Hướng dẫn cách thuần hóa chim họa mi mộc

Chim họa mi nổi tiếng là loài chim khó thuần, đặc biệt đối với họa mi mộc hay còn gọi là mi bổi thì việc thuần hóa chúng là một việc khó khăn đòi hỏi tính kiên trì và thời gian.

Nhưng nếu như bạn thành công thì chắc chắn rằng kết qua sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng hài lòng.

Dưới đây xin chia sẻ với bạn cách nuôi chim họa mi mộc - mi bổi, đặc biệt lưu ý với loại chim này bạn cần nhiều thời gian và không thể thiếu lòng kiên trì cùng kiến thức thuần dưỡng mi.

Cách chọn mua mi mộc


Chim họa mi mộc là những chú chim mới được đưa từ rừng về, chúng đã có một thời gian dài sinh sống và trưởng thành với môi trường tự do của rừng núi.

Chúng chưa bao giờ tiếp xúc với con người, vì vậy khi mới được đưa về, chim họa mi bổi rất hoảng sợ và nhút nhát.

Khi bạn đi mua mi mộc nên chọn theo mấy tiêu chí sau: Già rừng, ganh chim, dữ chim, bóng bộ đẹp, không lỗi hình…
Hướng dẫn cách thuần hóa chim họa mi mộc

Kinh nghiệm thuần dưỡng mi mộc


Vấn đề lồng nhốt

Sau khi đưa chim về bạn chuẩn bị chiếc lồng phù hợp để thuần hóa chim họa mi mộc. Chiếc lồng này chỉ nên nhỏ nhắn vừa để cho chim có thể xoay người, có thể sử dụng loại lồng thổ dân tộc hoặc mẫu lồng giả côn minh size 30 -32-34.

Vì như đã nói ở trên, chim bổi rất hoảng loạn và sợ hãi nên thục rất mạnh để tìm đường ra, dùng lồng kích thước nhỏ để hạn chế chim nhảy loạn xạ, gây toác mỏ, gãy cánh, toác đầu hoặc có thể tử vong.

Kinh nghiệm được chia sẻ là: ở giai đoạn đầu này, người nuôi nên phủ áo lồng và treo chim ở nơi yên tĩnh hạn chế tiếp xúc với con người. Tùy theo tính cách của từng con chim bạn có thể để hé lồng ít hay nhiều.

Lồng nhốt mi mộc được che kín 5 mặt. Khi cho chim vào lồng ép môc cần đặt lồng chim nơi thoáng mát, cách vị trí người qua lại tầm 2m và để chim ở tư thế chủ động quan sát người qua lại, không để chim quan sát thụ động gây giật mình.

Khi chim ở lồng ép mộc đơn này thì hiệu quả đó là chim cảm thấy rất an tâm vì bên hông và phía sau được che kín bảo vệ chim chỉ đề thoáng mặt trước.

Vấn đề thức ăn cho chim mi mộc

Thức ăn cho chim, với cách nuôi họa mi mộc, bạn nên cho chim ăn những thức ăn tự nhiên vốn quen thuộc mà chúng hay ăn khi sống trong tự nhiên hoang dã như côn trùng, dế, sâu, cào cào.. bởi vì họa mi là giống ương ngạnh, chúng thà chịu đói chịu khát rồi chết chứ không chịu tới cóng để ăn tấm rang trộn trứng.

Dần dần sau một thời gian người nuôi nên tập cho chim họa mi ăn cám, gạo hay trứng gà; Chỉ nên hé lồng nhỏ xíu đủ cho chim ăn và tập cho chúng quen với chủ, và thói quen khi chủ tới là chúng có thức ăn. Kiên trì khoảng 6 tháng tới 1 năm thì chim họa mi bổi sẽ dạn hơn.

Sử dụng chim mi cái giúp mi mộc nhanh ổn định tinh thần và thấy yêu cuộc sống hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một con chim họa mi mái đã được thuần để “ấp” chim đực hoặc ngược lại, để cho chim bổi bớt hoảng sợ trong giai đoạn đầu.

Cách “ốp đực” rất đơn giản, bạn chỉ cần treo chim mái đã được thuần cạnh chim đực hay ngược lại, mở hé lồng chim để chúng nhìn thấy nhau.

Theo độ hấp dẫn và thu hút của loài giống, sẽ khiến cho chim họa mi bổi quên hoảng sợ, nhanh được thuần và nhanh quen với cuộc sống trong lồng hơn.

Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên dùng chim họa mi đực đã được thuần với chim họa mi đực bổi bởi vì chim họa mi là loài có tính hiếu thắng, ganh đua và cạnh tranh nhau, phân chia địa bàn trong tự nhiên, vì thế dùng chim họa mi đực thuần bởi đực bổi sẽ bị phản tác dụng.

Công việc kế tiếp cần làm

Nếu như ở giai đoạn ban đầu, người chủ nuôi chỉ tiếp nước và thức ăn cho chim trong lồng nhỏ thì ở giai đoạn kế tiếp , khoảng từ 2 tới 3 tháng sau, bạn phải tập cho chim những thói quen và phản xạ khi chúng sống ở trong lồng lớn hơn.

Chăm sóc chim họa mi bổi nên có lịch trình đều dặn hàng ngày, từ việc thay nước, cho ăn, mở áo lồng… sau một thời gian được chăm sóc như vậy sẽ tạo cho chim họa mi bổi những phản xạ có điều kiện phù hợp với môi trường sống mới trong lồng.

Ngoài việc cung cấp thức ăn đủ chất dinh dưỡng và tạo không gian yên tĩnh, người nuôi cũng nên chú ý cho chim tắm nắng và tắm nước. Tắm nắng để cung cấp vitamin D và tạo bộ lông mượt mà ấp áp.

Tắm nước là thói quen của chim họa mi trong tự nhiên, chúng rất cẩn thận và thử nước trước khi tắm, tuy nhiên chim họa mi tắm rất nhanh, chỉ với vài phút.

Càng được tắm nhiều, bộ lông chim càng được mướt mát, tươi tắn, và sức khỏe của chim cũng khá hơn.

Trong quá trình chăm sóc chim họa mi bổi, bạn nên hành động nhẹ nhàng, tỉ mỉ và kiên nhẫn.

Có thể bạn sẽ thất bại trong những lần đầu thuần chim họa mi bổi nhưng qua một quá trình tự bản thân người nuôi sẽ rút ra được những kinh nghiệm về cách nuôi họa mi bổi.

Trong thời gian sau khi chim đã dạn, người nuôi vẫn nên trùm lồng kín cho chim vào ban đêm. Dù chim họa mi là loại có sức khỏe và đề kháng tốt nhưng chúng vẫn dễ trúng gió lạnh dẫn tới tử vong.

Nhìn chung việc chăm sóc và thuần một chú chim họa mi bổi rất vất vả và người nuôi mất rất nhiều thời gian theo đó là sự tỉ mỉ và kiên trì.

Nếu bạn là một người thật tâm huyết với chú chim của mình, nhất định khi trải qua một thời gian chăn sóc thì chú họa mi sẽ cất cao tiếng hót mỗi ngày.

Tuy sẽ mất thời gian dài từ 6 – 8 tháng, cũng có thể là một năm tùy từng con chim, nhưng cuối cùng bạn sẽ thực sự cảm nhận được sự thú vị trong quá trình thuần hóa chim họa mi và hạnh phúc khi được thưởng thức tiếng chim hót mỗi ngày.