Người nghèo Mỹ vật lộn trong đại dịch Covid-19

Hai năm trước, Pamela Rush đi từ hạt Lowndes, Alabama đến thủ đô Washington để điều trần trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về sự nghèo đói và tiền thuê nhà “như trấn lột” tại khu vực từ lâu đã khét tiếng về tình trạng bất bình đẳng sắc tộc.

“Họ thu của tôi tới hơn 114.000 USD cho một căn nhà di động xập xệ. Nước thải xả lộ thiên. Tôi không có tiền. Tôi nghèo đói”, Pamela Rush nói trong phiên điều trần.

Một tháng trước, cô qua đời vì Covid-19. Cái chết của Pamela Rush là “hệ quả của đói nghèo có hệ thống”, theo mục sư William Barber.

Những từ ngữ trên có thể được sử dụng để mô tả về những người nghèo khó tại các hạt nằm sâu ở phía nam nước Mỹ, nơi tiếp cận y tế khó khăn, chính sách sai lầm cũng như chia rẽ và phân biệt sắc tộc kéo dài qua nhiều thế hệ đã khiến tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tăng cao vài tháng gần đây.

Trong cơn mưa nặng hạt, Sandy Oliver, một trong những người bạn thân của Rush hồi phổ thông, nhớ lại những người mà cô đã mất trong đại dịch Covid-19. Cô nhẩm đếm trong đầu, rồi ngước nhìn lên trần nhà nơi chiếc quạt cũ kỹ chầm chậm quay. “Ít nhất là 10 người, tất cả diễn ra chỉ trong vòng tháng rưỡi qua”, Oliver nói.

Hạt Lowndes, miền nam Alabama, là vùng nông thôn thưa thớt người sinh sống với dân số chưa đầy 10.000 người. Dịch Covid-19 lan nhanh tại đây như đám cháy rừng, khiến Lowndes trở thành tâm dịch của toàn bang và điểm nóng trên cả nước.

Người nghèo Mỹ vật lộn trong đại dịch Covid-19

Cứ 18 người dân tại đây lại có một người mắc Covid-19, tỷ lệ cao nhất trên toàn Alabama và nằm trong số các địa phương có tỷ lệ cao nhất trên toàn nước Mỹ. 72% dân số của hạt là người Mỹ gốc Phi.

Oliver quen biết hầu hết trong số 24 người chết vì Covid-19 tại Lowndes. Chỉ vài ngày trước, lễ tưởng niệm dành cho Rush đã được tổ chức tại một nhà tang lễ tuân thủ đúng quy định giãn cách xã hội. “Tôi cảm thấy rất tệ bởi tôi hiểu rằng, điều này cũng có thể xảy ra với tôi. Tôi rất thương cảm cho cô ấy và cả hai đứa con của cô”, Oliver nói.

Đối với nhiều cộng đồng dân cư ở sâu trong phía nam nước Mỹ, câu chuyện về chết chóc, mất mát và đau khổ vì Covid-19 được cho là bắt nguồn từ những vấn đề ăn sâu bén rễ từ lâu.

Hàng thập kỷ trước, hạt này đã được gọi là “Lowndes đẫm máu” vì nạn giết chóc người da màu vô tội vạ, coi người da trắng là thượng đẳng cũng như tội ác của băng đảng KKK. Năm 1965, đoàn người biểu tình đòi quyền bỏ phiếu cho người da màu do linh mục Martin Luther King và John Lewis đã diễu hành qua hạt này trên đường đến Montgomery.

Tuy nhiên, 55 năm sau, bất bình đẳng về kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Hơn 30% dân số ở đây sống trong đói nghèo khiến Lowndes trở thành một trong những hạt nghèo nhất bang Alabama.

Thậm chí ở đây còn không có bệnh viện và những người như Oliver hay Rush phải đi xa hàng chục km nếu muốn được chữa bệnh. Kết quả điều tra dân số cho thấy, ít nhất 12% người dân không có bảo hiểm y tế dưới bất kỳ hình thức nào.

Dù chính quyền Trump đã cam kết hỗ trợ cho các bệnh viện chấp nhận điều trị Covid-19 cho bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, sự kỳ thị xã hội và nỗi lo không được chi trả bảo hiểm chính thức khiến nhiều người không dám tìm đến sự trợ giúp y tế.

Khi Rickey Lewis, con rể của Oliver, mắc Covid-19 dẫn đến viêm phổi, mê sảng và sốt cao, anh không dám gọi xe cứu thương mà tự lái xe đến bệnh viện. Anh không có bảo hiểm và lo lắng việc phải trả tiền xe cứu thương. Lewis cho biết khi xe đến bệnh viện, anh thậm chí không thể tự đi được nữa mà phải nhờ người chuyển vào bên trong.

Lewis nằm tại bệnh viện Vaughan Regional 4 ngày trước khi được ra viện. Dù vẫn còn có những dấu hiệu của bệnh, anh vẫn tự lái xe về nhà để tránh nguy cơ bị phạt tiền. “Tôi có niềm tin rằng mình sẽ sống sót”, Lewis chia sẻ sau khi đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Tuy nhiên, vợ anh, Quanita lại không mấy tin tưởng vào điều này. “Thật tệ khi bạn phải tự lê mình đến bệnh viện khi bạn bị ốm”, Quanita nói và kể lại việc cô đã phát khóc khi gọi điện cho mẹ khi tình trạng của Lewis trở nên tồi tệ hơn. “Tôi không nghĩ rằng mình đang sống ở quốc gia giàu nhất thế giới bởi chúng tôi thực sự đang rất khó khăn“, Quanita nói thêm.

Trong khi đó, tại hạt Leflore, bang Mississippi, bác sĩ Rachael Faught không giấu nổi sự mệt mỏi. Bà là một trong hai bác sĩ hồi sức cấp cứu duy nhất tại bệnh viện Greenwood Leflore điều trị cho rất nhiều bệnh nhân tại các hạt ở khu vực nông thôn của bang. Trong vòng một tháng qua, số ca nguy kịch vì Covid-19 tại đây tăng mạnh khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Faught đã tận mắt chứng kiến ba thành viên trong một gia đình tử vong vì Covid-19. Trong những tuần gần đây, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai quét qua bang này, cả 12 giường trong phòng hồi sức cấp cứu đều có bệnh nhân và một vài người đã được đưa sang bang khác để điều trị. Những ca bệnh nặng chủ yếu là người da màu.

“Cảm xúc của chúng tôi thay đổi như chong chóng. Có lúc tôi thấy sẵn sàng làm việc và rất muốn chăm sóc cho người bệnh vì tôi được đào tạo để làm điều này. Tuy nhiên, có những lúc tôi cảm thấy thất vọng, đặc biệt là khi có quá nhiều người thiệt mạng”, Faught nói.

Dù đã quen dần với việc điều trị bệnh nhân Covid-19 và đạt một số thành công trong khi sử dụng thuốc remdesivir, nhưng cũng giống như các bệnh viện ở nông thôn của Mỹ, Greenwood Leflore gặp khó khăn về tài chính và vẫn thiếu nhiều trang thiết bị bảo hộ y tế. Các nhân viên y tế buộc phải tái sử dụng khẩu trang, quần áo bảo hộ.

Greenwood, nằm bên bờ sông Yazoo, là thành phố lớn nhất của hạt Leflore và có truyền thống đấu tranh vì dân quyền. Năm 1966, trước đám đông gần 3.000 người, Stokely Carmichael đã đề cập đến cụm từ “Quyền lực của người da màu” trong bài phát biểu sau khi ông bị bắt giữ trong “Cuộc tuần hành chống lại sự sợ hãi” từ Memphis đến Jackson.

Đứng tại tòa thị chính, nơi ông bà của mình từng bị từ chối quyền được bỏ phiếu, Tavaris Cross so sánh những gì đã xảy ra trong quá khứ với tình hình dịch bệnh hiện nay. “Đã có những sự thay đổi nhưng rất nhiều thứ vẫn vậy. Thu nhập của chúng tôi vẫn thấp, điều kiện sống cực kỳ tồi tệ, hệ thống trường học nghèo nàn và hệ thống chăm sóc y tế cần được cải thiện nhiều”.

Cách đó không xa là một bức tượng Liên minh miền Nam được dựng lên từ năm 1913. Sau quyết định gần đây của bang Mississippi về việc dỡ bỏ lá cờ của Liên minh miền Nam ra khỏi quốc kỳ bang, hạt Leflore cũng đã bỏ phiếu thông qua việc kéo đổ bức tượng này.

Dù có vui, Cross vẫn tỏ ra thận trọng về hệ lụy lâu dài của nó trong vấn đề sắc tộc ở Greenwood. “Quyết định này là con dao hai lưỡi bởi những người da trắng chủ yếu là chủ. Bức tượng này đại diện cho lịch sử và di sản của họ”.

Là người tổ chức Poor People’s Campaign (Chiến dịch cho Người nghèo), Cross từng làm việc với nhiều người may mắn sống sót sau khi mắc Covid-19, trong đó có Patrick Ivory, người mất việc làm sau khi xin nghỉ ốm.

Ivory liệt kê hàng loạt những triệu chứng mà anh gặp phải trong một tháng qua, gồm viêm phổi và sốt cao tới 40 độ C. “Cơ thể tôi như bốc lửa”, Ivory nói và kể lại việc vợ anh Davuchi chườm đá lên người anh và nó bốc hơi ngay lập tức.

Ivory đã phải nằm ở phòng hồi sức cấp cứu khi nồng độ oxy trong máu của anh tụt mạnh. Sau đó sanh được đưa về nhà nhưng vẫn phải thở oxy. Phải hai tuần sau triệu chứng bệnh của anh mới suy giảm. Tuy nhiên, đến lúc đó, các chủ lao động đã quyết định chấm dứt hợp đồng với anh và anh không thể kê khai nhận bảo hiểm thất nghiệp.

“Anh ấy làm rất tốt nhưng sau khi anh ấy mắc bệnh, họ lại không còn muốn dính dáng gì đến chúng tôi nữa”, cô Davuchi nói.

Guardian