Ý nghĩa của hoa đào và hoa mai với 2 vùng miền đất nước

Trong đời sống mỗi vùng có một phong tục khác nhau, một truyền thống khác nhau, nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao miền Bắc thích hoa đào còn miền nam lại thích hoa mai?

Điều đầu tiên hiện lên trong đầu chúng ta khi được hỏi câu trên có lẽ sẽ là do "thời tiết - khí hậu"! Cùng thuộc nước Việt Nam nhưng 2 miền Nam Bắc lại có khí hậu khác hẳn nhau.

Trong khi miền Bắc chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, khiến thời tiết trong năm phân thành 4 mùa rõ rệt thì miền Nam lại có khí hậu nhiệt đới xavan với mùa mưa và mùa khô rõ rệt.

Với 2 loại thời tiết khác biệt trên, cộng với sự khác nhau của thổ nhưỡng mỗi vùng, mà giờ đây chúng ta có 2 loài hoa đặc trưng cho 2 vùng rõ rệt.

Cây hoa đào của miền Bắc khó có thể sinh trưởng trong khí hậu nóng quanh năm của miền Nam, ngược lại hoa mai cũng khó lòng "sống tốt" với sự khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc.

Nhưng ngoài các yếu tố về thời tiết, đất đai ra, sự khác biệt đó còn đến từ các truyền thuyết, quan niệm dân gian của mỗi miền:

Ý nghĩa của hoa đào và hoa mai với 2 vùng miền đất nước

1. Miền Bắc: Hoa đào dùng để trừ tà, đuổi quỷ, mang lại hạnh phúc, an lành

Theo dân gian kể lại, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng.

Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, có uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng.

Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến sẽ bị sự trừng phạt của 2 vị thần này. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là cao chạy xa bay.

Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái.

Thế nên, để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nhỡ ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ.

Cũng từ đó mà mỗi năm khi tết đến xuân về, người người, nhà nhà đều cố chọn cho mình những cành đào, cây đào thật đẹp, thật uy nghi.

2. Miền Nam: Hoa mai là biểu tượng của phú quý, giàu sang

Hoa mai màu vàng, màu của hoàng tộc, tượng trưng cho vua (thời phong kiến), do đó hoa mai cũng là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt.

Trong quan niệm về ngũ hành, màu vàng là hành Thổ (đất), nằm ở vị trí trung tâm, quy tụ cả Kim, Mộc, Thủy, Hỏa (kim loại, cây gỗ, nước, lửa), có chức năng sinh sản, duy trì nòi giống.

Hoa mai còn tượng trưng cho tinh thần lạc quan và quật cường, vượt qua mọi chướng ngại của hoàn cảnh – phẩm chất tinh thần tối cần thiết của bao thế hệ “mang gươm đi mở đất” phương Nam.

Ngày tết vào thăm nhà ai, thấy chậu mai thế chiếm vị trí long trọng giữa phòng khách, màu hoa vàng rực cả một gian nhà thì sẽ biết chủ nhân là người rất thành đạt, phóng khoáng.

Chơi hoa mai ngày Tết cũng còn nhiều điều “nhiêu khê”. Thông thường bông hoa mai có 5 cánh, nhưng đôi khi do những bất thường nào đó, có những bông có đến 6, 7,8, thậm chí 10 cánh.

Nếu trong ngày Tết, chậu mai nở nhiều bông có nhiều cánh như vậy sẽ là điềm lành cho gia chủ, hứa hẹn một năm mới hanh thông, phát tài.

Ngược lại, có những chậu mai, mới hôm trước còn tươi mơn mởn, hôm sau đã héo úa, tàn tạ; ngày Tết không may chơi phải một chậu mai như vậy là điềm dữ, báo trước một năm khó khăn thất bát.

3. Lời kết

Dù là hoa đào hay hoa mai, đây cũng là những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ ngàn xưa để lại.

Đào - Mai đã gắn bó với Tết Việt, không chỉ vì chúng là hoa mà còn vì chúng chứa đựng câu chuyện triết lý nhân sinh của người Việt, ẩn tàng khát vọng hạnh phúc, giàu sang.