Tà Năng - Phan Dũng là một trong những địa điểm đẹp, nổi tiếng thu hút các phượt thủ và những người đam mê du lịch bụi khắp đất nước.
Cung đường dài 55 km xuyên rừng đi qua ba tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận này ngoài vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, còn ẩn chứa vô vàn hiểm nguy không thể lường trước.
Dưới đây là kinh nghiệm chinh phục và những lưu ý cần phải nhớ trong bất kỳ hành trình khám phá Tà Năng - Phan Dũng của Lê Xuân Cường, blogger du lịch bụi chuyên nghiệp, Nguyễn Trường Giang, admin một diễn đàn Phượt, và Nguyễn Minh Đức, phượt thủ tại Hà Nội.
Tà Năng - Phan Dũng là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng sự yên bình, hoà mình vào thiên nhiên cây cỏ.
Vì sao dân phượt chọn Tà Năng - Phan Dũng?
Theo chia sẻ trên các diễn đàn đam mê phượt, nhiều phượt thủ cho rằng lý do khiến cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng được các bạn trẻ ưa thích bởi phần lớn địa bàn nơi đây phủ kín những đồi cỏ bao la, rừng thông xanh mát.
Từ trên cao nhìn xuống, hẳn ai cũng phải ấn tượng với cảnh quan kỳ vĩ thiên nhiên ban tặng nơi đây. Nếu một lần đứng trên đỉnh Tà Năng, bạn sẽ được hoà quyện với thiên nhiên khi trước mắt là đồi núi chập chùng, suối nước mát rượi cùng áng mây bồng bềnh trôi.
Địa hình đa dạng và hiểm trở như vậy đòi hỏi những người tới đây cần trang bị kiến thức và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên đường.
Cách di chuyển
Để tới được Tà Năng - Phan Dũng, bạn có thể đi xe khách, máy bay đến Đà Lạt, sau đó di chuyển tới ngã 3 Tà Hine (Hồ Đại Ninh, Đức Trọng, Lâm Đồng), thuê xe ôm hoặc tự di chuyển đến bìa rừng và leo núi đi bộ.
Cung đường đẹp nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ là nơi cho ra đời những bức ảnh đẹp như tranh vẽ.
Từ ngã 3 Tà Hine nơi xe khách đỗ, bạn có thể dừng chân ăn sáng tại các quán quanh khu vực, sau đó thuê xe ôm đến điểm đi bộ là thôn Toa Cát, xã Đa Quyn.
Trên đường đi có chợ Đà Loan (bên trái cây xăng Tà Hine), nơi dễ dàng mua sắm đồ ăn, nước uống.
Dọc theo con đường này, các bạn sẽ thấy những quả đồi liên tiếp từ thấp đến cao, xen kẽ là những con suối và cầu, đường mòn với dốc cao…
Trên đường đi sẽ có những người dân tộc nhiệt tình chỉ đường, băng qua các ngọn đồi dốc sẽ là những đồng cỏ xanh đẹp như tranh vẽ. Các bạn nên chuẩn bị máy ảnh để lưu lại những bức ảnh tuyệt đẹp nơi đây.
Còn nếu bạn muốn dừng lại, không đến Phan Dũng thì rẽ trái để ngắm thác Yavly 7 tầng.
Tới Phan Dũng, bạn chỉ việc đi theo đường mòn đến một số mốc được đánh dấu sẵn theo định vị. Quãng đường cuối cùng là một vài suối nhỏ và những rừng thưa, trúc bụi và cỏ tranh rất đẹp. Cuối đường lớn đã có sóng điện thoại, đoàn trekking có thể liên hệ taxi vào đón để kết thúc hành trình.
Chuẩn bị gì cho chuyến trekking?
Nước uống: Mỗi bạn nên mang tối thiểu 4 lít nước để duy trì trong suốt chặng đường đi bộ, leo núi. Ngoài ra, khi khát quá cũng có thể dùng nước suối giải nhiệt.
Đồ ăn: Chuẩn bị lượng đồ ăn khô đầy đủ theo số ngày dự kiến đi. Nên mang theo những món đồ như mỳ gói, lương khô, xúc xích, kẹo sữa, các loại bánh… (đồ khô dễ dàng mang theo và lấy năng lượng tốt.
Mỗi thành viên trong đoàn nên chuẩn bị ba lô với đầy đủ vật dụng cần thiết trong suốt chặng đường.
Thuốc: Bạn nên mang một số loại thuốc dự phòng như cảm cúm, đi ngoài, chống côn trùng…
Vật dụng khác: Điện thoại có offine maps/GPS để load các điểm đánh dấu trên bản đồ địa hình và lưu lại trong trường hợp trên núi không kết nối được mạng; pin/ sạc dự phòng; lều - nên lựa chọn loại chống mưa; túi ngủ, chăn, mũ nón, khăn, quần áo… (mọi thứ cần gọn nhẹ và giữ ấm tốt phòng tránh thời tiết lạnh trên núi); giày có độ bám tốt trên mọi địa hình; đèn pin, bật lửa, dao, máy ảnh, giấy tờ tuỳ thân...
Những điều buộc phải nhớ khi chinh phục cung đường Tà Năng - Phan Dũng
1. Phải có sự hướng dẫn của người địa phương
Theo phượt thủ Nguyễn Trường Giang, người có khá nhiều kinh nghiệm với cung Tà Năng - Phan Dũng, đây là cung đường cực kỳ hiểm trở. Tuy thường xuyên khám phá hành trình này nhưng anh cùng nhóm bạn vẫn luôn cần tới sự hỗ trợ của người dân địa phương.
"Lời khuyên cho các bạn muốn chinh phục cung đường này an toàn chắc chắn là nên thuê porter chở đồ và leader là người ở đây. Còn nếu tự đi thì… sẽ rất mạo hiểm và khó nói về kết quả”, anh chia sẻ.
Người dân địa phương và porter chở đồ là yếu tố quan trọng cho hành trình chinh phục an toàn.
2. Không đi suối, thác nếu chưa có kinh nghiệm, kỹ năng
Điểm lưu ý trên mọi cung đường suối thác, đồi núi hiểm trở là không nên cố vượt qua nếu bạn thấy nước đục, chảy mạnh. Khu vực núi rừng luôn xuất hiện nước lũ đổ về khi có mưa khiến các suối thác có nước lớn chảy xiết.
Nhóm trekking cần lưu ý buộc dây chắc chắn để bám đuôi nhau khi băng qua suối để tránh lạc. Nếu chưa có kinh nghiệm không nên cố băng qua địa hình này khi đeo balo nặng, đặc biệt có nhiều phiến đá trơn, lồi lõm dưới nước.
3. Trưởng nhóm phải là người có kinh nghiệm, thông thạo địa hình
Nhóm trekking đồi núi cần trưởng nhóm có kinh nghiệm và sự cân bằng về kỹ năng giữa mọi thành viên. Mỗi thành viên cần chuẩn bị kỹ càng về thể lực và kỹ năng sinh tồn cá nhân dưới sự dẫn đường của trưởng nhóm có kinh nghiệm. Nếu chưa chắc chắn có thể thuê thêm người dân địa phương thông thạo địa hình hoặc porter chở đồ dẫn đường cho nhóm.
4. Cần trang bị kỹ năng sinh tồn
Trên chặng đường trek hoà mình với thiên nhiên, mọi thành viên cần nắm rõ các kỹ năng sinh tồn giữa núi rừng như dựng lều, tìm kiếm đồ ăn, cấp cứu với dụng cụ y tế, nhóm lửa… Không nên ỷ lại và phụ thuộc vào người khác.
Về kỹ năng này, phượt thủ Nguyễn Minh Đức chia sẻ tất cả kinh nghiệm của mỗi phượt thủ đều được tích luỹ nhiều năm từ những chặng ngắn. Do đó, nếu chưa từng tham gia các cung đường nhỏ, Tà Năng - Phan Dũng hoàn toàn không phải sự lựa chọn đúng đắn cho bạn.
Đồi núi cỏ xanh trùng điệp trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng.
5. Nắm vững về cung đường sẽ đi với GPS, offline maps, tracklog
Trưởng nhóm và tất cả các thành viên trong nhóm cần nắm rõ lịch trình, vùng đất cần đi đến đề phòng khi đi lạc hoặc ai đó bị tách đoàn.
6. Luôn có phương án và sự chuẩn bị để ứng phó sự thay đổi của thời tiết
Cảnh quan đẹp nhưng địa hình đồi núi luôn là nơi thời tiết biến đổi bất thường. Bởi vậy, trong suốt hành trình của mình, bạn cần chuẩn bị tinh thần và mọi vật dụng chuyên biệt sẵn sàng đối phó lại sự thay đổi thất thường của thời tiết.
7. Luôn bám sát đồng đội, tuyệt đối không tách đoàn
Là người thường xuyên tổ chức các tour phượt trên chính cung đường Tà Năng - Phan Dũng, phượt thủ Lê Xuân Cường nhấn mạnh việc các hội nhóm, đoàn thể không nên đi quá đông. Các thành viên cần phải bám sát, theo dõi nhau, tránh việc tự tách đoàn chụp ảnh, khám phá.
Bên cạnh đó, anh cũng cảnh báo các cung đường từng đi năm 2015-2016 đến nay nhiều thay đổi. Bởi vậy các đoàn leo núi cần tìm hiểu kỹ địa hình và đặc điểm nơi này theo thông tin mới nhất trước khi đi.
Trưa 12/5, Thi An Kiện, một phượt thủ, mất tích khi đang cùng nhóm 7 người chinh phục cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Sau đó, cả nhóm đã tổ chức tìm kiếm bạn đồng hành nhưng không có kết quả.
Theo một thành viên trong đoàn tìm kiếm, hiện tại, gần 100 người đã tham gia tìm kiếm người mất tích. Lực lượng cứu nạn chia ra nhiều nhóm tìm kiếm tất cả khu vực, một số nhóm tìm kiếm cả ban đêm.
Hiện tại, sau 6 ngày tìm kiếm, vẫn chưa có bất kỳ thông tin mới về nam phượt thủ mất tích. Các hội nhóm, bạn bè và những người đam mê phượt vẫn ngày đêm huy động, kêu gọi thêm người tìm kiếm.
Tuyến Tà Năng - Phan Dũng được đánh giá là cung trekking đẹp nhất Việt Nam, được các phượt thủ yêu thích. Tuy nhiên, cung đường này cũng rất nguy hiểm cho các phượt thủ tự đi mà không có người hướng dẫn.