VFF và những người... làm nhầm nghề

“Vì họ là những người không có chuyên môn nhưng tham gia điều hành nền bóng đá nên mới xảy ra cơ sự này”, chuyên gia Trịnh Minh Huế bày tỏ về đội ngũ lãnh đạo của VFF.

Từ chuyện của HLV Miura

Trong khá nhiều phát biểu của mình, chuyên gia Trịnh Minh Huế luôn đưa ra ý kiến 2 chiều về các ĐT bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Miura.
Theo ông Huế, năng lực của nhà cầm quân người Nhật mới chỉ là một vế, vế còn lại là năng lực tự thân của nền bóng đá và quan trọng nhất là cách làm việc của VFF.

“Nhiều người phê phán HLV Miura chỉ biết sử dụng cầu thủ và lối chơi lực điền, nhưng cá nhân tôi không nghĩ như vậy. Trong nhiều trận đấu, cả ĐTVN lẫn U23 Việt Nam cũng chơi tấn công rất nhịp nhàng, uyển chuyển.

VFF và  những người... làm nhầm nghề

Xét về bản chất, ông Miura là người đi làm thuê, còn VFF đóng vai ông chủ. Khi ông Miura đến Việt Nam, nhiệm vụ và quyền hạn của VFF là phải đặt ra những mục tiêu cụ thể cho công việc của ông ta.

Nhưng ở VFF lúc này, ai là người đủ tầm về chuyên môn để làm điều đó?
Từ khâu thẩm định năng lực, đến kế hoạch, phương pháp huấn luyện hay việc xây dựng lối chơi, ai là người chỉ đạo và quán xuyến với HLV Miura? Câu trả lời là không ai cả!

Khi ĐT thất bại, không hề có lãnh đạo nào của VFF dám đứng ra nhận trách nhiệm, chỉ rõ ưu nhược điểm, phân tích bài học…

Tất cả chỉ là… nhân dân nói, dư luận bất bình, HLV trưởng chịu trách nhiệm, còn VFF thì lặng thinh”, chuyên gia Trịnh Minh Huế bày tỏ.

Đến sự xuống cấp có hệ thống của nền bóng đá

Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, sự đìu hiu của các sân chơi bóng đá trong nước có trách nhiệm rất lớn của VFF.

Ông Huế phân tích: “Không có nền bóng đá nào mà các ông chủ của CLB lại kiêm nhiệm vai trò lãnh đạo liên đoàn! Kể cả khi anh có ngay thẳng, trong sạch đến mấy thì dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi.

Không có nền bóng đá nào mà một ông chủ lại sở hữu 4-5 CLB đá cùng giải! Sự thật rõ như ban ngày nhưng VFF vẫn bao biện.
Không có nền bóng đá nào lại xây dựng theo mô hình kim tự tháp lộn ngược, với số đội ngoại hạng nhiều hơn đội hạng Nhất, hạng Nhì.

Bên cạnh đó là tiêu cực, bạo lực sân cỏ, trọng tài yếu kém, tổ chức trận đấu nghiệp dư… Thế thì thử hỏi ai quan tâm đến bóng đá và muốn đầu tư vào bóng đá?
Cá nhân tôi cho rằng, bỏ ra 30-50 tỷ mỗi năm để nuôi đội bóng không phải vấn đề lớn đối với nhiều doanh nghiệp ở thời điểm này. Nhưng vấn đề là họ không nhìn thấy sự sáng sủa của cuộc chơi, tương ứng là không có lòng tin vào VFF”.

Chuyên gia Trịnh Minh Huế tiếp tục tâm sự:

“Một cầu thủ chuyên nghiệp ở nước ngoài mỗi năm phải đá khoảng 50-70 trận. Nhưng một cầu thủ ở ta may ra được phân nửa số đó.
Thế thì đừng đặt ra vấn đề thể lực, kỹ thuật hay chiến thuật làm gì cho mất thời gian.

Vì cầu thủ của ta đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp thực thụ đâu mà so đo.
Hai sân chơi được gọi là chuyên nghiệp của chúng ta là V-League (14 đội) và giải hạng Nhất (8 đội) đìu hiu như vậy thì lấy đâu ra ĐTQG mạnh?

Vừa rồi, tôi nghe thấy quan điểm nói rằng, chúng ta cử đoàn cán bộ sang Hàn Quốc để học tập mô hình của họ. Vì ở Hàn Quốc, số đội ngoại hạng cũng nhiều hơn số đội hạng Nhất.
Thú thật, tôi phì cười với ý kiến này, bởi người nói không hiểu gì về bóng đá cả”.

Vì không hiểu biết nên lãnh đạo VFF mới quay sang cãi vã lẫn nhau

Với tư cách một người làm chuyên môn, chuyên gia Trịnh Minh Huế không muốn đi sâu vào phân tích động cơ phía sau các hành động đấu đá của lãnh đạo VFF thời gian qua.

Nhưng cũng với cái nhìn của người làm nghề, ông Huế phân tích về sự hạn chế trình độ của các lãnh đạo VFF:

“Vì các anh không hiểu về chuyên môn nên mỗi ông một phách, khi có sự cố xảy ra thì mỗi ông một nhịp.

Bản thân tôi đã từng làm việc với các thế hệ lãnh đạo của VFF trước đây như anh Lê Thế Thọ, Phạm Ngọc Viễn… Bóng đá Việt Nam thì thời nào cũng có vấn đề, nhưng tại sao trước đây họ không loạn nhịp như bây giờ?

Câu trả lời chỉ có thể là đội ngũ lãnh đạo hiện tại của VFF toàn những người ngồi nhầm ghế. Họ không có sự am hiểu tường tận về công việc đang làm nên bộc lộ sự lúng túng thấy rõ, thậm chí tùy tiện bày tỏ quan điểm khi chưa rõ ràng.

Điều này cũng giống như trong cuộc sống, tôi và anh không hiểu gì về… khoa học vũ trụ thì có ngồi cãi nhau cả ngày cũng không ra vấn đề”.

Chuyên gia Trịnh Minh Huế kết luận cuộc trao đổi cùng phóng viên bằng tâm sự:

“Cá nhân tôi không còn làm công việc liên quan trực tiếp tới bóng đá và cũng không thù hằn gì bất cứ ai trong đội ngũ lãnh đạo của VFF. Nhận xét một cách công bằng thì họ cũng có nhiệt huyết nhất định để xây dựng nền bóng đá Việt Nam.

Nhưng khi làm nhầm nghề, ngồi nhầm ghế thì khó mang lại hiệu quả. Những ai kinh qua môn Triết học đều hiểu nguyên lý cơ bản là cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng.

Thực tiễn và nhu cầu phát triển của nền bóng đá Việt Nam sẽ khó chấp nhận một bộ máy điều hành không đáp ứng được yêu cầu. Nếu cứ kéo dài như thế này thì sớm muộn “cuộc cách mạng” cũng sẽ diễn ra”.

theo Trí Thức Trẻ