Một góc Động Thiên Đường
Quảng Bình ngày nay nổi tiếng và hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước bởi bờ biển đẹp, những đồi cát trắng, thức ăn ngon, con người tình cảm và hệ thống hang động “hoành tráng” nhất thế giới.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có hơn 300 hang động lớn nhỏ và những hang động như Sơn Đoòng, Động Thiên Đường, Hang Tám Cô, Hang Thủy Cung, Động Tiên Sơn…có kết cầu đẹp lạ làm mê hoặc bất cứ ai .
Động Thiên Đường được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất”, kỳ quan tráng lệ và huyền ảo bậc nhất thế giới. Động Thiên Đường dài hơn 31,4 km ( dẫn lên tới biên giới Việt-Lào), rộng 30 - 150m; cao khoảng 60-80m, độ sâu 70m và nhiệt độ bình ổn ở mức 18-20 độ c và được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động khô dài nhất Châu Á. Bên trong Động Thiên Đường tạo hóa đã tạo nên một khối kiến trúc bằng thạch nhũ có vòm trời, bãi biển, ke suối, ao cá, tòa tháp, hình hài tiên phật…đẹp huyền ảo.
Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư khoảng 83 tỷ đồng xây dựng đường dẫn lên miệng hang, lắp cầu thang gỗ xuống hang và đón khách vào tham quan vào tháng 9/2010. Kiều, hướng dẫn viên du lịch cho biết, dịp này mỗi ngày Động Thiên Đường đón khoảng 1000 người, dịp lễ tết đông gấp ba lần và khách đến thăm ngày một đông.
Công nhân đục đẽo, hàn xì cầu thang ngay trong lòng Động Thiên Đường
Buổi sáng ngày 11/5/2018, lần đầu tiên chui xuống Động Thiên Đường, tôi choáng ngợt bởi vẽ đẹp huyền bí của hang động và cũng bị choáng vì sự can thiệt thô bạo của con người. Cách miệng hang chừng 40 m, hai người thợ đang hối hả cưa đục, hàn điện sáng léo một nhịp cầu tháng. Bên dưới cầu thang, thanh gỗ thừa, mùn cưa rơi vãi không thu dọn.
Khách vào tham quan, nhiều người để quên rác và hút thuốc lá thản nhiên. Ở bãi đậu xe, nhà đầu tư cho dựng một dãy quán tre lá để bán nước, quà lưu niệm. Tại đây, hệ thống sử lý rác tại chỗ rất thủ công và bẩn, riêng nước sinh hoạt, nhà vệ sinh thì xả thẳng vô tư xuống suối ngay phía sau.
Động Thiên Đường đúng nghĩa là báu vật trời ban, nó đẹp bởi tính nguyên sở. Những hành động cố ý và vô ý như vừa nêu ban quản lý và đơn vị khai thác hang động không thể không biết ?
Cảnh quan sông núi Quảng Bình đẹp như tranh vẽ
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, trong dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi, Quảng Bình đón khoảng 184.000 lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 9.000 lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Phong Nha-Kẻ Bàng đón 30.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017; riêng lượng người viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đạt tới 50.000 lượt khách, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017.
“ Du khách đến Quảng Bình ngày một đông và sẽ còn đông hơn khi một đại gia phía Bắc sẽ đầu tư đưa sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế và hàng chục dự án khai thác hàng động sắp được thực thi. Những dự án đầu tư liên quan đến hang động mà không giữ được tính nguyên vẹn thì hồn cốt của những hàng động sẽ biến mất, lúc đó không biết còn ai nhớ đến Quảng Bình”, ông Lâm, người con của xứ sở hang động Bố Trạch, Quảng Bình chia sẻ.
Quảng Bình là cái eo nhỏ nhất của chiều dọc đất nước, trời đất kiến tạo cho nơi này có đủ những nét đẹp về thiên nhiên với sông liền núi, núi nhiều hang động, biển sát đồng làng, mạng lưới ke suối chằng chịt quanh co…Thời tiết dù bốn mùa nhưng luôn khắc nghiệt, mưa thì thối đất, nắng kèm gió Lào đốt cháy mọi thứ dưới đất khiến cho nhịp sống ở xứ này thêm khắc khổ.
Có lẽ do sự khắc nghiệt của trời đất đã biến Quảng Bình trở thành mãnh đất “địa linh nhân kiệt”, rất lắm người tài, nhiều sản vật ngon lạ và chứa đụng một kho báu về đời sống vật chất lẫn văn hóa tinh thần mang đủ cung bậc của nghệ thuật.
Sông Nhật Lệ, biểu tượng đẹp của TP. Đồng Hới tỉnh Quảng Bình
Cảnh vật, con người và văn hóa Quảng Bình đúng là “của ngon vật lạ” đối với lữ khách trong và ngoài nước.Tuy nhiên, ngành du lịch Quảng Bình hiện chỉ mới dừng lại ở khâu khai thác các tài nguyên, hạ tầng của ngành du lịch hiện đại về nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí còn sơ sài, chưa được đầu tư đúng mực. “Đến Quảng Bình, ngoài ngó nghiêng hang động, tắm biển Nhật Lệ và ăn khoai lang là hết, chưa thấy món gì hay để níu giữ chân du khách dăm ba hôm tại đây”, một anh bạn người Sài Gòn cùng chuyến đi với tôi đến Quảng Bình đánh giá.
Du khách phương xa chọn mua trứng gà đồi, đặc sản của Quảng Bình dưới chân núi dẫn lên Động Thiên Đường
Ngay như sản vật địa phương, Quảng Bình không chỉ có khoai lang mà còn có những món ngon đến lạ lùng như cá mát của người dân tộc Khùa, trái vải tu hú (giống vải bản địa của người dân Minh Hóa chín đúng vào dịp rằm tháng ba), cơm bồi, ốc đực, cua đá, trứng kiến của núi rừng Minh Hóa; rượu đoác nhắm với ốc đá, đọt mây của người Rục; đẻn biển, cháo canh, lẩu cá khoai, bánh lọc bột sắn, gỏi cá nghéo, cháo hàu, bánh xèo Quảng Hòa, bánh tráng xúc con chắt chắt ăn kèm với rau rừng…của người ven biển.
Mặc dù các loại đặc sản của Quảng Bình ngon tuyệt nhưng người sản xuất ra chưa biến nó trở thành sản phẩm hàng hóa. Sản vật dù ngon nhưng giá trị thương phẩm còn dở, khiến cho nhu cầu thưởng thức nó hoặc mang về giảm đi nhiều sự thích thú.Khoai lang Quảng Bình trồng trên đất cát rất bở và ngọt lịm khi ăn tươi.
Nhưng khi người Quảng Bình làm khoai lang dẻo, báo gói cực kỳ sơ sài, trông không mấy vệ sinh và kém hấp dẫn. Du khách mua khoai lang dẻo Quảng Bình về làm qùa và đã xẩy ra tình huống răng hết muốn “làm bà con” với khoai vì nó cứng như …đá lèn !