Tìm hiểu giáo lý nhà Phật về nghiệp, nghiệp lực và vong

Cuộc sống bản chất là lẫn lộn trắng đen

Giáo lý cơ bản của Phật giáo mà cả Bắc tông (Đại thừa) và Nam tông (Thượng Tọa Bộ hay còn gọi lại Phật giáo nguyên thuỷ) đều công nhận là giáo lý “vô ngã”.

Theo quan điểm Phật Giáo, chúng ta không có một cái tôi trường tồn bất diệt. Cái tôi (ngã) là một thứ ảo giác con người kiến lập ra trong quá trình tương tác với tha nhân trong xã hội.

Chúng ta trong quá trình sống tự tạo cho mình một hình ảnh - hình ảnh về chính mình (self-image) và nâng niu gìn giữ hình ảnh đó, cho đó là cái “tôi” của mình.

Bất cứ ai hay bất cứ điều gì làm xấu đi hình ảnh đó đều khiến ta nổi nóng. Chúng ta sân si, đau khổ về chuyện làm thế nào để bảo vệ và nâng cao hình ảnh của bản thân trong con mắt của xã hội.

Tuy chỉ là ảo giác nhưng do chúng ta tin chắc là ngã có thật nên cái ngã này có tác động hết sức mạnh mẽ trong cuộc sống cá nhân.

Thậm chí ngã có thể “tiếm quyền” để trở thành phần cốt lõi trường tồn, tạo ra căn tính (identity) của một người hay một nhóm người.

Đó là nguồn gốc của thành kiến và bạo lực: Căn tính của một nhóm người hay thậm chí của cả một dân tộc được dựng lên để chiến đấu chống lại những căn tính khác.

Trong quá trình thác sinh, chuyển sang kiếp sống kế tiếp, thần thức (còn gọi là “thân trung ấm”) luôn luôn được dẫn đường và chi phối bởi nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp) của kiếp trước.

Tìm hiểu giáo lý nhà Phật về nghiệp, nghiệp lực và vong

Phật Giáo chia ra ba loại nghiệp: thân nghiệp (hành động cụ thể gây hại cho người khác); khẩu nghiệp (mở miệng nói xấu người khác, gian dối hai lời, đâm bị thóc chọc bị gạo, chửi bới người khác); ý nghiệp (ý tưởng, ý chí trong đầu mình muốn hại người khác).

Ví dụ một kẻ giết người hội tụ đủ ba loại nghiệp: nung nấu ý chí sát hại người khác, tìm kiếm vũ khí, chửi bới nhục mạ đối phương rồi cuối cùng ra tay sát hại người đó.

Nghiệp lực tạo ra ở kiếp này sẽ đẩy con người đi đâu? Ví dụ, như tạo ác nghiệp quá nhiều, nghiệp lực sẽ đẩy thần thức vào một trong sáu cõi luân hồi là địa ngục.

Sáu nẻo luân hồi gồm ba đường lên (cõi người, cõi atula - một dạng quỷ thần, và cõi trời), ba đường xuống (tam ác đạo - cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục).

Tuy nhiên, cuộc sống bản chất là lẫn lộn trắng đen, có thể gây ác nghiệp về phương diện này nhưng lại tạo phước đức cho những phương diện khác.

Một số người vẫn được đầu thai tiếp tục làm người sau khi thác sinh. Nhờ thiện nghiệp tích lũy trong kiếp trước họ có thể gặp may mắn, cuộc sống bình an, tài lộc dồi dào, nhưng vẫn phải trả nghiệp bất thiện do mình tạo ra như bị bệnh tật thường xuyên chẳng hạn.

Quá trình đại chúng hóa lời phật dậy bị biến tướng

Câu hỏi đặt ra là: Có vong hay không?

Theo đúng thuyết nhà Phật thì không. Như đã nói ở trên, theo Nam tông thì con người đầu thai ngay sau khi chết. Còn theo Bắc tông thì thần thức cũng chỉ tồn tại 49 ngày.

Khái niệm vong hiện nay xuất phát từ sự pha trộn giữa Phật giáo, tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo của Trung Quốc.

Theo Đạo giáo, con người được tạo nên bởi tinh, khí, thần. Những vị võ tướng hiển hách, có công với đất nước khi qua đời thì chỉ phần thể xác chết, phần tinh và phần thần vẫn còn tồn tại, được người dân thờ cúng.

Mặt khác, theo khái niệm dân gian, con người sau khi chết ba ngày khi lên đến Vọng Hương đài, nhìn lại gia đình mới biết mình đã chết.

Sau đó, linh hồn tiếp tục đi qua cầu. Cây cầu có 3 tầng: tầng cao nhất cho người nghiệp nhẹ, tầng chót cho người nghiệp nặng.

Những người nghiệp nặng đi tầng dưới sẽ bị thú dữ dưới sông kiểu thuồng luồng trồi lên ăn thịt. Còn người qua được sông thì sẽ đến gặp Mạnh Bà để ăn “cháo lú” nhằm quên đi tiền kiếp và đi đầu thai.

“Cháo lú” theo truyền thuyết là một chén đựng tất cả nước mắt mà chúng sinh đã khóc vì bao nỗi đau thương trong kiếp sống trước.

Nếu vì nguyện ước ba sinh hay một tình yêu quá mạnh mẽ đối với một cá nhân nào đó, một vong linh sẽ từ chối bát canh nước mắt này để chọn chờ đợi giờ phút trùng phùng với người yêu dấu trong cõi âm. Sự chờ đợi này có thể kéo dài đến hàng trăm năm.

Sự hoà trộn giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian tạo ra một khái niệm gọi là vong hay hương linh, linh hồn.

Vong là linh hồn tách rời khỏi thể xác nhưng chưa thể đầu thai kiếp khác. Hay chính xác là chưa được siêu thoát.

Như vậy, đến đây đã có thể xác quyết rằng trong giáo lý chính thống nhà Phật thì không tồn tại cái gọi là vong. Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn phủ nhận vong.

Chúng ta hay có câu hỏi: Sau khi chết thì “linh hồn” đi đâu? Đó là câu hỏi mà mọi tôn giáo đều cố gắng trả lời.

Các nhà khoa học, phần lớn là vô thần, không tin vào tôn giáo, thường phủ nhận câu hỏi này, cho đó là vô nghĩa, vì theo họ, chết là hết.

Theo Phật Giáo, khi con người chết đi, ngũ uẩn tan biến chỉ còn thần thức mà thôi. Nghiệp lực đẩy thần thức đi đâu thì thần thức đi đấy.

Vì thế, mục tiêu tối hậu của Phật giáo là triệt tiêu hoàn toàn sức mạnh của nghiệp, thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi (kể cả ba đường tốt), không còn tái sinh, không còn đầu thai, không còn trầm luân trong bể khổ từ kiếp này qua kiếp khác - tức là đến được Niết bàn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng “ngộ” được những điều cốt tuỷ này mà đa số chúng ta chỉ dừng ở mức cố gắng “hành thiện tích đức”, tránh tạo nghiệp xấu để không bị quả báo kiếp sau.

Vì thế, tăng ni khi truyền đạo cũng cần đại chúng hoá lời Phật dạy để cho người dân hiểu và đặt trọng tâm vào tránh nghiệp dữ, đừng tạo ra quả báo. Đó là thiện tâm, là ý định tốt của tăng ni và phần lớn trong số họ không có mục đích tư lợi.

Thế nhưng, rõ ràng quá trình truyền dạy đã bị một số người làm cho biến tướng. Ở đâu cũng có một bộ phận người lợi dụng niềm tin của dân chúng.