Cuộc sống gia đình thường bộn bề công việc, trong đó việc rửa bát gây căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng hơn so với tất cả các việc nhà khác.
Mỗi ngày, sự khó chịu cứ tích lũy dần dần. Những chiếc đĩa đầy dầu mỡ. Những chiếc bát được phủ một lớp nhớp nháp. Đũa, thìa, dao... tất cả mọi đồ nhà bếp đều bám bẩn và chất đầy trong bồn rửa.
Vào cuối một ngày dài làm việc, nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc con cái, các cặp vợ chồng thường phải đối mặt với câu hỏi lớn: Ai sẽ là người rửa bát?
Một báo cáo từ Hội đồng Gia đình Đương đại (CCF), một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về hạnh phúc gia đình, cho thấy đáp án của câu hỏi đó có thể tác động đáng kể tới mức độ gắn kết và thời gian tồn tại của mối quan hệ vợ chồng.
Nghiên cứu của CCF đánh giá một loạt việc nhà khác nhau bao gồm mua sắm, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa... để rồi tìm ra rằng với phụ nữ chia sẻ việc rửa bát với chồng quan trọng hơn bất kỳ công việc nào khác.
So với phụ nữ được chia sẻ việc rửa bát, các phụ nữ phải rửa bát hầu hết thời gian sẽ ít hài lòng với mối quan hệ và thậm chí dần dần sẽ giảm cảm xúc trong việc chăn gối với chồng.
So với bất kỳ việc nhà nào khác, phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi được chồng chia sẻ việc rửa bát.
Tại sao vậy? Theo Dan Carlson, trợ lý giáo sư chuyên nghiên cứu về gia đình và người tiêu dùng tại Đại học Utah, tác giả chính của nghiên cứu trên cho biết:
"Rửa bát là một công việc khó chịu. Thức ăn thừa nằm trong bồn rửa, lẫn vào bát đĩa. Ngoài ra, khác với những việc nhà khác như nấu ăn hoặc làm vườn, việc rửa bát thường không được những thành viên khác trong gia đình chú ý và khen ngợi nếu bạn làm tốt".
Các công việc gia đình kém phổ biến nhất, theo Carlson, thường có xu hướng do phụ nữ đảm nhiệm thường xuyên.
Theo truyền thống, phụ nữ phải gánh vác hoàn toàn trách nhiệm cho các công việc liên quan tới dọn dẹp những gì mọi người trong gia đình bỏ lại như: giặt giũ, dọn nhà vệ sinh, rửa bát đĩa.
Trong khi đó, đàn ông thường đảm nhiệm việc cắt cỏ, đổ rác, rửa xe, những việc không liên quan và không cần tiếp xúc với những thứ mà mọi người khác thải ra hàng ngày.
Ngày nay, những phụ nữ vẫn còn phải một mình gánh vác các công việc kể trên cảm thấy mình bị coi thường, bị đánh giấ thấp và dần dần có cảm giác oán giận chồng.
Thực tế, trong những năm qua, cánh đàn ông cũng đã quan tâm, chia sẻ việc rửa bát nhiều hơn với phụ nữ.
Trung bình hiện tại đàn ông làm việc nhà 4 tiếng mỗi tuần, tăng gấp đôi so với mức 2 tiếng vào năm 1965.
Theo báo cáo của CCF, từ năm 1999 tới năm 2006, tỷ lệ cặp vợ chồng chia sẻ việc rửa bát đã tăng từ 16% lên 29%.
Dẫu vậy, điều này lại khiến những người phụ nữ vẫn phải rửa bát hầu hết thời gian cảm thấy khó chịu hơn, tồi tệ hơn. "Thật tệ hại khi bạn vẫn phải một mình đảm nhiệm công việc đang ngày càng được chia sẻ nhiều hơn", Carlson nói.
Theo Carlson, những cặp vợ chồng chia sẻ nhiệm vụ rửa bát sẽ hạnh phúc hơn. Theo ông, không chỉ giúp người vợ bớt khó chịu, việc có thể rửa bát cùng với nhau sẽ giúp các cặp vợ chồng gắn kết hơn.
Khi các cặp vợ chồng làm việc nhà, họ thường phân chia theo hai cách. Họ có thể chia việc theo kiểu: anh nấu ăn, em rửa bát hoặc anh nấu và rửa thứ hai, em nấu và rửa thứ ba... Hoặc họ có thể cùng làm tất cả mọi việc với nhau.
Khác với các việc nhà khác, trong việc rửa bát các cặp vợ chồng có thể dễ dàng chia nhau những nhiệm vụ nhỏ: Anh rửa, em tráng hoặc em rửa anh cất lên tủ bếp...
"Tôi và vợ có thể đổ rác cùng với nhau, cọ nhà vệ sinh cùng với nhau nhưng chúng không mang lại nhiều ý nghĩa như rửa bát cùng nhau", Carlson nói. Bản chất của việc rửa bát buộc hai vợ chồng phải đứng cạnh nhau trong bếp và làm việc đồng thời cho tới khi xong việc.
Đó là một công việc làm theo nhóm và khi thực hiện thường xuyên với nhau nó sẽ giúp vợ chồng gắn kết với nhau nhiều hơn, sẵn sàng cùng nhau đối mặt với các thử thách cũng như có cử chỉ thân mật trong khi cùng nhau làm việc.