Trong quan hệ đối ngoại không phải mọi chuyện đều có thể lên truyền hình

Suy xét lại câu nói của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Thực ra, trong quan hệ đối ngoại có cái khó là không phải mọi chuyện đều có thể lên truyền hình bảo rằng chúng ta đánh giá thực chất thế này, chủ trương thế kia.

Làm sao hành động theo kiểu thưa ông tôi ở bụi này được!. Đặc điểm của đối ngoại là có những chuyện phải giữ kín chứ không phải là nhát, hay sợ đâu. Vấn đề là phải khôn
”.

Trong những ngày qua khi thềm lục địa của ta bị tàu của ngoại bang xâm phạm, cái mà ai ai cũng thấy rất rõ đó là Việt Nam công khai và chính thức, quang minh chính đại trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Bộ Ngoại giao hai lần đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ lên án Trung Quốc, đồng thời kêu gọi bạn bè quốc tế cùng chung tay bởi “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực biển Đông là lợi ích chung của các nước“.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thậm chí còn chỉ đích danh và lên án hành vi xâm lược của Trung Quốc trước ‘bàn dân thiên hạ’ tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 25. Nhưng, đó chưa phải là tất cả, đằng sau đó còn…

Là khi chúng ta quá hiểu, tham vọng bành trướng bá quyền vốn là “đặc sản” của Trung Quốc. Và vì không ai biết được cái “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra có tọa độ chính xác bao nhiêu, được nối như thế nào.

Trung Quốc cũng không biết (có đâu mà biết) và họ sử dụng nó mỗi khi thuận tiện để đòi xác định khu vực tranh chấp. Các mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, Hải Thạch – Mộc Tinh, Lan Tây – Lan Đỏ của ta đều có nguy cơ bị TQ kiếm chuyện như thế. Vì vậy, ta chọn cách mời gọi các nhà đầu tư Nga, Nhật tham gia.

Một bước đi mà như GS Mourdoukoutas nhận định: “Việt Nam có một chiến lược thông minh để ngăn chặn âm mưu bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đó là hợp tác với hãng dầu mỏ khổng lồ …Khiến Trung Quốc không thể hoành hành với yêu sách ‘Đường chín đoạn’ phi lý”.

Là Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thể hiện rõ, dứt khoát quyết tâm của Việt Nam trong việc “xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Bởi một điều như Giáo sư Nguyễn Mại cảnh báo “Trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Những nước có vấn đề biên giới, hải đảo của chúng ta, không thể để họ thực hiện các dự án có ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng”.

Là hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc chống xâm lược Nguyễn Thái Học. Người thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Bái mà trước khi bị hành quyết vẫn hô vang 4 tiếng “Việt Nam vạn…vạn…tuế”. Là một chỉ dấu khác hàm ẩn nhiều thông điệp khi tại chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng”, từ người đứng đầu Chính phủ cho đến tất cả những người có mặt ở hội trường hôm 19.8 cùng đồng thanh “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”.

Trong quan hệ đối ngoại không phải mọi chuyện đều có thể lên truyền hình

Là công cuộc phòng chống tham nhũng dù bất cứ giá nào cũng không được phép dừng lại. Là những chỉ đao phải xử lý thật nghiêm những người/doanh nghiệp chỉ ích kỷ lo ấm thân mình, cho hàng hóa Trung Quốc ‘quá giang’ sang Việt Nam xuất đi Mỹ;… Là hàng loạt những nỗ lực cải cách ròng rã suốt hai năm qua để tháo gỡ ách tắc đang làm triệt tiêu những tiềm năng và động lực phát triển đất nước.

Là gần 3 thập kỷ qua, Tổ quốc vẫn trường tồn vươn mình nơi đảo xa, với những giàn khoan mọc lên trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, đó là nhờ sự khôn khéo nhưng kiên quyết, bản lĩnh và trí tuệ của những người lính canh biển và đằng sau họ là những người đưa ra đường hướng, quyết sách chiến lược “4 Tránh”, “3 Không” và “9 K”.

Những ngày này khi thềm lục địa của ta bị Trung Quốc xâm phạm, không người Việt Nam nào không thấy lòng đau đáu. Nào có ai không muốn hòa bình. Có ai không muốn mỗi ngày được đưa con đến trường, được bận bịu với nhà máy công sở và đêm về chan hòa bên mâm cơm sum họp đoàn viên. Nhưng dường như định mệnh của đất nước bên bờ sóng Biển Đông này chưa bao giờ thôi nguôi bị kẻ thù phương Bắc rình rập.

Bất luận là những điều chúng ta nhìn cảm được hay những hành động chưa thể biện giải ngay được thì xin khẳng định một điều rằng. Việt Nam trước sau như một, luôn đặt chủ quyền lên trên hết, vì chủ quyền thì khi cần đánh chúng ta vẫn đánh. Ta không hy sinh chủ quyền chỉ vì muốn hòa bình. Ta không dùng chủ quyền đánh đổi hòa bình phụ thuộc.

Vậy nên, đừng chỉ nhìn thấy những điều sờ sờ rồi vội kết luận ta chẳng làm gì cả; đừng vội tức giận hùng hổ đòi đem tàu chiến ra biển Đông sống mái một trận với kẻ địch, bởi như PTT Vũ Khoan trải lòng: “Người làm chính trị có thực tâm và thực tài biết phân biệt giữa cái lợi của một người, của một nhóm người với cái tổng thể của dân tộc, đất nước. Và chủ quyền, hòa bình chính là cái lợi lớn đó.

Họ đặt nặng và coi trọng vào cái lợi lớn, cái lợi ích chung đó. Họ đặt tình cảm vào cái chung, cái lớn, toàn dân, toàn quốc, nặng hơn cái tình cảm cá nhân với một người hay một nhóm, cái riêng tư, cục bộ. Đặt nặng cái lâu dài hơn cái nhất thời
”.

Việt Nam nằm sát với Trung Quốc, nhiều đời nay kiên cường không khuất phục, không chấp nhận bị đô hộ nên luôn là đối tượng Trung Quốc muốn “cận công”. Tuy nhiên, cha ông ta đã vô cùng tinh anh, cương nhu phải phép, dụng binh tùy cơ, hợp với lẽ trời và lòng người nên dù đứng trước hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc nhưng cha ông chúng ta vẫn giữ được giang sơn muôn dặm, để lại cho cháu con ngày nay.

Thế hệ hôm nay, cũng đang đi chính trên con đường ấy và thực tế như chúng ta đã thấy. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “TỪ LO SỢ KHÔNG CÓ TRONG TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA VIỆT NAM”.