Du học sinh chê khu cách ly: Tính xấu của nhà giàu mới nổi

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 mới đây, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô phải than phiền về một số du học sinh ở châu Âu gia đình có điều kiện, khi về đến sân bay Nội Bài có biểu hiện thiếu hợp tác với cơ quan chức năng.

Công an, an ninh hàng không gần như phải thực hiện biện pháp cưỡng chế để buộc những thanh niên này về khu cách ly. Trong khi đó, một số khác tìm cách xin xỏ được cách ly gần nhà, một số vào khu cách ly đã lớn tiếng chê bai đồ ăn, phòng cách ly bẩn thỉu, thiếu tiện nghi gây bức xúc trong dư luận.

Lý giải hiện tượng trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng đó là tính cách của những "cậu ấm, cô chiêu" quen được nuông chiều, chỉ quen với lối sống thích đòi hỏi.

Vị chuyên gia khẳng định, biện pháp cách ly là cần thiết và bắt buộc phải làm nhằm phát hiện, ngăn chặn sự lây lan rộng trong cộng đồng.

Dẫn lại câu chuyện của bệnh nhân số 17, bệnh nhân thứ 21, 34... vị chuyên gia khẳng định, nếu không được cách ly kịp thời, bệnh nhân nhiễm Covid-19 có khả năng đi lại tự do, tiếp xúc diện rộng, gây lây nhiễm chéo cho nhiều người.

Cách ly là biện pháp cả thế giới đều coi trọng và đang áp dụng. Tại Việt Nam, nhờ biện pháp cách ly nên đã hạn chế được rất nhiều nguy cơ lây lan sau khi có 8 người trở về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc).

Du học sinh chê khu cách ly: Tính xấu của nhà giàu mới nổi
Phụ huynh tiếp tế cho con em trong khu cách ly. Ảnh chỉ có tính minh họa

Vị PGS nói thêm, cách ly là biện pháp không mong muốn bởi sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, từ vấn đề đề nhân lực, ngân sách để phục vụ cho công tác cách ly. Hàng trăm, ngàn cán bộ y tế, công an, bộ đội được huy động ngày đêm thay nhau phục vụ người cách ly.

Các bệnh viện, khu ký túc xá, trường học, khách sạn đều được huy động làm nơi ăn, ở cho người cách ly.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn phải bảo đảm chi phí ăn ở miễn phí cho người cách ly...

Theo vị PGS, Nhà nước đã cố gắng làm tất cả cho người cách ly vì thế, người cách ly không thể đòi hỏi đi cách ly nhưng phải có điều kiện ăn ở tốt như ý muốn của mình được.

Chắc chắn khu cách ly không thể tiện nghi như khách sạn, không thể có người phục vụ như giúp việc trong nhà, không thể sinh hoạt, đi lại tự do, muốn gì được đấy được, vì đó là khu cách ly.

"Thực tế, khu ký túc xá vẫn là nơi những sinh viên hàng ngày ăn, ngủ. Một phòng có 50m2, 8 người ở là không quá tệ. Những ngày đầu du học sinh tại các nước Châu Á về cách ly cũng không có nhiều phàn nàn. Chỉ những du học sinh từ Châu Âu về, đó là những con nhà giàu, quen cuộc sống sung sướng nên khi thấy điều kiện cách ly không được như mong muốn thì chê bai, đòi hỏi.

Ở đây cần phải rõ ràng hơn, yêu cầu cách ly là bắt buộc, trách nhiệm của công dân là phải thực hiện. Bất kỳ ai khi nhập cảnh về là phải chịu cách ly, không thiên vị, ưu ái ai.

Về điều kiện ăn ở, Nhà nước chỉ hỗ trợ được đến vậy, người cách ly phải thích nghi, không thể bắt Nhà nước phải chạy theo, chiều chuộng ý muốn của từng người được. Người chống đối sẽ bị cưỡng chế, xử lý nghiêm theo quy định", PGS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Với những du học sinh đã vậy, còn phụ huynh thì xếp hàng, chen chúc đứng chờ "tiếp tế" cho con em đang cách ly tại các khu ký túc xá cũng khiến vị chuyên gia phiền lòng. Ông cho rằng, những người được cách ly vẫn đang được Nhà nước hỗ trợ ba bữa ăn mỗi ngày đảm bảo đủ dinh dưỡng, chất lượng theo quy chuẩn.

Tại các khu cách ly, vẫn có hàng trăm, nghìn bác sĩ thầm lặng làm việc ngày đêm lo thăm khám cho người cách ly; bao nhiêu người khác đang nỗ lực lo lắng mọi bề để có được chỗ cách ly an toàn và bao nhiêu tình nguyện viên khác vốn là các bạn trẻ sẵn sàng vào dọn dẹp vệ sinh, phục vụ tại các khu cách ly… Tất cả ai cũng đang cố gắng hết sức vì sức khỏe của chính những du học sinh, những người đang được cách ly và vì sự an toàn chung của cả cộng đồng.

Thế nhưng, việc phụ huynh ùn ùn kéo nhau, xếp hàng đưa từ tấm đệm, tủ lạnh, nước uống, thức ăn đủ thứ…, để tiếp tế cho con, biến khu cách ly thành phòng ở tiện nghi như ở nhà là suy nghĩ ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến con mình.

Vị PGS cho rằng, việc xem con cái như "cục vàng", chăm chiều con như các "cậu ấm cô chiêu", bao bọc theo kiểu phải lo từng miếng ăn giấc ngủ nên mới có những du học sinh khi trở về từ trời Âu đã tự cho mình là bố đời, không biết chia sẻ, cảm thông, chỉ biết chê bai, than vãn đủ điều.

Chính cách hành xử ích kỷ, kiểu có tiền của những người nhà giàu mới nổi đã làm tấm gương xấu cho con cái.

Nghĩ tới một thế hệ trẻ được đầu tư cho ăn học, được tiếp cận với những nền văn hóa văn minh hiện đại, với kỳ vọng những thế hệ trẻ sẽ có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của đất nước khiến vị chuyên gia không khỏi lo lắng.

"Đáng lẽ ra cần coi đây là cơ hội trải nghiệm, là điều kiện để những đứa trẻ thể hiện ý thức, thực thi trách nhiệm xã hội của một công dân thì cách hành xử của nhiều đứa trẻ đó lại cho thấy điều ngược lại.

Những người làm cha làm mẹ thay vì xếp hàng tiếp tế đồ cho con thì hãy khuyên con ngừng than thở, nên tự tay dọn dẹp, vệ sinh, tự hoàn thiện chỗ ở của mình. Nếu khu ở sạch sẽ, vệ sinh bản thân những du học sinh cũng sẽ an toàn hơn.

Tuy nhiên, từ phụ huynh cho tới du học sinh đã không chỉ ích kỷ, không biết chia sẻ, không học cách thích nghi, học cách tự phục vụ lại chỉ biết đòi hỏi, chê bai, rất phản cảm, rất đáng bị phê phán", vị PGS nói thẳng.

tổng hợp.