Chúng ta hãy cùng đọc và suy ngẫm một bài học đầy ý nghĩa mà người mẹ dành cho con mình qua bát mỳ trứng chị nấu cho con.
Một bữa trưa, mẹ nấu 2 bát mỳ trứng gà rất ngon, một bát có trứng để trên mỳ, một bát không nhìn thấy trứng bên trên. Đặt 2 bát mỳ lên bàn, người mẹ hỏi con trai: "Con muốn ăn bát nào?"
"Bát có trứng ạ." Cậu bé chỉ vào bát mỳ trứng nói.
Mẹ cậu hỏi: "Con không nhường cho mẹ sao? Con nhớ câu chuyện Khổng Dung nhường lê mà mẹ đã kể cho con nghe không? Người ta 7 tuổi đã biết nhường lê, con 10 tuổi rồi đấy."
Cậu con trai không đồng ý nói: "Khổng Dung là Khổng Dung, con là con, con không nhường."
Mẹ cậu lại hỏi dò: "Con không nhường thật sao?"
Cậu bé trả lời dứt khoát: "Thật ạ.", rồi cắn ngay nửa miếng trứng thể hiện rằng bát mỳ này là của mình.
"Con không hối hận chứ?" Chị hết sức ngạc nhiên trước hành động của con mình nhưng vẫn nhẫn nại hỏi lại lần cuối.
"Không ạ." Và để thể hiện quyết tâm không thể lay chuyển của mình, cậu ta ăn luôn nửa miếng trứng còn lại.
Lặng lẽ nhìn con ăn xong bát mỳ, người mẹ quay sang bắt đầu ăn bát mỳ không có trứng của mình. Tuy nhiên, mẹ cậu bé đã giấu 2 quả trứng bên dưới mỳ. Lúc này chị cố ý gạt mỳ ra để con trai nhìn thấy rõ.
Người mẹ chỉ vào 2 quả trứng trong bát, dạy con rằng: "Con hãy nhớ. Người nào muốn chiếm lợi trước mắt, sẽ không bao giờ có được lợi ích to lớn hơn ở đằng sau."
Cậu bé cúi mặt xấu hổ.
Một buổi sáng ngày nghỉ, mẹ lại nấu 2 bát mỳ. Cũng như lần trước, một bát thấy rõ trứng trên bề mặt, một bát không có trứng. Chị thản nhiên hỏi: "Con muốn ăn bát nào?"
"Con đã 10 tuổi rồi. Con phải biết nhường bát mỳ có trứng cho mẹ ăn." Cậu bé nói, rồi bê bát mỳ không có trứng lại chỗ mình.
"Con không hối hận chứ?" Người mẹ hỏi. "Không ạ." Cậu con trai trả lời kiên quyết, rồi cậu ăn thật nhanh nhưng ăn hết cả bát mỳ cũng chẳng thấy trứng đâu.
Mẹ cậu bê bát mỳ có trứng còn lại lên ăn. Khi mẹ ăn, cậu ta thấy trên bề mặt có một quả trứng, không ngờ dưới mỳ còn có một quả trứng nữa.
Người mẹ chỉ vào quả trứng nói: "Con hãy nhớ. Người muốn chiếm lợi về mình có thể sẽ phải chịu thiệt nhiều hơn."
Vài tháng sau, tình huống vẫn như vậy. Mẹ lại hỏi con trai: "Con muốn ăn bát nào?"
"Khổng Dung nhường lê, con trai nhường mỳ. Mẹ là bậc bề trên, mẹ chọn trước đi ạ."
"Vậy mẹ không khách sáo nhé."
Quả nhiên chị thật sự không hề khách sáo bê ngay bát mỳ có trứng. Con chị điềm tĩnh bê bát mỳ không trứng lại ăn.
Ăn một lát thì cậu thấy trong bát mỳ của mình cũng có giấu trứng. Người mẹ ý tứ sâu xa nói với con trai: "Người không muốn chiếm lợi, cuộc sống sẽ không để họ phải chịu thiệt thòi."
Chúng ta thường dạy con phải thông minh nhìn nhận sự việc, xác định rõ cái được cái mất. Nhưng thông minh quá nhiều khi lại phản tác dụng hoặc là có kẻ rình sau chờ hưởng lợi, nên việc giành được cái lợi trước mắt có thể khiến mình phải chịu tổn thất.
Trong cuộc sống, nếu có thể thường xuyên nhắc nhở con, dạy dỗ con nguyên tắc đối nhân xử thế lương thiện thì sau này, bất kể ở trường học hay ngoài xã hội, con bạn càng có khả năng cạnh tranh ổn định hơn.