Trong quá trình trưởng thành của con cái, vai trò của người mẹ là quan trọng hơn cả. Bởi sự chăm sóc và bầu bạn của mẹ đối với con là nhiều nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Tuy nhiên, nếu người mẹ thuộc một trong ba kiểu dưới đây, dù cho họ có hy sinh nhiều hơn nữa, con cái cũng khó có thể cảm kích. Thậm chí, cách yêu thương lệch lạc của những người mẹ này còn tạo thành rào cản đối với tiền đồ của con trẻ.
Người mẹ việc gì cũng làm thay con
Giờ đây, con cái trong mỗi gia đình đều được coi như trân bảo trong tay cha mẹ. Thậm chí có nhiều phụ huynh còn thay con cơm bưng nước rót, việc gì liên quan tới trẻ cũng đều tìm cách chen chân, nhúng tay vì sợ con mình bị thiệt thòi.
Những người mẹ việc gì cũng thay con làm hết chính là một kiểu phụ huynh như vậy. Họ luôn quan tâm thái quá, bảo vệ quá đà, việc gì có thể làm thay con đều sẽ ra tay, dù tận tâm tới mức khiến chính mình mỏi mệt cũng quyết không lơ là.
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của kiểu mẹ này là luôn tìm cách làm hộ con ngay từ những việc nhỏ nhất như xới cơm, gắp thức ăn, xách cặp, cất dép…
Có đôi khi, con trẻ chỉ ra ngoài chơi một lúc, những người mẹ này cũng vô cùng lo lắng, liên tục gọi điện thoại khắp nơi để hỏi han.
Họ đều thừa nhận rằng, việc chăm lo mọi điều trong sinh hoạt của con khiến họ cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên, khi được người khác khuyên nhủ hãy để con tự giác, những người mẹ ấy đều vin vào lý do "con còn nhỏ", "không yên tâm"…
Hầu hết những vị phụ huynh này đều cho rằng, sự chăm lo của họ sẽ khiến con cái có được những phút giây thư thái.
Nhưng thực tế, cách quan tâm lệch lạc và quá đà thế này chỉ khiến con trẻ trở nên yếu ớt, vô dụng, phụ thuộc.
Nếu không cho thế hệ sau của chúng ta chịu khổ từ sớm, sau này xã hội sẽ khiến các em càng thêm khổ sở.
Khi đã bước chân ra cuộc đời, muôn vàn khó khăn đang chờ đón các em ngoài kia càng chông gai hơn nhiều so với những thử thách trong gia đình, trường học.
Lúc bấy giờ, ngay tới những người mẹ tưởng như "vạn năng" cũng không có cách nào gánh vác, san sẻ tất cả cho con mình.
Nếu không học cách tự lập từ sớm, chẳng mấy chốc con trẻ sẽ bị cuộc đời vùi dập tới mức không thể gượng dậy.
Vì thế, ngay từ nhỏ, hãy để con em của chúng ta rèn luyện năng lực tự lập và khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập.
Thay vì làm hộ con tất cả mọi việc, hãy hướng dẫn bé cách đảm đương những việc trong khả năng của các em.
Khi con trẻ đã hình thành thói quen tự túc, phụ huynh cũng có cơ hội nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống ung dung, tự tại.
Người mẹ thích so sánh, ganh đua
Trong mắt những người mẹ có thói quen so sánh, ganh đua, con cái của họ đều phải trở nên giỏi giang, xuất chúng, hay ít nhất cũng phải bằng bạn bằng bè.
Chỉ cần các bé xuất hiện trước mắt, họ sẽ biến thành những bà mẹ theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ, ôm mộng tưởng không thực tế đối với tiền đồ của con mình.
Tâm trí của những người mẹ ấy luôn tồn tại một nhân vật vô cùng phi thường mang tên "con nhà người ta". Đứa bé hoàn mỹ ấy không thích chơi đùa, chẳng hề nghịch ngợm, chỉ chăm chăm học tập, thi cử luôn đứng hạng nhất, hơn nữa tật xấu nào cũng không có.
Câu cửa miệng thường thấy nhất của những bà mẹ thuộc kiểu này chính là: "Con nhìn con nhà người ta xem…"; "Con nhà người ta so với con…". Trong mắt họ, con cái của mình vĩnh viễn chẳng tốt bằng con người ngoài.
Cũng vì suy nghĩ thâm căn cố đế ấy, mà những người mẹ kiểu này luôn tìm cách ép con vào vòng xoáy ganh đua cho bằng bạn bằng bè.
Nếu thấy con của đồng nghiệp đi học thêm, họ sẽ tìm cách ép con mình đi học bổ túc bằng được.
Khi thấy con nhà hàng xóm học dương cầm, họ sẽ không chịu được thua kém, mua ngay một chiếc đàn về nhà, không quan tâm việc con mình có thích hay không, tối ngày bắt trẻ luyện tập.
Tất cả những ganh đua, so sánh, ép uổng ấy chỉ đem lại đả kích cho con trẻ, khiến các em mất đi sự tự tin, thậm chí thực sự trở thành những người thua kém, vô dụng.
Thay vì lôi con trẻ vào vòng xoáy ganh đua chỉ nhằm mục đích thể hiện, hãy tìm cách để các em phát huy tiềm năng của mình dựa trên nguyện vọng và sở thích.
Khi con cái tiến bộ, bạn nên tích cực khen ngợi, đồng thời tạo điều kiện cho con cố gắng, phấn đấu một cách tự nhiên. Sự khích lệ tinh tế, đúng lúc, đúng chỗ như vậy sẽ khiến thế hệ sau của chúng ta càng trở nên ưu tú.
Người mẹ hy sinh quá nhiều
Người mẹ kiểu này còn bị coi là "người hầu của con cái". Vì con mình, họ sẵn sàng buông bỏ tất cả, thậm chí còn chẳng dành chút thời gian nào cho chính mình.
Những bà mẹ này sẵn lòng vì con cái mà từ bỏ công việc mình yêu thích, từ chối mọi cuộc tụ họp, tự biến mình trở thành vệ tinh xoay quanh các bé 24/24.
Họ cho rằng, chỉ toàn tâm toàn ý chăm nom con trẻ như vậy mới được coi là một người mẹ tốt. Nhưng sự thực lại hoàn toàn khác xa quan điểm cực đoan ấy.
Những người mẹ hy sinh quá nhiều sẽ khiến con cái nảy sinh cảm giác áy náy, khiến tình cảm mẹ con càng thêm xa cách.
Chưa dừng lại ở đó, nếu người mẹ thường xuyên lấy lý do vất vả chăm con để than phiền, mắng mỏ, cáu gắt, bầu không khí gia đình sẽ bị ảnh hưởng, mối quan hệ vợ chồng cũng có nguy cơ rạn nứt.
Quan tâm tới con cái chưa bao giờ là điều sai trái. Nhưng quan tâm một cách lệch lạc và thái quá không chỉ khiến bản thân người làm mẹ mệt mỏi, thậm chí còn có khả năng ảnh hưởng tới nhân cách, tiền đồ của con trẻ.
Vì vậy, dù làm mẹ là trách nhiệm cao cả, nhưng chúng ta cũng nên học cách cân bằng giữa con cái và công việc.
Để giảm tải áp lực cho bản thân, người phụ nữ trong gia đình có thể san sẻ công việc chăm lo cho con cái với chồng hoặc người thân.
Duy trì thời gian nghỉ ngơi, giải trí cố định sẽ giúp cuộc sống của các bà mẹ bớt đi nhiều lo âu, bất mãn.
Lời kết
Những ai đang làm mẹ và tương lai sẽ làm mẹ, trong việc nuôi dậy con trẻ nếu thấy có bóng dáng mình trong 3 trường hợp trên thì cũng nên xem xét lại bản thân từ đó có được những suy nghĩ đúng đắn và sự quan tâm đúng mực với con trể giúp con trẻ hoàn thiện nhân cách giúp đạt được tiền đồ tốt trong cuộc sống.