Chúng ta sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về làm cát bụi - vậy bụi là cái gì

Trong bài hát "Cát bụi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi". Nếu hiểu câu này theo nghĩa đen, thì có nghĩa rằng bản thân cuộc đời của tất cả chúng ta sẽ là một vòng tuần hoàn, đi từ hạt bụi và kết thúc cũng là hạt bụi.

Nhưng rốt cuộc, bụi là gì? Bạn nghĩ mình đã hiểu được những gì về bụi? Câu trả lời là chẳng được bao nhiêu đâu.

Hãy bắt đầu hành trình khám phá thế giới bụi của chúng ta với cậu bạn mạt bụi nhà Dermatophagoides farinae. Đây là một loài có cùng họ hàng với nhện, nhưng bé xíu, cả cơ thể chỉ dài 1/4 mm bằng đầu chiếc đinh ghim. Mạt nhà ta hoàn toàn mù nhưng lại được trời phú cho khứu giác cực nhạy để kiếm chỗ ẩn náu và đẻ trứng.

Nhưng tại sao chúng ta lại nhắc đến loài vật này? Đơn giản là vì toàn bộ thế giới của mạt bụi là dưới tấm ga giường đầy bụi bẩn, hoặc trong nhúm bụi nào đó bị lãng quên ở góc nhà. Tóm lại, chúng sống trong bụi.

Chúng ta sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về làm cát bụi - vậy bụi là cái gì

Nhưng bụi là gì? Soi vào sâu hơn một tý, thì một nhúm bụi thực chất chứa cả một thế giới đầy sắc màu. Tuy nhiên mọi thứ đã trộn lẫn vào nhau thành màu xám xịt dưới mắt nhìn của chúng ta.

Thành phần của bụi là hỗn hợp rất nhiều mảnh nhỏ với xuất xứ từ khắp mọi nơi. Chúng có thể là cát, tế bào da chết, lông tóc, phấn hoa, thậm chí là... gàu, và dĩ nhiên là cả lũ mạt bụi nói trên.

Trong đó, tế bào da chết là một thành phần chiếm rất nhiều trong bụi. Như ở người, da chết xuất hiện liên tục, nên ở bất kỳ nơi nào có người thì cũng có da chết thải ra. Chúng kết hợp cùng lông tóc, vụn vải... và trở thành "bụi nhà".

Nêu vậy để thấy rằng bụi không phải ở đâu cũng giống nhau. Từng môi trường sống sẽ có các thành phần vật chất độc nhất, tạo ra các nhúm bụi riêng biệt.

Nhưng không chỉ vậy, đôi khi bụi ở nơi này lại chứa vật chất ở một nơi khác, lại ở khoảng cách rất xa. Chúng được mang đến bởi gió, hoặc nhờ quá trình di cư của động vật.

Những hoạt động công nghiệp của con người cũng đóng góp đáng kể vào thành phần bụi. Nhờ thế mà bụi có thể chứa bột xi măng, cao su tróc từ lốp xe, và các hóa chất khác lơ lửng trong không khí...

Sự tổ hợp của các thành phần trong bụi có thể được dùng như một dạng "vân tay" địa lý. Ví dụ, ở Tây Ban Nha là nơi có trữ lượng lớn khoáng vật canxi cacbonat, thì bụi ở quốc gia này có lượng khoáng chất này nhiều gấp 20 lần bụi ở Nigeria, vốn có tính chất địa lý khác biệt.

Hay sau các trận bão lớn, các nhà khoa học đã thu thập được thành phần bụi đặc trưng của sa mạc Sahara tại London, nơi cách xa cả ngàn cây số.

Nhờ các thiết bị hiện đại, giờ đây chúng ta còn có thể xác định sự khác nhau trong bụi của từng ngôi nhà, và điều này có thể giúp ích rất lớn cho các chuyên gia pháp y.

Không những là một chỉ dấu đơn thuần ở Trái đất, bụi còn chứa các thành phần đến từ khoảng không vũ trụ. Khi một ngôi sao phát nổ, khí ga siêu nóng làm bốc hơi mọi thứ xung quanh, sau đó bụi được hình thành khi vật chất bắt đầu ngưng tụ lại.

Chúng cứ trôi nổi giữa các vì sao và thiên hà, mang theo vật chất của những ngôi sao đã chết, và rồi lại đóng vai trò là các viên gạch tạo nên những thiên thể mới.

Mỗi năm có hàng chục ngàn tấn bụi vũ trụ rơi xuống Trái đất, trộn lẫn với các vật chất sẵn có, tạo thành hỗn hợp bụi lơ lửng quanh mỗi ngôi nhà của chúng ta.

Mọi vận động quanh ta như sự phát nổ một ngôi sao, xói mòn đất đai, quá trình thoái hóa của các tòa nhà, sinh vật, và thậm chí cả con người dù nhanh hay chậm thì rốt cuộc đều biến tất cả trở về cát bụi.

Nhưng rồi từ chúng mà cuộc sống mới lại hình thành. Biết đâu được Trái đất đầy sự sống chúng ta biết ngày nay lại khởi đầu từ những hạt bụi mang thành phần hữu cơ đến từ một không gian xa xăm nào đấy ngoài kia!

Bụi là gì?


Bụi là hỗn hợp rất nhiều mảnh nhỏ có đường kính nhỏ cỡ vài micromet đến nửa milimet, có xuất xứ từ khắp mọi nơi - từ vũ trụ, Trái đất.

Chúng có thể là cát, tế bào da chết, lông tóc, phấn hoa, thậm chí là... gàu, và dĩ nhiên là cả lũ mạt bụi ở gầm giường nữa.