Những điều cần biết khi ăn cua đồng

Cua đồng là món ăn dân dã, giàu dinh dưỡng được nhiều bà nội trợ lựa chọn cho bữa ăn hằng ngày.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, bạn cần lưu ý những điều sau khi mua và chế biến món ăn này.

Cua đồng là thực phẩm rất giàu omega-3, có thể giúp giảm huyết áp và các bệnh liên quan đến tim mạch, giảm được các chứng viêm. Bên cạnh đó, omega-3 còn giúp hệ thống hoạt động tốt hơn.

Trong cua đồng còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe khác. Với 100g thịt cua có chứa 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin...

Đặc biệt, mai cua có nhiều chất chitin. Đây là công bố do viện Dược liệu (Bộ Y tế) trên sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo dân gian, cua chứa nhiều canxi có thể giúp trẻ nhỏ cứng cáp, giải độc và có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể. Không chỉ vậy, cua còn có thể giúp ngăn ngừa ung thư.

Những điều cần biết khi ăn cua đồng

Tuy nhiên, để cua là món ăn giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe, bạn cần lưu ý 8 điều sau:

Không ăn cua đã chết

Trong thịt cua đã chết có chứa thành phần hóa học histidine, có thể gây độc khiến người ăn phải bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Cua càng chết lâu, lượng histidine càng nhiều càng dễ ngộ độc hơn.

Ngoài chợ cua xay sẵn không thể tránh trường hợp người bán xay cả cua đã chết. Vì vậy, là một bà nội trợ thông minh, khi đi chợ bạn nên chọn cua còn sống rồi chờ họ rửa sạch và xay. Nên chọn những con cua đồng còn sống, cua cái chắc thịt hơn. Cua ngon là cua cái to khoảng ngón chân cái. Đừng nên chọn cua cái đang đẻ và cua quá non vì nước cua non sẽ bị hôi.

Không ăn cua chưa nấu chín

Nhiều người cho rằng, cua đồng rửa sạch giã lấy nước uống khi còn sống sẽ giúp cơ thể dẻo dai, mạnh xương cốt. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Sự thật là trong thịt cua còn sóng có chứa nang trùng (đỉa phổi), nếu ăn phải sẽ rất dễ xâm nhập vào cơ thể bạn, vào phổi, lên não dẫn tới ho ra máu, co giật và bại liệt.

Không ăn đi ăn lại

Nhiều người sau khi chế biến ăn không hết thường nấu đi nấu lại để ăn bữa sau. Đây là điều không nên làm. Thịt cua có chứa rất nhiều đạm cũng như các dưỡng chất khác, bạn để ngoài môi trường sẽ dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng và gây ôi thiu... Trong tiết trời mùa hè hay đang chuyển mùa, việc nấu lại cua không những làm mất đi nhiều dinh dưỡng mà còn có thể làm thịt cua bị biến chất, gây độc.

Không uống trà, ăn hồng gần với thời gian ăn cua

Trong thịt cua chứa rất nhiều protein còn trong nước trà và hồng lại chứa tanin. Khi tanin và protein kết hợp có thể gây kết tủa tạo ra các triệu chứng lợm giọng, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy...
Vì vậy, trong và sau khi ăn cua khoảng 1 tiếng, bạn không nên uống nước trà hoặc ăn hồng để đảm bảo sức khỏe.

Không nên ăn cua khi đang mang thai

Phụ nữ mới mang thai 3 tháng đầu hay thai nhi yếu tuyệt đối không ăn cua đồng. Nguyên do là trong cua đồng có chứa tính độc không tốt cho sự phát triển của trẻ. Ngoài ra do thịt cua có tính hàn dễ gây đau bụng, đặc biệt là công năng phá thai cũng gần giống như một khối u trong cơ thể, nếu ăn cua đồng sẽ dễ bị sảy thai hoặc sinh non.

Không ăn cua khi bị cảm lạnh, tiêu chảy

Người bị cảm lạnh, sốt, đau dạ dày hoặc những người bị tiêu chảy không nên ăn cua vì cua có tính hàn lạnh dễ khiến bệnh nặng hơn. Ngoài ra, trong gạch cua còn chứa hàm lượng cholesterol cao, không tốt cho những người mắc bệnh huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh mỡ trong máu. Ngoài ra, người bị dị ứng cũng cần hết sức cẩn trọng khi ăn cua.

Không ăn cua khi bị dị ứng

Theo dân gian, những người dễ bị mẩn ngứa, mề đay nên hạn chế đồ tanh, đặc biệt khi bạn đang bị dị ứng, tuyệt đối không nên ăn cua.

Không ăn cua khi bị bệnh gout

Hàm lượng protein trong cua đồng rất cao, điều này khiến bệnh gout chuyển biến trầm trọng thêm. Ngoài ra, tính hàn của cua làm cho những chỗ sưng bị bệnh, dễ bị nhiễm lạnh, phát bệnh gây đau nhức, sưng tấy. Vì vậy, người bị bệnh gout tuyệt đối không ăn cua.