Nhật Bản Thái Lan đã từng sang Việt Nam học bóng đá

Niềm đam mê môn thể thao vua khiến huấn luyện viên, danh thủ Nguyễn Thành Sự bỏ qua tất cả cơ cực, thiếu thốn của cuộc sống.

Những tháng ngày rượt đuổi trái bóng tròn ngoài vỉa hè, đường phố, ruộng cạn đã tôi luyện cho ông đôi chân huyền ảo, cùng nhãn quan chiến thuật tuyệt vời.

Xuất hiện khắp các giải bóng đá trong, ngoài nước trong vai trò cả cầu thủ lẫn huấn luyện viên chuyên nghiệp thập niên 50-80, Nguyễn Thành Sự trở thành huyền thoại bóng đá vang bóng một thời.

Nhật Bản Thái Lan đã từng sang Việt Nam học bóng đá

Tiền vệ có đôi chân biến ảo

Ở tuổi 83, danh thủ, huấn luyện viên (HLV) bóng đá Nguyễn Thành Sự (SN 1932, ngụ Q.7, TP.HCM) vẫn tinh anh, nhiệt huyết mỗi khi nói về môn thể thao vua. Đã rất xa, ngày ông theo nghiệp “quần đùi áo số”, nhưng những ký ức một thời tung hoành sân cỏ trong ông vẫn như mới hôm qua.

Ông nhớ lại: “Tôi sinh ra ở Cần Thơ trong gia đình bình thường. Khác với bạn bè đồng trang lứa, ngay từ rất nhỏ, mình rất say mê và tìm mọi cách để được chơi bóng. Nhưng thời buổi khó khăn, muốn tìm ra một quả bóng cũng không phải là chuyện dễ”.

Không khuất phục trước khó khăn, ông mày mò, tìm cách có bóng để chơi. Ông nhớ lại: “Hồi đó, thiếu thốn quá. Nhà lại nghèo, thèm một trái bóng để đá lắm nhưng không có tiền. Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách trèo tường, vượt rào vào các sân tenis (quần vợt-PV) nhặt bóng về đá.

Khổ nỗi, bóng tenis có lớp vỏ bằng nỉ nên nảy không đều, rất khó khống chế. Mày mò mãi, tôi mới nghĩ ra cách đem bóng đi mài hết lớp vỏ nỉ để bóng nảy cao hơn, đều hơn. Bóng nảy cao, nhỏ, trơn càng khó kiểm soát. Nhưng càng khó kiểm soát, mình càng khổ luyện. Khi luyện được thì chân dẻo, khéo từ lúc nào cũng không biết”.

Có bóng, ông Sự túm tụm bạn bè, đá khắp nơi từ vỉa hè, đường phố đến cánh đồng vừa gặt. Chính từ những tháng ngày này đã rèn luyện cho ông đôi chân khéo léo. Mỗi khi ông Sự rê, dắt bóng, người xem cứ ngỡ trái bóng tròn như dính chặt vào chân ông.

Nổi bật với tốc độ, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, nhãn quan tốt, năm 1956, ông có mặt ở đội tuyển bóng đá Cần Thơ. Vào đội tuyển, như cá gặp nước, ông được dịp cọ sát, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để tự hoàn thiện mình.

“Hồi đó, mỗi khi ra sân, dẫn bóng không qua người đối phương là tối về tôi không ngủ được.Tôi cứ nằm suy nghĩ, tìm cách qua cho được mới thôi. Sau này, nhìn những bậc đàn anh đi trước, mỗi người, tôi học ở họ một “miếng” như cách ngoặt bóng, rê bóng, kìm bóng, qua người, …”, ông Sự cho nói.

Được huấn luyện, tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng thiên bẩm, cái tên Nguyễn Thành Sự trở nên nổi bật, được nhiều người săn đón. Với lối đá tinh quái pha chút lãng tử, nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, tên tuổi của ông “bay” đến tận Sài Gòn.

Ông cho biết thêm: “Lúc này, trên Sài Gòn, người ta đã thành lập nhiều câu lạc bộ nhưng không có cầu thủ hay, nên mỗi khi tổ chức giải, họ thường thuê tôi lên đá. Đi đá như vậy chúng tôi gọi là đá chầu (đá thuê-PV).

Sau này, khi đã quen mặt, năm 1959, tôi được gọi vào đội tuyển Miền Nam Việt Nam, đá giải SEAP Games (Đại hội thể thao Đông Nam á-PV) lần đầu tiên tại Thái Lan. Thời điểm này, chúng ta là một trong những đội mạnh nhất, đá chung các đội như In-đô-nê-sia, Malaysia, Miến Điện, …”.

Sau thời gian được xếp đá nhiều vị trí trên sân, cuối cùng, ông được phát hiện có khả năng kiến tạo thiên tài. Ông được xếp vị trí tiền vệ tấn công. Khoác chiếc áo số 10, Nguyễn Thành Sự trở thành hạt nhân của đội bóng, đảm nhận vai trò tổ chức, dẫn dắt lối chơi kiêm nhiệm vụ kiến tạo cơ hội săn bàn cho trung phong.

Được đặt đúng vị trí, Sự chơi cơ động, linh hoạt, các đường bóng qua chân ông trở nên tinh tế, đặt đồng đội vào vị trí thuận lợi để ghi bàn. Sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện, một thời, cái tên Nguyễn Thành Sự trở thành nỗi lo của hàng phòng ngự đối phương.

Mỗi khi ông có bóng, đồng đội đều hiểu phải đứng ở đâu, chạy với tốc độ bao nhiêu để đón bóng. Ngược lại, đối thủ chỉ thấy trái bóng như dính chặt vào chân ông, vượt qua các hậu vệ đối phương, kiến tạo bàn thắng ngoạn mục.

Vang bóng một thời

Quyết tâm theo nghiệp “quần đùi áo số”, ông Sự dắt díu vợ con lên TP.HCM, “bay” theo giấc mơ chinh phục những chiếc cúp vô địch của mình. Với tuyệt kỹ riêng như qua người nhanh gọn, khéo léo, khả năng dứt điểm trong tích tắc, không cần lấy đà, Nguyễn Thành Sự tiếp tục khuynh đảo sân cỏ trong vài ngoài nước đến những năm 1969.

Cuối cùng, nhận thấy thời khắc đỉnh cao của bản thân đã chạm ngưỡng, ông sáng suốt bước lên tầm cao mới. “Năm 1969, tôi nghe tin FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới –PV) tổ chức khóa đào tạo huấn luyện viên nên đã đăng ký tham gia để sau khi giã từ sân cỏ vẫn có thể sống trọn với đam mê, tiếp tục cống hiến cho nền bóng đá nước nhà”, ông Sự chia sẻ.

Là HLV đầu tiên có bằng FIFA tại Việt Nam, ông Sự bắt đầu làm việc cho đội Thương Cảng, rồi trợ lý HLV Đội tuyển Quốc gia cho ông Trần Văn Thông vài năm trước khi chính thức nắm quyền ở đội tuyển VNCH tham dự Merdeka (giải bóng đá danh dự của Malaysia-PV) lần thứ 17, rồi SEA Games lần thứ 7 tại Singapore. Ở đại hội thể thao khu vực lần thứ 7 đó, ông Sự cũng đã đưa đội tuyển giành HCB, trước đó là hạng 5/10 tại Cúp Merdeka được tổ chức ở Malaysia.

Cho đến ngày đất nước thống nhất, ở trận bóng đầu tiên giữa hai miền Bắc - Nam, HLV Nguyễn Thành Sự đã vinh dự là người dẫn dắt đội bóng Cảng Sài Gòn (tiền thân là đội Thương Khẩu) để thi đấu với đội Đường Sắt. Nhớ về kỷ niệm thành lập đội bóng vang danh Sài Gòn một thời, ông Sự cho biết: “Năm 1975, khi tôi đang theo đội tuyển dự một giải đấu ở nước ngoài thì vui mừng nghe tin đất nước thống nhất.

Trở về nước, đội Thương Khẩu ở TP.HCM nhận người mới về tiếp quản. Người này cũng là cầu thủ bóng đá. Ông ta muốn xây dựng, phát triển lại đội và chọn tôi giúp sức. Bấy giờ, Sài Gòn mọc lên nhiều đội bóng, cầu thủ giỏi gọi hết cả. Thành thử tôi chỉ còn chọn được những cầu thủ tuổi từ 30. Đó là tiền thân của đội bóng Cảng Sài Gòn”.

Nắm trong tay các cầu thủ có tuổi, ông Sự không khỏi băn khoăn về “sức chịu đựng” của các cầu thủ. Tuy nhiên, được đào tạo một cách bài bản, ông dễ dàng vượt qua những chướng ngại này. Ông cho biết: “Đội toàn là cầu thủ có tuổi từ 30 nên sợ phong độ tụt dốc.

Tuy nhiên, cầu thủ có tuổi thường kinh qua nhiều kinh nghiệm, mình cũng dễ huấn luyện hơn, dễ triển khai lối chơi hơn. Vì các cầu thủ đã có kinh nghiệm, kỹ thuật cá nhân nên tôi có nhiều thời gian bàn về chiến thuật. Hơn thế, tôi quyết định thành lập các đội trẻ, chú trọng khâu đào tạo các đội này để có cầu thủ dự bị, đôn lên đội 1”.

Tư duy chơi bóng lãng mạn của người Pháp, thêm vào đó là chút thực dụng của người Đức và có trong tay nhiều cầu thủ giỏi, HLV Nguyễn Thành Sự đã biến đội tuyển Cảng Sài Gòn trở thành một biểu tượng của bóng đá đẹp.

Chỉ trong thời gian ngắn ngồi trên cương vị HLV, Cảng Sài Gòn của ông bốn lần đoạt chức vô địch A1 TP.HCM. Lối chơi được ông định hình, dày công tạo dựng cho Cảng Sài Gòn về sau này, cũng được HLV Phạm Huỳnh Tam Lang kế thừa, phát triển để rồi tiếp tục mang về thêm nhiều cúp vô địch Quốc gia.

Nhật Bản, Thái Lan từng sang học tập bóng đá Việt Nam

Danh thủ Nguyễn Thành Sự cho biết: “Những năm 50-60 của thế kỷ trước, nền bóng đá nước ta có những bước tiến khiến nhiều cường quốc bóng đá về sau này phải ngưỡng mộ. Tôi còn nhớ, ở thời của tôi, Thái Lan, Nhật Bản từng qua nước ta học hỏi về bóng đá. Tôi đặc biệt ấn tượng với Nhật Bản. Sau khi chứng kiến và học tập bóng đá ở nước ta, trước khi về nước, họ đã tặng lại những đôi giày bé xíu và khiêm tốn nói: “So với các bạn, bóng đá của chúng tôi chỉ bé nhỏ như những đôi giày này thôi”.