Tìm hiểu vấn đề sinh sản ở mèo

Mèo, chính xác hơn là mèo nhà để phân biệt với các loài trong họ Mèo khác, là động vật có vú nhỏ và ăn thịt, sống chung với loài người, được nuôi để săn vật gây hại hoặc làm thú nuôi.

Người ta tin rằng tổ tiên trung gian gần nhất trước khi được thuần hóa của chúng là mèo rừng châu Phi.

Mèo nhà đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm, và hiện nay chúng là con vật cưng phổ biến nhất trên thế giới.

Có rất nhiều các giống mèo khác nhau, một số không có lông hoặc không có đuôi, và chúng tồn tại với rất nhiều màu lông.

Mèo là những con vật có kỹ năng của thú săn mồi và được biết đến với khả năng săn bắt hàng nghìn loại sinh vật để làm thức ăn. Chúng đồng thời là những sinh vật thông minh, và có thể dạy được.

Ở các vùng quê việc nuôi mèo có phần thuận tiện hơn ở các thành phố vì hầu như nhà nào cũng có sân vườn nên việc vệ sinh của mèo không gặp trở ngại.

Ở các thành phố việc nuôi mèo phiền phức nhất là lo chỗ cho mèo đi vệ sinh,thường thì đều phải làm chậu rồi bỏ xỉ than hay đất vệ sinh bán sẵn ở các cửa hàng đồ phụ trợ chó mèo.

Nuôi mèo đực thì không có gì phải lo lắng nhưng đối với mèo sinh sản-mèo cái thì sao?

Dưới đây là một số điều cần biết về các cô nàng mèo nhất là quá trình sinh sản của các cô mèo xinh đẹp.

Tìm hiểu về vấn đề sinh sản ở mèo

- Mèo cái có biểu hiện động dục đặc trưng như thích lăn tròn vật vã ra nền nhà và kêu to bất thường nhiều khi gây khó chịu. Hiện tượng này thường xuất hiện khi chúng có cân nặng từ 2kg đến 3kg, hoặc từ 6 đến 9 tháng tuổi.

- Thời gian động dục thường kéo dài khoảng 7 ngày.
Nếu mèo cái không gặp được mèo đực và không mang thai thì nó có thể động dục trở lại.Và thời gian giữa 2 lần này chỉ khoảng vài ngày.

- Thời gian thai kì của mèo cái thường kéo dài vào khoảng từ 55 - 70 ngày. Trung bình kéo dài khoảng 67 ngày tức là hơn 2 tháng.

- Mèo cái có thể đẻ 3 lứa hoặc hơn trong một năm.

Tìm hiểu vấn đề sinh sản ở mèo

Chăm sóc mèo mang thai

- Trong giai đoạn mang thai mèo mẹ thường ăn nhiều hơn và đặc biệt thích ăn các thức ăn giàu đạm.
Bạn nên tăng lượng thức ăn cho mèo và bổ sung thêm thịt, cá hoặc sữa cho mèo.

- Đặt ổ nơi khô thoáng và ấm, yên tĩnh. Lót thêm khăn hoặc vải mềm vào ổ để mèo nằm, thường xuyên giặt giũ và phun thuốc diệt bọ chuyên dùng cho mèo vào ổ. Thỉnh thoảng nên mang ổ ra phơi nắng để ổ đỡ hôi và khô ráo.

Chăm sóc mèo khi sinh

Mèo có thể tự xoay sở khi sinh mèo con,nhiều con mèo khi sinh nó tìm nơi kín đáo để sinh con mà ta không tìm thấy chỗ khi con nó lớn một chút mới tha nhau về.Vì vậy bạn cũng không cần phải quá lo lắng hoặc chăm sóc quá chu đáo khi mèo cái sinh con.

Nếu bạn thấy mèo có các biểu hiện sau khi mèo sinh con thì cần mang mèo tới cơ sở thú y nhờ can thiệp:

- Mèo co thắt bụng và thân từ 15 đến 20 phút liên tục nhưng không bắt đầu sinh.

- Thấy nhau hoặc đầu mèo con bắt đầu nhô ra ngoài nhưng mèo mẹ không tiếp tục sinh trong khoảng 2 phút.

- Mèo sẽ có thời gian nghỉ giữa các lần sinh con nhưng nếu mèo mẹ nghỉ quá 2 tiếng mà không tiếp tục sinh tiếp (mặc dù bụng vẫn còn to)

Chăm sóc mèo sau sinh

- Trong vài tuần đầu sau sinh, mèo mẹ sẽ dành phần lớn thời gian để chăm sóc mèo con vì mèo con chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt và tìm thức ăn. Bạn nên dời tô thức ăn lại gần ổ mèo, cho chúng ăn khẩu phần như khi mang thai hoặc nhiều hơn một chút.

- Mèo mẹ sẽ tự thu dọn vệ sinh khi mèo con ị ra trong thời gian mèo con còn bú nhưng nó sẽ chấm dứt khi mèo con bắt đầu ăn thêm thức ăn ngoài.

- Đối với một số cô mèo khó tính thì không nên cho người lạ vào xem mèo con vì có thể gây nguy hiểm cho người xem vì bị cắn do bản năng bảo vệ con của mèo mẹ hoặc mèo mẹ sẽ tha con đi dấu chỗ khác gây bất tiện cho việc chăm sóc.

- Khi mèo con được 4 đến 5 tuần tuổi bạn có thể cho mèo ăn thêm thức ăn đặc. Khi mèo đã ăn quen thức ăn đặc (khoảng từ 6-8 tuần tuổi) chúng có thể được cai sữa và chuyển sang ăn thức ăn cứng hơn.

- Nếu mèo mẹ bỏ ăn, nôn, tiêu chảy hoặc co giật bạn nên đem mèo đến thú y để khám bệnh.