc thực hiện thu phí rác thải theo cân nặng hay khối lượng không đơn giản, có nhiều câu hỏi cần được trả lời, nhiều trở ngại cần được dỡ bỏ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khi nêu đề xuất cũng chưa công bố giải pháp thực hiện khiến người dân khó hình dung ý tưởng này sẽ đi vào thực tế thế nào.
Tuy nhiên, thái độ gạt phăng ngay lập tức của nhiều cư dân mạng khi ý tưởng mới được đưa ra chính là vật cản khiến đất nước không thể nhanh chóng tiến lên văn minh, hiện đại.
Thực tế, việc thu phí theo lượng xả thải thực tế được nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… Điều kỳ lạ là lâu nay, mỗi khi có bài báo giới thiệu cách quản lý, xử lý rác thải rất khoa học ở nước ngoài, sẽ có hàng trăm, hàng nghìn bình luận khen ngợi sao tây họ văn minh thế, không quên so sánh với Việt Nam bằng câu cảm thán “bao giờ chúng ta mới được như vậy”.
Thế nhưng khi cơ quan chức năng Việt Nam đề xuất áp dụng cũng chính những giải pháp văn minh đó thì họ lại bỉ bôi, phản đối và “phán” luôn là “không phù hợp, không áp dụng được đâu”.
Nói như vậy, phải chăng theo họ, chúng ta chỉ phù hợp với nếp sống kém văn minh, ăn uống rồi xả thải một cách hoang dã, và mãi mãi chấp nhận sống trong môi trường bẩn thỉu, ô nhiễm?
Cái mới, cái tốt nào muốn đưa vào cuộc sống mà chẳng phải đối mặt với khó khăn. Bản thân Hàn Quốc cũng mất 10 năm mới thực hiện được việc thu phí rác thải theo khối lượng. 10 năm đó là quá trình tạo ra sự thay đổi về nhận thức, quy định pháp luật, điều kiện thực tế của xã hội và hành vi của mỗi công dân.. mà nếu không trải qua, đất nước này sẽ không khang trang hiện đại như bây giờ.
Việt Nam cũng vậy, nếu cứ cho rằng cách thu phí mới tuy hay đấy nhưng không phù hợp, 10 năm nữa chúng ta sẽ ngập trong rác, và các “chuyên gia chém gió” lại kêu ca rằng sao không quản lý rác như cách tây họ làm?
Dường như đang tồn tại một bộ phận không nhỏ cư dân mạng có thói quen kêu ca, phê phán bất kỳ thay đổi nào mà cơ quan chức năng áp dụng hay đề xuất, dù những thay đổi đó là để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội. Phản đối trong khi không đưa ra giải pháp khả thi hơn dường như trở thành phản xạ của họ.
Chẳng hạn, người ta phê phán cơ quan chức năng để xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn, nhiều tai nạn giao thông, nhưng khi có đợt tổng kiểm soát để khắc phục thì họ lại kêu phiền toái vì bị cảnh sát giao thông dừng xe.
Nếu cứ chê bai, phản đối như vậy, đừng hỏi đến bao giờ Việt Nam mình mới trở nên văn minh hiện đại, bởi câu trả lời sẽ là không bao giờ.