Bao phủ 71% bề mặt Trái Đất, đại dương và thế giới sâu thẳm của nó luôn ẩn chứa những bí mật khiến giới khoa học điên đầu giải mã.
Lịch sử hàng hải tràn ngập những câu chuyện về các vụ mất tích khó hiểu của tàu thuyền, máy bay, tàu ngầm và những tay lặn cừ khôi giữa dòng nước sâu xanh thẳm. Điểm chung của tất cả các vụ mất tích này là người ta không có bất cứ manh mối gì về họ!
100 cây số về phía Tây Bắc tính từ bán đảo Yucatan, là vị trí của Đảo của Bermeja, nếu nó có tồn tại. Sự tồn tại của hòn đảo huyền bí này đã được ghi lại trong rất nhiều bản đồ từ năm 1535 đến 1775.
Sau đó nó biến mất khỏi lịch sử và các ghi chép địa lý khi một đoàn thám hiểm đi tìm kiếm hòn đảo này mà không có bất kỳ kết quả nào.
Bermeja là một hòn đảo không có người sinh sống, nằm ở phía tây bắc bán đảo Yucatan (Mexico). Trong vài thế kỷ, hòn đảo nằm gọn trong vịnh Mexico này tọa lạc yên ổn tại 22°33' Bắc và 91°22' Đông. Khoảng thời gian sau đó, Bermeja biến mất trước sự ngỡ ngàng của người dân đất nước vùng Bắc Mỹ và trước sự khó hiểu giới hàng hải thế giới.
Trở về khoảng thời gian vào thế kỷ 16 và 17 khi những phát kiến địa lý vĩ đại của thế giới đều nhờ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tiên phong thực hiện, tên của hòn đảo Bermeja đã xuất hiện chính thức trong tập "El Yucatán e Islas Adyacentes"1 xuất bản ở Madrid năm 1539 của nhà bản đồ học người Tây Ban Nha Alonzo de Santa Cruz (1505 – 1567).
Vị trí chính xác của hòn đảo Bermeja được bổ sung bởi nhà bản đồ học người Tây Ban Nha Alonso de Chaves (1493 – 1587).
Trong suốt thế kỷ 16 và 17, Bermeja là cái tên quen thuộc trên bản đồ của các nhà vẽ bản đồ Tây Ban Nha cũng như các nhà thám hiểm trên thế giới. Giới thủy thủ không còn xa lạ gì với hòn đảo này mỗi khi giăng buồm tiến vào vùng biển của vịnh Mexcio.
Nếu ai đó nghi ngờ sự tồn tại của Bermeja thì sẽ phải thay đổi suy nghĩ bởi, trong thập niên 1970, hòn đảo này chính là cột mốc mà Mexico đưa ra để khoanh vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý (nơi không chỉ có nguồn hải sản phong phú mà còn chứa trữ lượng dầu mỏ lớn) của mình.
Năm 1857, Bermeja xuất hiện trở lại trên bản đồ của Mỹ, và mãi tới năm 1946, hòn đảo bí ẩn này mới được chính phủ Mexico đưa vào sách xuất bản, nhưng sự bí ẩn vẫn “ám ảnh” đảo Bermeja.
Mọi chuyện bắt đầu khó hiểu khi vào năm 1997, chính phủ Mexico quyết định chính thức thăm dò khu vực và tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với một trong các đảo của họ, nhưng rốt cuộc họ đã không tìm thấy gì tại vị trí mà đáng ra nó phải ở đó. Điều này làm tăng thêm sự bí ẩn cho hòn đảo.
Năm 2009, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), dưới sự đồng ý của Hạ viện Mexico, bắt tay vào thực hiện 3 cuộc tìm kiếm và nghiên cứu trên quy mô lớn. Các chuyên gia nước này điều động tàu thuyền, máy bay tìm kiếm tầm xa, trực thăng, vệ tinh... tìm kiếm hòn đảo Bermeja bất kể ngày đêm.
Tuy nhiên, sau bao nỗ lực, kết quả thu được là con số 0 tròn trĩnh. Tung tích cùng sự tồn tại của hòn đảo từng được ghi nhận hồi thế kỷ 16 đã biến mất không dấu vết!
Một hòn đảo rộng 80km2, tồn tại trên bản đồ trong 458 năm (tính từ năm 1539 được vẽ trên bản đồ đến năm 1997 mất tích), đã biến mất hoàn toàn không để lại chút dấu vết tạo nên một cú sốc lớn cho cả chính quyền và người dân Mexico.
Chưa kể, việc giới quân sự và các nhà khoa học đều đồng loạt "ra tay" lý giải nhưng cũng không mang về cho người dân nước này câu trả lời thỏa đáng càng khiến người ta lo lắng và đồn thổi.
Sau cuộc tìm kiếm không thành công này, hàng chục tin đồn và thuyết âm mưu liên quan đến hòn đảo bắt đầu xuất hiện, tất cả số đó đều có một điểm chung: Dầu mỏ. Sự bí ẩn gia tăng khi một số công ty dầu của Mỹ đã bắt đầu khoan dầu gần vùng biên giới với Mexico để tìm vàng đen.
Bên cạnh những yếu tố hoang đường được đưa ra, giả thuyết liên quan đến hòn đảo Bermeja vẫn có một phần là sự thật. Một chính trị gia Mexico là Thượng nghị sỹ José Angel Conchello, báo cáo rằng Bermeja đã tự ý biến mất. Sau tuyên bố này, Thượng nghị sỹ Angel Conchello qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi bí ẩn.
Trong năm 2000, khi các khu vực hàng hải của Mexico và Hoa Kỳ đã được phân định, người ta không còn nghe thấy những giả định về sự tồn tại của hòn đảo Bermjea nữa.
Tuy nhiên, thực tế là hòn đảo từng xuất hiện trong rất nhiều văn thư chính thức của cả Mexico và Hoa Kỳ. Một số người tin rằng ngày nay hòn đảo không tồn tại vì CIA đã phá hủy hòn đảo này để mở rộng vùng kinh tế cho Hoa Kỳ.
Hòn đảo là một vấn đề rất quan trọng vì sự tồn tại hay không tồn tại của nó là một yếu tố quyết định giúp xác định ranh giới hợp pháp cho việc khai thác dầu ở vùng ‘Trũng bánh Donut’ (Doughnut Holes) ở Vịnh Mexico
theo Helino