Tết nguyên đán tại Triều Tiên đất nước bí ẩn nhất thế giới

Như Việt Nam, Triều Tiên cũng là một trong những nước đón Tết Nguyên đán theo “lịch Mặt trăng – Mặt trời”. Ngày Tết Nguyên đán ở Triều Tiên không thể thiếu hai phong tục "đuổi quỷ' và "đốt tóc".

Tết Nguyên Đán ở đất nước mệnh danh bí ẩn nhất thế giới - Triều Tiên được gọi là Seollal. Vào đêm 30 Tết, các gia đình ở Triều Tiên sẽ quét dọn nhà cửa sạch sẽ, treo câu đối, tranh Tết, làm cơm Tết để cúng tổ tiên, cầu một năm mới sung túc, hạnh phúc.

Hai phong tục đặc biệt trong tết Nguyên Đán của Triều Tiên là "đuổi quỷ" và "đốt tóc". Phong tục "đuổi quỷ" nhằm tống khứ ma quỷ, nghênh đón điều lành. Người ta sẽ mang hình nộm bằng rơm có nhét tiền trong ruột vứt ra ngã tư đường vào mùng 1 Tết.

Còn tục "đốt tóc" cũng được làm vào chiều mùng 1 để trừ tà, xua đuổi bệnh dịch, cầu an cho năm mới bằng cách gom tóc rụng hàng ngày được giữ trong một chiếc hộp mang ra trước cửa và đốt bỏ.

Sáng sớm mùng 1 - ngày đầu tiên năm mới, các thành viên trong gia đình quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên), sau đó dùng cơm đầu năm.

Trong bữa cơm này sẽ không thể thiếu được món Tteokguk (có ý nghĩa là "tăng xuân", người Việt hay gọi là bánh gạo) được làm từ nước cơm, bánh gạo và đậu xanh. Người Triều Tiên quan niệm món ăn này sẽ mang lại cho họ một tuổi mới. Với họ, tuổi mới được tính từ năm mới chứ không phải từ sinh nhật.

Tết nguyên đán tại Triều Tiên đất nước bí ẩn ẩn nhất thế giới
Lễ Cha-rye của người Triều Tiên vào sáng mùng 1 Tết.

Món ăn cổ truyền trong dịp Tết của người Triều Tiên là "cơm thuốc", được làm từ gạo nếp hấp trộn mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương.... Loại cơm này được dùng để đãi khách và cúng tổ tiên với ý nghĩa mang lại sung túc và ngọt ngào trong năm mới.

Mấy ngày tết, người Triều Tiên thường diện trang phục truyền thống mới may dành riêng cho dịp tết, đó là những bộ trang phục mang màu sắc riêng, được trang trí bằng 5 màu chính và được gọi là Sol-bim.

Sau nghi lễ chúc phúc năm mới, trẻ con ùa ra đường chơi cùng nhau, bé trai cùng nhau thả diều và chơi quay; các bé gái thì chơi bập bênh hoặc rủ nhau nhảy dây.

Còn đàn ông sẽ mang theo chai rượu nửa lít sang hàng xóm chúc tết, phụ nữ thì ở nhà chơi cờ Yut Nori, nhảy múa bởi theo quan niệm xưa, nếu phụ nữ xông đất sẽ khiến gia chủ xui xẻo cả năm.

Người dân Triều Tiên không có nhiều nơi để đi chơi trong dịp Seol, họ thường chỉ đến nhà họ hàng, thầy cô, bạn bè hoặc đến đặt hoa ở tượng đài Kim Nhật Thành và chụp ảnh ở đó. Nhưng điều đáng chú ý là bạn sẽ không thấy những nam nữ đi cùng nhau.

Luật lệ và định kiến ở Bắc Triều Tiên khiến nam nữ không dám đi chung hay hẹn hò nơi công cộng, những người yêu nhau hay những cặp vợ chồng còn không dám nắm tay nhau khi ở nơi đông người.


Ở Triều Tiên, bắt đầu từ năm 1989 người ta mới chính thức coi tết Nguyên Đán lễ hội chính thức của dân tộc còn những năm trước đó, tết dương lịch mới là ngày lễ cuối năm của quốc gia này.

Tuy nhiên, sau 20 năm được thừa nhận thì tết âm lịch đã dần trở lại đúng với vị trí và vai trò của mình trong đời sống tinh thần văn hóa của người dân Bắc Triều Tiên. Đây là dịp để người dân đoàn tụ với gia đình. Sẽ có 3 ngày để người dân về quê, thăm gia đình, họ hàng và thực hiện các nghi lễ với tổ tiên.

Dịp năm mới ở Triều Tiên chỉ kéo dài trong khoảng 2 đến 3 ngày vì tư tưởng của người dân ở đây cho rằng kì nghỉ càng kéo dài thì con người sẽ càng lười biếng và hiệu quả công việc sẽ giảm sút. Vậy nên ở Bắc Triều Tiên không có kì nghỉ lễ nào dài quá 3 ngày.