ECMO là gì, khi nào bệnh nhân cần phải can thiệp tim phổi nhân tạo

Trong số 60 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, đang có 2 bệnh nhân nặng, trong đó một trường hợp do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên được chỉ định can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Chiều 19/3, Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO với "bệnh nhân 19", là bác ruột của "bệnh nhân 17", do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh.

ECMO là gì?

Đây là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.

Theo các chuyên gia hồi sức, với những trường hợp không may bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp thì ECMO chính là "vũ khí" cuối cùng có thể giúp phổi dần hoạt động trở lại.

Trong đó, tuần hoàn ngoài cơ thể là một kỹ thuật nhằm thay thế tạm thời chức năng tim và phổi khi cần phải thực hiện các ca phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế các cấu trúc tim mạch hoặc mạch máu lớn trong cơ thể.

ECMO là gì, khi nào bệnh nhân cần phải can thiệp tim phổi nhân tạo

Tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện nhờ vào các máy tim phổi nhân tạo và phải được điều khiển bởi các bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành, có nghiệp vụ chuyên môn cao.

Đây là một hệ thống nửa kín, có thể thay thế hoàn toàn chức năng tim phổi của bệnh nhân nhờ vào hệ thống bơm phối hợp với hệ thống trao đổi khí được nối với bồn chứa ống dẫn, cannula và tim của bệnh nhân.

Hệ thống này sẽ tạo ra sự thay đổi về sinh lý trong cơ thể mà sự thay đổi này được kiểm soát có chủ động như huyết áp động mạch, huyết áp tĩnh mạch hệ thống, áp lực tĩnh mạch phổi, các thành phần trong máu, áp lực riêng phần CO2, O2, N2 và thân nhiệt. Từ đó dẫn đến các phản ứng tự điều chỉnh và tự bảo vệ cơ thể của bệnh nhân.

Tuần hoàn ngoài cơ thể có thể thay thế hoàn toàn hoặc hỗ trợ một phần hoạt động của hệ tim phổi, hoặc cũng có thể là thay thế hoàn toàn nhưng đặt cùng lúc nhiều cannula ở nhiều vị trí khác nhau kết hợp với ngừng tuần hoàn tạm thời.

Máy ECMO hoạt động như thế nào?

Máy ECMO được kết nối với bệnh nhân thông qua các ống nhựa (ống cannula). Những ống này được đặt vào trong các động tĩnh mạch lớn ở chân, cổ hay ngực.

Máy ECMO bơm máu từ cơ thể của bệnh nhân đến phổi nhân tạo (oxygenator) để bổ sung O2 và loại bỏ CO2 ra khỏi máu. Vì vậy, nó sẽ thay thế chức năng phổi của người bệnh. Sau đó máy ECMO sẽ bơm máu trở lại cho bệnh nhân với lực bơm bằng với công co bóp của tim, tức là sẽ thay thế chức năng của tim.

Máy ECMO được điều khiển bởi một chuyên gia ECMO, hoặc một điều dưỡng hoặc một bác sĩ chuyên khoa hô hấp đã được đào tạo chuyên sâu về ECMO. Các chuyên gia sẽ điều chỉnh những cài đặt trên máy để đảm bảo cung cấp cho bệnh nhân đầy đủ chức năng tim và phổi mà họ cần.

Sau đó, bằng việc sử dụng một lực bơm bằng với sức co bóp của tim, ECMO lại giúp đưa máu đã qua trao đổi khí và chất trở về với hệ tuần hoàn của cơ thể.

Có hai cấu hình trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể là tĩnh mạch-tĩnh mạch và tĩnh mạch-động mạch. Cấu hình tĩnh mạch - động mạch được sử dụng nhằm đảm bảo cả về trao đổi khí và hỗ trợ huyết động. Còn cấu hình tĩnh mạch-tĩnh mạch sử dụng chủ yếu để đảm bảo nhu cầu về oxy và thể tích tuần hoàn cho cơ thể.


Khi nào cần can thiệp ECMO?

Đối tượng cần sử dụng ECMO là những bệnh nhân mắc bệnh lý nặng, có nguy cơ ngừng hô hấp hoặc ngừng tuần hoàn, đe dọa đến tính mạng.

ECMO được sử dụng khi phổi không có đủ khả năng cung cấp oxy cho cơ thể ngay cả khi đã cho hỗ trợ thở máy oxy ví dụ như trường hợp viêm phổi nặng có biến chứng suy hô hấp, hay bệnh nhân chẩn đoán phù phổi cấp kèm theo biểu hiện suy hô hấp nặng...

Hoặc khi phổi không thể thải trừ carbon dioxide ngay cả khi đã có sự hỗ trợ từ máy thở, hoạt động bơm của tim không đủ cung cấp máu cho cơ thể.

Hoặc có thể chỉ định áp dụng cho những trường hợp bị bệnh lý về tim phổi và đang trong thời gian chờ nội tạng để được cấy ghép.

tổng hợp.