Để cá cắn câu nhanh đòi hỏi người câu phải am hiểu về giống cá mình đang câu, chọn cần phù hợp với từng địa điểm, từng loại cá,.. trong đó mồi cầu và chất dẫn dụ là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của buổi câu cá.
Dưới đây là một số kiến thức cơ bản để buổi đi câu cá đạt hiệu quả cao và thành công như mong đợi và đúng quy trình.
1. Lựa chọn thời điểm:
a. Thời tiết:
– Khi trời mưa to gió lớn, cá thường trốn tránh, không dám kiếm ăn. Những ngày nắng gắt, do ánh sáng chiếu gay gắt, cá cũng không ra tìm mồi. Mùa xuân là lúc cá thường nổi lên mặt nước, vì thế dễ dàng bị mắc câu.
– Nhất chạng vạng (tối) – Nhì rạng đông (sáng)…Câu cá gì cũng thế…
Như vậy vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát đặc biệt là sau cơn mưa, trời hửng sáng, không khí mát mẻ, là thời điểm tốt nhất để câu được nhiều cá.
b. Con nước:
– Nếu câu sông thì nên câu vào những ngày nước kém (từ ngày mùng 5 đến 12 và từ ngày 20 – 28 âm lịch).
– Nếu câu ở ao, hồ thì nên câu vào ngày nước lớn (những ngày còn lại trong tháng), nước vừa lên câu là tôt nhất sẽ có nhiều cá lớn.
2. Lựa chọn chỗ câu:
a. Địa điểm:
– Câu đùng thì ta ngồi ngay cống lấy nước của đùng, khi nước lên, cá theo con nước chảy qua cống.
– Câu sông thì nên ngồi ở những chỗ có bờ kè, bờ đá, cây cọc, bụi rậm, ở những chỗ có vật cản cá tập trung nhiều.
– Câu biển thì đi vào ban đêm, buông cần ở những nơi có cọc đóng đáy, có rạn đá. b. Mặt nước:
Nên chọn mặt nước có gợn sóng, luôn sủi bong bóng sẽ có nhiều cá, mặt nước có bóng người, bóng cần câu, cá sẽ sợ không ăn mồi.
3. Chọn cần câu:
– Câu sông thì chọn cần khoảng từ 1,6 đến 3m, câu biển thì có chiều dài từ 3,2m đến 4,5m.
– Câu cá lớn thì sử dụng cần lớn, câu cá nhỏ sử dụng cần nhỏ.
– Câu cá rô, cá phi thì nên chọn cần trúc có độ dẻo cao. Câu cá lóc, cá chép, cá trê, cá tra…thì nên chọn cần lớn, chịu lực khỏe.
– Cần câu cá phải thật nhạy, để sao cho khi cá vào ăn mồi, rung phao, ta có thể biết chính xác 100 % khi nào cá đang nhấm thử, khi nào cá đã ngậm mồi, để có cú đóng chuẩn xác, dính cá.
4. Chọn lưỡi câu, phao câu, chì câu, dây câu:
– Có rất nhiều loại lưỡi câu lớn nhỏ khác nhau, mỗi loại phù hợp cho một loại cá như lưỡi mỏ ó dùng câu cá chẽm, lưỡi 3 ngạnh dùng câu cá dứa, các loại lưỡi nhỏ để câu cá bống, cá đục, cá rô.
– Có 2 loại phao là phao mủ, phao xốp, nếu ai đi câu đêm thì phải có thêm phao đèn cột ở ngọn cần câu. Tùy loại cá mà câu có phao hay không. Các giống cá ăn mồi nổi như cá chẽm, cá nhồng thịt, nhồng măng thì nên câu bằng phao.
– Chì câu có các loại như chì neo để đi câu biển, chì tròn dùng khi nước chảy mạnh, chì vuông, chì nhọn tùy loài cá và vùng nước mà lựa chọn loại chì phù hợp.
– Dây câu: Câu cá nhỏ thì nên dùng đây cước, câu cá lớn thì dùng dây dù.
5. Tập tính ăn mồi của cá:
Các loài cá khác nhau có tập tính ăn nhanh hay chậm khác nhau nên biết được tập tính ăn của loài cá muốn câu để lựa chọn mồi, kỹ thuật câu phù hợp là yếu tố góp phần tạo nên thành công của chuyến đi câu.
6. Mồi câu:
Để câu cá trở thành nghệ thuật ngoài các yếu tố trên thì mồi câu đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ có mồi ngon là đủ. Mỗi loại cá, mỗi điểm câu có công thức làm mồi khác nhau.
– Thông thường mồi có 2 dạng là mồi tự nhiên và mồi tự chế biến. Câu ở hồ, ao thì dùng mồi tự chế biến như thức ăn công nghiệp, khoai, chuối…
Câu sông,câu biển thì dùng mồi thiên nhiên là tôm, trùn, dế, ốc…
– Những loài cá ăn nổi như chép, rô phi hay cá chày thích ăn những loại như tôm hay mồi chuối.
Và những loại ăn chìm dưới đáy như lăng ngạnh, nheo… thích ăn mồi tôm hay những loại mồi giả.
– Đối với cá có thói quen rỉa mồi nên chọn thức ăn có độ dai, không bị mềm và rã ra khi gặp nước...
Do đó cần phải xác định mình sẽ câu loại cá gì để mắc loại mồi câu phù hợp.
Để chuyến đi câu thành công đòi hỏi phải kết hợp nhiều yếu tố trong đó điều quan trọng nhất thu hút được cá cắn câu đó chính mồi và nhậy(chất dẫn dụ).
7. Nhìn phao đoán cá
Sau khi buông câu thấy phao động đậy là cá vào ăn mồi hoặc cá lượn lờ va vào dây câu.Có thể xẩy ra các trường hợp sau đây:
- Thấy phao động đậy nhẹ là biết cá đang ăn mồi nhưng ngậm chưa sâu.
- Thấy phao bị kéo trượt một khoản ngắn rồi ngay sau đó lại trở về nằm im ở chỗ cũ là biết cá đã tha mồi nhưng rồi chê không ăn.
- Thấy phao nhấp nhẹ lên xuống vài ba cái rồi nhưng sau đó lại nhấp nhẹ, đó là cá nhỏ đang đến rỉa mồi.
- Thấy phao chìm nhanh một cách đột ngột là biết cá lớn hay cá con quá đói đang vồ vập miếng mồi.
- Hễ thấy phao chạy theo chiều nào thì ta giật cần theo chiều ngược lại là lưỡi câu sẽ ghim vào miệng cá.
- Hễ thấy phao chìm nhanh đột ngột thì không nên chần chừ, mà phải giật nhanh theo chiều thẳng đứng.
- Nếu thấy phao bị kéo trượt một khoảng ngắn rồi ngưng, nếu giật cần cũng chỉ là cầu may vì con cá đó chỉ ngậm sơ miếng mồi rồi nhả.