Người Trung Quốc xưa thường thực hiện các cuộc hành hình phạm nhân vào giờ ngọ.Dưới đây phần nào lý giải cho vấn đề này.
Trong các tiểu thuyết thời cổ đại thường xuất hiện câu “giờ ngọ 3 khắc khai đao”, có nghĩa là vào đúng 12h kém 15 phút tội nhân sẽ bị đem đi hành hình.
Vào thời khắc này, mặt trời sẽ ở vị trí trung tâm nhất trên không trung, là thời điểm bóng trên mặt đất thu lại ngắn nhất.
Theo quan niệm cổ, đây là lúc "dương khí" cực thịnh trong ngày trong khi giết người là “âm sự”, cho dù phạm nhân có thực sự đáng chết hay không, âm hồn họ vẫn luôn lảng vảng, đeo bám những người tham gia vào việc hành hình như pháp quan, đao phủ…
Vì lẽ đó, cổ nhân đã quyết định chọn thời khắc “dương khí” nhiều nhất trong ngày để hành hình nhằm tránh sự quấy nhiễu của phạm nhân sau khi chết.
Ngoài ra, vào thời điểm “giờ ngọ 3 khắc”, con người ở vào trạng thái mệt mỏi ủ rũ, là thời điểm mà người người muốn có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa.
Vì lẽ này, việc thi hành án vào buổi trưa được cho là sẽ giảm bớt nhiều đau đớn cho người phạm tội. Nếu xét theo nghĩa này thì việc chọn giờ ngọ ba khắc để hành hình là nghĩ cho phạm nhân, xuất phát từ ý nghĩa nhân văn, từ tình người.
Theo quy định, đao phủ phải khai đao vào đúng giờ đã ấn định, nếu bị lỡ mất “thời điểm vàng”, việc hành hình sẽ phải lui lại đến ngày hôm sau.
Cũng theo quan niệm "xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng", trong 4 mùa có hai mùa thu và đông tiết trời se sắt, cảnh vật thê lương, chính hợp với "sát lệnh" của trời đất nên phạm nhân thường bị hành hình vào mùa này, trừ những trường hợp đặc biệt.
Theo quy định của hình luật thời Đường, Tống, vào tháng Giêng, tháng 5, tháng 9 âm lịch hàng năm và các ngày mồng 8, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 hàng tháng không được phép hành hình.
Ngoài ra, những ngày thời tiết "mưa chưa tạnh, mặt trời chưa mọc" cũng kiêng thi hành án tử đối với phạm nhân.
Dưới thời Minh, Thanh, hình pháp cũng quy định thời gian hành hình như triều Đường, Tống nhưng không quy định giờ giấc cụ thể.
Trên thế giới hầu như các quốc gia cổ đại khi thi hành án tử hình đều tiến hành vào ban ngày. Các quốc gia châu Âu trước thế kỷ XX cũng phổ biến thi hành tử hình vào lúc mặt trời mọc ở chỗ đông người.
Tuy nhiên, mục đích của họ là nhằm răn đe tất cả mọi người chứ không chịu ảnh hưởng bởi các thuyết âm hồn, dương khí... như ở Trung Quốc và một số nước châu Á khác.